Tại chương trình “Cùng bé sáng tạo” năm nay, các em nhỏ đã cùng nhau quây quần trên những chiếc chiếu đơn sơ tại sân Thái Học – Văn Miếu để lắng nghe sự hướng dẫn của các nghệ sĩ nổi tiếng, tái hiện hình ảnh “lớp học ông giáo” xưa.
Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, các bé đã cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy – một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa. Mục đích giúp các em nhỏ phát triển tư duy khác về sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.
Sân Thái Học – Văn Miếu đông đúc, nhộn nhịp vì sự có mặt của các gia đình tham dự lễ hội Mặt nạ.
Chị Hoàng Thu Thảo – một phụ huynh có con tham gia ngày hội chia sẻ: “Từ lâu gia đình tôi đã có chủ trương hướng cho các con tìm hiểu và yêu mến các giá trị truyền thống của dân tộc, và mặt nạ giấy bồi là một trong những điều như vậy.
Lễ hội mặt nạ trung thu là một hoạt động rất ý nghĩa. Có thể bây giờ các con chỉ biết rằng mình được nghịch với màu, cọ vẽ, nhưng sau này các con sẽ hiểu rằng đó là những gì mà cha ông ta đã làm nhiều đời nay để gìn giữ những truyền thống tốt đẹp trong dịp Tết đoàn viên”.
Bé Thanh Vân – học sinh trường TH Quang Trung hào hứng: “Ở trường em rất thích vẽ, nhưng đây là lần đầu tiên em được vẽ trên chất liệu giấy bồi, và được tự mình sáng tạo hình ảnh trên phôi mặt nạ Trung thu.
Em cũng được tìm hiểu công đoạn mà các nghệ nhân làm mặt nạ truyền thống tạo ra những chiếc mặt nạ thỏ, trâu, chú Tễu, thằng Bờm, Tôn Ngộ Không... em rất yêu thích mỗi khi Trung thu đến”.
Các em nhỏ quây quần trên những chiếc chiếu đơn sơ, cùng học cách vẽ mặt nạ và quạt mo
Các em nhỏ được thỏa sức sáng tạo, thể hiện trí tưởng tượng trên quạt giấy, mặt nạ giấy bồi.
Nghệ thuật mặt nạ là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo xuất hiện ở hầu hết các nền văn hóa trên thế giới trong các hình thức tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống… Ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, nghệ thuật hóa trang cũng như trang trí mặt nạ lại mang những nét đặc trưng riêng, hàm chứa trong đó những quan niệm về thế giới, vũ trụ, hình ảnh của thần linh và cả mỹ cảm về nghệ thuật.
Ngoài thông điệp về văn hóa truyền thống thông qua hình ảnh chiếc mặt nạ gửi trao, các em nhỏ tham gia chương trình còn được tìm hiểu về những chiếc mặt nạ châu Phi với những đường nét hoa văn, màu sắc đặc trưng.
Những chiếc mặt nạ do các bé, sinh viên và họa sĩ thực hiện tại chương trình sẽ được trao tặng các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương để vui Tết Trung thu. Mô hình thu nhỏ lễ hội mặt nạ cũng sẽ được mang đến với các bạn nhỏ Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Các em nhỏ say sưa sáng tạo tác phẩm của riêng mình
Không chỉ gói gọn trong những hình tượng chú Tễu, thỏ, trâu, thằng Cuội, thằng Bờm, các em nhỏ đã tự mình sáng tạo hình tượng riêng trên những chiếc phôi mặt nạ giấy bồi có sẵn
Những tác phẩm ấn tượng được trưng bày
Hào hứng khoe tác phẩm của mình
Ca sĩ Bảo Trâm cũng háo hức cùng các em nhỏ tham gia lễ hội tìm hiểu và sáng tạo Mặt nạ Trung thu.
Hồng Minh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn