Cơ duyên đến với hoa lan
Yêu thích hoa lan từ sớm, nhưng người đàn ông sinh năm 1983 chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ nhân lan chuyên nghiệp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chỉ học hết cấp ba rồi bắt đầu mưu sinh, từng có 15 năm kinh doanh nhà hàng, rau susu (đặc sản của Tam Đảo), hoa lan trước đây chỉ đơn thuần là thú vui cá nhân. Thời điểm những năm 2005, anh đã đi sưu tầm các giống hoa lan khắp khu vực Vĩnh phúc (khi đó chỉ là các giống lan thường).
“Vừa làm vừa theo đuổi sở thích và đam mê, tôi tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi và cơ hội sưu tầm các loại lan. Từ một vài giống, tôi mở rộng quy mô dần dần, từ đấy số lượng giống cũng tăng lên. Tôi xây dựng dàn, tích lũy các kinh nghiệm sau rất nhiều thời gian chăm sóc. Khi điều kiện kinh tế ổn định hơn, tôi chuyển giao nhà hàng cho vợ và tập trung chuyên tâm chăm sóc và sưu tầm hoa lan cho thỏa đam mê của bản thân”, nghệ nhân Phương Thuần tâm sự. Anh cũng cho biết, bản thân từng rất chật vật những ngày đầu theo đuổi thú vui này nên mong muốn có thể chia sẻ, giúp đỡ những người chơi mới như mình ngày trước.
Chăm chút về mặt kỹ thuật
Để chăm sóc lan thành công, theo nghệ nhân Phương Thuần, yếu tố kỹ thuật cần được đặc biệt quan tâm. Thứ nhất, cần chọn giống lan phù hợp. Vì khó có thể tạo ra môi trường nhân tạo phù hợp tuyệt đối nên hãy ưu tiên chọn loại phù hợp khí hậu địa phương, yêu cầu về dinh dưỡng, độ ẩm dễ đáp ứng. Thứ hai, cần bổ sung dinh dưỡng có chừng mực. Vì tâm lý sợ hoa thiếu chất sẽ kém phát triển, nhiều người vô tình khiến cây lan của mình rơi vào tình trạng “bội thực".
Nghệ nhân Phương Thuần đưa ra lời khuyên: tưới nước vừa phải để tránh làm úng rễ, bón phân hợp lý, tuỳ theo nhu cầu cây để tránh làm cháy lá, cháy rễ. Đặc biệt, cây mới ghép không nên bón phân, mà chỉ nên dặm phân khi bộ rễ đã phát triển hoàn thiện và vẫn phải duy trì môt liều lượng vừa phải. Thứ ba, cần bình tĩnh khi khắc phục vấn đề, có như vậy mới giảm được tối đa tác động xấu, tăng khả năng phục hồi của cây. Nghệ nhân Phương Thuần chia sẻ: “Lúc mới chơi lan, tôi cũng rất sốt sắng, thấy cây yếu là vội phỏng đoán, chữa theo ý mình nên cây chết rất nhiều. Sau này có kinh nghiêm, tôi mới rút ra được cần nắm tốt kiến thức về lan hoặc tìm sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm, thay vì tự tiện xử lý thiếu khoa học".
Thành quả xứng đáng
Nhờ đầu tư khoa học và tận tâm, nghệ nhân Phương Thuần đã đạt được những thành quả xứng đáng. Tính đến nay, anh đã sưu tầm được khoảng 20 loại lan đột biến gồm giống 5CT (5CT Phú Thọ, HO, Bạch Tuyết, Bảo Duy, Cờ Đỏ,...); và một số giống đột biến Hồng (Mỹ Nhân, Nhật Hạ, Yên Thuỷ,...).
Danh tiếng của anh cũng được nhiều người trong giới biết đến, cái biệt danh “Thuần Tam Đảo" dần quen thuộc với những người đam mê lan miền Bắc. Hiện tại, anh sở hữu vườn lan rộng khoảng 500m2 với khoảng 1000 chậu, tổng giá trị lên đến 50 tỷ. Nghệ nhân Phương Thuần chia sẻ về những gì mình đã trải qua để đạt được thành quả: “Những năm đầu, có giò lan tôi dành dụm 3 tháng mới mua được, nhưng chưa biết chăm đúng cách, cây không phát triển tốt. Đó là chậu lan tôi không bao giờ quên. Số tiền lớn nhất tôi từng bỏ ra để mua một chậu lan là 300 triệu đồng. Đây là một trong những giống lan tôi ước ao từ ngày đầu biết về lan đột biến".
Theo nghệ nhân Phương Thuần , yếu tố lớn nhất quyết định thành công của anh chính là đam mê, không có đam mê thì khó có thể kiên trì vì chơi lan đòi hỏi rất lớn cả về thời gian lẫn công sức. Anh hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng, giúp những anh em mới bắt đầu khác có thêm động lực phấn đấu, theo đuổi ước mơ đến cùng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nghe-nhan-phuong-thuan-chia-se-kinh-nghiem-cham-soc-l...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn