Ngày 16/10, tại lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, Ngành đã dành hơn một giờ "ngồi ghế nóng" trực tiếp trả lời các câu hỏi của sinh viên, doanh nhân trẻ khởi nghiệp.
Thủ tướng và các Bộ trưởng, Thứ trưởng đối thoại với các thanh niên khởi nghiệp. Buổi đối thoại nằm trong khuôn khổ lễ phát động chương trình "Thanh niên khởi nghiệp".
Đối thoại tập trung vào các giải pháp hỗ trợ vốn, chính sách cho sinh viên, doanh nhân trẻ, thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Mở đầu, bạn Nguyễn Phong Lâm, sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương đặt câu hỏi rằng hiện nay có nhiều cuộc thi khởi nghiệp nhưng chủ yếu chỉ là phong trào, anh muốn biết các lãnh đạo Chính phủ có quan điểm như thế nào và làm sao để các biến các chương trình lý thuyết đến thực tế.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời rằng, bộ Khoa học - Công nghệ có đề án hỗ trợ thanh niên trẻ sáng tạo. Hàng tuần Bộ đều có những chương trình thực tế để các nhà khoa học trong và ngoài nước đến giao lưu, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo. Nếu sinh viên quan tâm có thể trực tiếp liên hệ với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ để được tham gia.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khích lệ sinh viên năm thứ 3 mà đã tích cực chuẩn bị cho khởi nghiệp là điều đáng mừng. Hiện nay ở nhiều trường đại học có những CLB khởi nghiệp gồm chuyên gia, thầy giáo, có cả các doanh nhân.
Hàng tháng, nếu sinh viên có những ý tưởng thì sẽ có hội đồng thẩm định, nếu chưa có chiến lược thì các chuyên gia có thể dẫn đường, gợi ý cho các bạn nên làm gì tiếp theo. Sinh viên có thể tìm đến hội nhóm này để có được sự trợ giúp. Cách làm trên cũng tốt hơn, thiết thực hơn là những cuộc thi phong trào.
"Có những ý tưởng nghe qua lạ lùng, điên khùng, nhưng chính những ý tưởng này lại khởi đầu cho những doanh nghiệp tên tuổi, như Facebook chẳng hạn", Thứ trưởng Đông nói.
Ông Đông cũng giải đáp băn khoăn của doanh nhân trẻ Phan Văn Học - giám đốc một công ty xây dựng công nghệ cao, một người khởi nghiệp thành công, về việc hiện nay chúng ta có hay không có quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, đơn vị nào quản lý và sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp.
Ông Đông nói hiện chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, nhưng có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho phép các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn của quỹ này. Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa thêm chính sách khuyến khích xã hội mở những quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, như: Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm của các công ty. Ông hy vọng các doanh nghiệp lớn có thể tập hợp lại để thành lập các quỹ hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung giải đáp băn khoăn của doanh nhân trẻ Nguyễn Như Giáp về việc chi phí đóng BHXH hiện nay đang quá cao, tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp start-up non trẻ. Theo bộ trưởng Dung, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định mức đóng BHXH thay đổi dựa trên tổng tiền lương và các khoản phụ cấp. Việc này tất nhiên khiến chi phí doanh nghiệp tăng.
Trên thực tế, nền đóng BHXH đang thấp do nhiều doanh nghiệp chỉ đóng cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng. "Trước mắt doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của luật. Bộ sẽ cùng VCCI và các thành viên liên quan họp bàn, tìm ra một phương án táo bạo để giúp doanh nghiệp, chẳng hạn giảm 1% đóng góp ở các khoản bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an toàn lao động", ông Dung nói.
Đại diện của thanh niên nông thôn mang đến băn khoăn về vốn, thủ tục, chi phí làm nông nghiệp sạch, anh Đồng Văn Hiệp (35 tuổi, quê ở Bắc Giang) đặt câu hỏi đến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh: "Bộ sẽ có những hỗ trợ gì cho thanh niên nông thôn làm nông nghiệp sạch khi nguồn giống, chi phí kiểm định chất lượng nông sản sạch rất cao, quy trình thủ tục đăng ký sản phẩm phức tạp?".
Chung thắc mắc, chị Nguyễn Thị Thơm ở Hải Dương cho hay, nguồn vốn rót về cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp còn chậm, đặc biệt thủ tục khá rườm rà. Hiện vùng quê chị có nhiều chân ruộng chiêm trũng, đất hoang hóa, thanh niên muốn chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng vướng mắc nhiều thủ tục hành chính rất phiền hà. Liệu các bộ ngành có tác động gì để hỗ trợ không?
Ông Doanh cho hay, Bộ đã có những hướng dẫn cụ thể sản xuất nông sản sạch VietGap, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình khuyến nông, quy trình đăng ký thương hiệu nông sản sạch, đồng thời có quy định rõ ràng về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp rằng hiện nay đã có chính sách cho phép chuyển đổi trồng lúa sang nuôi, trồng giống khác cho phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Địa phương phải công khai việc này và giải quyết nhanh các thủ tục cho thanh niên. "Các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, cứ báo cáo lên Trung ương Đoàn, trình lên Thủ tướng sẽ có giải pháp xử lý", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng hoan nghênh Trung ương Đoàn đã tổ chức Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" để lãnh đạo Chính phủ có dịp thảo luận với thanh niên, đề ra giải pháp, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ban ngành phải đồng hành cùng Đoàn thanh niên để tạo điều kiện cho chương trình khởi nghiệp thành công. Bản thân ông ở vị trí người đứng đầu Chính phủ sẽ luôn ủng hộ hết sức cho thanh niên khởi nghiệp.
"Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau nhưng hãy sống có ước mơ của mình. Thế giới có tỷ phú tuổi 20 nhưng cũng có doanh nhân thành đạt ở tuổi 40. Hạnh phúc không phải là kiếm ra nhiều tiền mà là lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà mình tạo ra", ông nói.
Chương trình “Thanh niên Khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên; huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Chương trình hướng tới tập trung hỗ trợ ba khối đối tượng: sinh viên các trường đại học, cao đẳng; thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp; doanh nhân trẻ, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh.
Các nội dung, giải pháp được Chương trình xoay quanh các mũi nhọn: tổ chức các hoạt động truyền thông; tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp: thành lập Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của T.Ư Đoàn; kiến nghị chính sách khởi nghiệp đối với thanh niên.
T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng vừa ra mắt Hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, với các thành viên là những đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, trí thức uy tín và kinh nghiệm; các doanh nhân thành đạt.
Mai Châm
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn