Gặp nhau cuối năm – Táo Quân – một trong những chương trình truyền hình được yêu thích nhất Việt Nam vừa tổ chức ghi hình vào tối 2/2/2018. Đây đã là năm thứ 15 liên tiếp chương trình được thực hiện và như thường lệ, sẽ được phát sóng vào đêm 30 Tết.
Có thể nói, chương trình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đông đảo khán giả truyền hình Việt Nam. Có những người mặc nhiên coi Táo quân là dấu hiệu của một năm mới hay "chưa có Táo thì chưa phải là Tết". Ngay từ số đầu tiên năm 2003, "Gặp nhau cuối năm" lấy tích Táo Quân chầu trời để phản ánh những câu chuyện, vấn đề nổi cộm trong xã hội trong suốt 1 năm thông qua một lăng kính hài hước đã gây ấn tượng với khán giả. Để rồi từ đó, suốt 15 năm qua, cách tạo tiếng cười rất đặc trưng đó đã tạo nên thương hiệu Táo quân và trở nên vô cùng gần gũi với mọi người.
Táo quân 2018 – Táo quân 15 năm là chương trình quy tụ đông đảo diễn viên nhất từ trước đến nay. Đầu tiên phải kể đến những gương mặt nghệ sỹ gắn bó suốt nhiều năm qua như NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Công Lý, NSƯT Xuân Bắc (bộ 3 Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu); NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, NS Vân Dung (luân phiên làm nhiều các chức danh Táo khác nhau). Chương trình năm nay cũng chào đón sự trở lại những nghệ sỹ đã từng tạo được ít nhiều dấu ấn trong Táo quân như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Minh Vượng. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ hài trẻ cũng góp mặt tại Táo quân 2018 như Minh Tít, Trung Ruồi, Đỗ Duy Nam... Chương trình còn sự tham gia của Bi Béo - con trai Xuân Bắc.
Mỗi năm, thách thức với ê-kíp sáng tạo Táo Quân là thay đổi hình thức thể hiện, tạo nên những điều bất ngờ thú vị đối khán giả. Và thay đổi lớn nhất của Táo quân 2018, đó là sẽ không còn màn báo cáo của các Táo. Thế nhưng với trò chơi tranh ghế năm nay dường như kịch bản đã không thể vượt qua được cái bóng của những mùa trước với nhiều motif trò chơi quen thuộc như Táo Idol, hoa táo, vòng quay tham nhũng hay ai là triệu phú...
Dù thay đổi kịch bản nhưng nội dung Táo Quân vẫn xoay quanh việc “vạch trần” các vấn đề nổi cộm trong từng lĩnh vực xã hội. Qua những phần thi hài hước của các Táo, những vấn đề gây chú ý nhất năm như hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ, đề xuất cải cách tiếng Việt, bạo hành trẻ em, sự bùng nổ của mạng xã hội, U23 Việt Nam… đều được nhắc đến qua lời thoại dí dỏm, châm biếm. Không thể phủ nhận công sức và sự dụng tâm của các nghệ sĩ đóng góp cho chương trình vốn được khán giả yêu thích đêm 30 Tết nhưng xem hết chương trình lại cảm thấy khá hụt hẫng theo nhiều ý kiến khán giả chia sẻ trên mạng xã hội.
Điểm lại chương trình với đông đảo sự tham gia của dàn diễn viên trẻ cùng ê-kíp cũ với sự trở lại của một số gương mặt gạo cội nhưng vẫn chưa tạo được sự kết nối giữa phần trình diễn của 2 thế hệ Táo. Trong khi các nghệ sĩ cũ vẫn tung hứng một cách nhuần nhuyễn ăn ý thì các Táo trẻ lại tỏ ra khá lạc lõng chưa mang lại được nhiều tiếng cười cho khán giả.
Việc lôi cơ thể Bắc Đẩu ra để chê bai, chọc cười về giời tính năm nay đã gặp phải phản ứng ngược khi nhiều khán giả bình luận khá gay gắt.
Về phần lời thoại do không có nhiều đất diễn nên lời thoại không có nhiều điểm nhấn mà phải cố gây cười khi lấy cả những câu chữ đồng âm như “kệ mẹ mày”, “mẹ bố chúng mày...”. Việc dùng những từ ngữ như con hàng, con cave già, đuông dừa... Điều này cũng phần nào khiến chương trình mất điểm trong mắt người xem khi bị cho là kém sang, mua tiếng cười bằng việc lôi ngoại hình người khác ra để châm biếm như Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: "Phí công hóng Táo Quân cả tuần trời, cuối cùng phải coi một show hơi bị rẻ tiền, lạm dụng chọc cười bằng mấy trò dơ bẩn và tục tĩu. Gái. Cave già. Con hàng. Đuông dừa ưỡn ẹo. Dạng đùi ra cho tôi ngồi xuống... Ủa là sao? Thời khắc giao thừa thiêng liêng sum họp gia đình, chuyển giao trời đất là để nghe mấy thứ đó sao?"
Một trong những điểm sáng của chương trình là phần con quan với sự tham gia của các diễn viên trẻ nhưng điều khiến người hâm mộ nhớ nhất lại là vai Táo Ta (Bi Béo) với câu thoại ấn tượng: "Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no" cùng chi tiết cậu bé yêu cầu được khiêng vào để "thay bỉm" khiến nhiều người xem phải bật cười.
Một điều khá bất ngờ trong chương trình năm nay khi dàn Táo trẻ bị lu mờ trước một vai diễn nhí.
Phần của táo Kinh tế của Quang Thắng mở màn bằng một loạt thành tích bề nổi. Xen vào đó là điểm xuyết qua vụ 12 đại dự án đắp chiếu ứng với 12 cúc áo trên trang phục của Quang Thắng. Tuy nhiên, đây cũng là phần trình diễn gây nhiều tranh cãi khi có sự tham gia của Ngọc Hoàng cùng dàn vũ công nóng bỏng. Chi tiết này khiến nhiều người thất vọng về phần mở màn bởi không có điểm nhấn trong lời thoại mà chỉ cố gây cười gượng khi so sánh việc khởi nghiệp với mông thịt để Ngọc Hoàng phải nhấp nhổm nhìn trước ngó sau.
Nhân vật được cho là sẽ cứu nguy được kịch bản là Tự Long dù được đánh giá cao với màn trình diễn cá nhân nhưng lại bàn về một vấn đề đã khá cũ đã được đưa vào Táo Quân nhiều năm qua. Nhiều tình tiết liên quan đến đời sống tinh thần của người dân "hạ giới" được tái hiện qua hình ảnh Táo Xã hội Tự Long. Táo Xã hội thích sử dụng Facebook, chụp ảnh selfie và phát video trực tiếp (livestream). Anh cũng thường xuyên lên mạng "chém gió" với bạn bè và thích gia nhập đội ngũ các "anh hùng bàn phím", sẵn sàng "ném đá" bất cứ ai mà không cần kiểm chứng sự thật.
Tự Long đã hoàn thành tốt vai trò của mình nhưng điểm yếu năm nay lại nằm ở kịch bản khi nhân vật của anh đề cập tới một vấn đề đã quá cũ.
Tuy nhiên, việc chỉ nhắm tới những mặt trái của mạng xã hội để đả kích khiến nhiều khán giả lên tiếng cho rằng mạng xã hội đã có nhiều sự thay đổi trong những năm qua với những bài viết chia sẻ mang nhiều tính nhân văn hơn là chỉ tập trung xoáy vào nhưng chiêu trò bóc phốt, live stream. Khán giả Vũ Viết Tuân chia sẻ: "Phần Táo của Tự Long được trông đợi nhất nhưng lại nhấn vào một vấn đề mà chẳng hiểu sao đến bây giờ Táo quân vẫn giữ cái nhìn thiên lệch, hời hợt vậy: đó là mạng xã hội".
Ngoài ra những phần báo cáo của Táo Quy Hoạch, Táo Y Tế hay Táo Giáo Dục không để lại nhiều ấn tượng. Nhiều người vẫn hy vọng năm nay sẽ là một màn trình diễn bùng nổ của NSƯT Chí Trung trong vai Táo Quy Hoạch trước khi rời Táo Quân nhưng hình ảnh của anh lại quá dàn trải không để lại nhiều ấn tượng như mọi năm. Trước khi chương trình lên sóng nam diễn viên cũng chia sẻ đầy ẩn ý: "Điều quan trọng nhất của một tác phẩm hay là ở kịch bản còn diễn viên chỉ góp phẩn tôn vinh thêm cho kịch bản. Một dàn diễn viên tốt đến mấy cũng không cứu được một kịch bản kém và Táo Quân cũng đã có nhiều năm bị chê vì kịch bản kém".
Cuộc đua leo lên ghế to của các Táo là một điểm nhấn nhưng không có nhiều điểm mới lạ trong cách thể hiện.
Điểm nhấn lớn nhất trong chương trình năm nay là việc tranh giành ghế to, theo câu châm ngôn lâu nay vẫn được dân gian truyền tụng “nhân sâm thì ít rễ tre thì nhiều”. Phần sau của chương trình khắc hoạ khá rõ nét điều này, khi các Táo phải dẫm đạp lên đầu lên cổ nhau, bất chấp thủ đoạn để leo lên được chiếc ghế, rồi lại cũng không biết cách leo xuống thế nào.
So với bản quay, khá nhiều khán giả đã xem tực tiếp cảm nhận rất rõ là năm nay Táo quân né tránh rất nhiều vấn đề nóng hổi, thời sự của năm qua vì bị cắt gọt bởi chỉ điểm qua những điểm nóng trong năm mộ khác khá hời hợt chứ không xoáy sâu vào vắn đề. Blogger Song Hà - một trong những người viết kịch bản cho chương trình có chia sẻ: "Chương trình đêm nay tôi viết không nhiều do thời gian nộp kịch bản quá gấp, nhưng với những bài viết về Táo mà tôi đã post công khai trên FB, mọi người chắc chắn sẽ không khó để nhận ra đoạn nào của tôi!. Dễ nhận ra nhất là câu hô huyền thoại "Ngọc hoàng lệ phí, lệ phí, lại lệ phí", màn cầm dao thái thịt đuổi thiên lôi của Bắc Đẩu, đoạn về Táo Kinh tế, táo Xã hội ngáo phây búc...".
Bên cạnh đó, sau khi xem xong anh tỏ ra không hài lòng khi chương trình bịt cắt cúp nhiều so với kịch bản: "Cứ phải nhận xét trung thực với cảm xúc của mình, tôi có xem tại trường quay và thấy bị cắt quá nhiều. Vẫn biết e kip đã hết sức cố gắng, nhưng nói chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thư giãn của khán giả. Tôi hơi buồn vì lời thoại khá chán vì dài dòng, thì mà là ê a quá nhiều, khác hẳn với lời thoại của tôi từng viết trên facebook".
Khép lại chương trình, dù có nhiều ý kiến khen chê gây tranh cãi nhưng Táo Quân 2018 vẫn là một chương trình được VFC và các nghệ sĩ đầu tư nhiều công sức từ trang phục kịch bản cho tới sân khấu. Nhưng khâu kiểm duyệt cho tới hiện tại vẫn là một cái bóng quá lớn khiến chương trình không còn tính đả kích mạnh mẽ nhưg người hâm mộ vẫn chờ đợi. Suy cho cùng điều mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã đúc rút ra sau 15 năm là Táo Quân rằng "Đừng mong Táo quân thay đổi được xã hội" là một điều khó có thể phủ nhận.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn