Tết đến, cùng với mai đào, quất cảnh được nhiều gia đình mua về chơi với hy vọng mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Thì việc lên ý tưởng và trồng một vài chậu cà chua bi lùn chưng Tết cũng đã được nhiều mẹ áp dụng.
Chậu cà chua bi lùn được mẹ Sơn La trồng rất khéo léo.
Mới đây, một bà mẹ ở Sơn La đã chia sẻ hình ảnh chậu cây cà chua trên sân thượng qua 3 mùa đông trồng khá thành công. Thành quả thấy được là những chậu cà chua bi lùn sai lúc lỉu, quả căng mọng, tươi ngon với nhiều màu sắc và độ xanh chín khác nhau.
Chỉ vài phút sau khi được chia sẻ, những bức ảnh kèm bài viết chia sẻ kinh nghiệm về trồng cà chua trên sân thượng đã nhận được rất nhiều tương tác và thích thú từ cộng đồng mạng xã hội. Nhiều người đã bày tỏ ngưỡng mộ về ý tưởng trồng cà chua bi cũng như bàn tay khéo léo của chủ nhân khu vườn.
Có không ít bình luận của các các chị em thể hiện cảm xúc ngạc nhiên và muốn đến tận nơi để học hỏi mô hình trồng đặc biệt này. Không những thế, nhiều mẹ còn xuýt xoa khen sự tinh tế được thể hiện qua việc tạo các thế bonsai cho cây cà chua bi.
Những chậu cà chia với nhiều màu sắc và độ xanh chín khác nhau.
Liên hệ với chủ nhân của những chiếc chậu cà chua bi, chị cho biết, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nếu bạn muốn có vài chậu cà chua bi lùn chưng Tết thay cho cây cảnh , giờ là thời điểm thích hợp ươm hạt giống. Đồng thời chị cũng chia sẻ 1 số kinh nghiệm về trồng cà chua của bản thân trên sân thượng qua 3 mùa đông mình trồng khá thành công để các mẹ tham khảo.
1. Mùa vụ
Cà chua trồng chính vụ miền Bắc bắt đầu từ mùa thu đông tháng 8 dương lịch, lúc này bắt đầu ươm hạt giống hoặc mua cây giống về trồng. Vụ cà chua thường bắt đầu trồng vào tháng 8 -9 dương lịch trở đi và kết thúc thu hoạch vào tháng 2- 4 năm sau.
Ngoài thời gian chính vụ trên, có thể trồng được cà chua loại chịu nhiệt tuy nhiên không năng suất, chất lượng bằng chính vụ.
Nhiều chị em không tiếc lời khen ngợi về sự tinh tế và bàn tay khéo léo của chủ khu vườn.
2. Cách ươm hạt giống:
Sau khi mua hạt giống, cần ngâm hạt vào nước ấm (1 sôi 3 lạnh) trong vòng 4-6 tiếng. Vớt hạt ra ủ hạt vào khăn giấy (giấy ăn) ẩm, để vào bát/đĩa ủ kín bằng màng bọc thực phẩm, để vào chỗ tối, hàng ngày kiểm tra nếu khăn giấy bị khô thì xịt thêm nước để giữ khăn giấy luôn ẩm (không phun nhiều nước làm sũng nước gây thối hạt). Hạt cà chua là loại khá lâu nảy mầm, thường từ 3-5 ngày mới nảy mầm.
Sau khi hạt nảy mầm (ra rễ trắng nhỏ ở hạt), mang ươm vào bầu ươm cây. Chuẩn bị giá thể ươm cây cho vào bầu ươm: Giá thể ươm cây để tiện nhất có thể mua sẵn bao đất tribat đóng gói sẵn, đất này đã có đủ dinh dưỡng cho cây ươm, hoặc có thể tự trộn gồm ½ đất thịt sạch, còn lại là xơ dừa đã qua xử lý, trấu hun dở, phân bò hoai mục, 1 chút phân lân, phân hữu cơ vi sinh/trùn quế.
Bầu ươm cây có nhiều loại, mình thấy tiện nhất là bầu ươm bằng nilong màu đen (kích thước bằng cái cốc uống nước loại ngắn), cho giá thể vào bâu ươm, ấn ngón trỏ vào giữa giá thể trong bầu sâu tầm 1cm rồi cho 1 hạt đã nảy mầm vào lấp nhẹ lên hạt. để bầu ươm vào chỗ có nắng nhẹ, phun nước ẩm ngày 2 lần nếu trời hanh khô, 1 lần/ngày nếu trời mát. Khi cây mọc lên ra lá thật để bầu ươm vào khu vực có nắng nhiều để cây khỏe, cây ra 4 lá thật thì trồng vào chậu trồng (thông thường sau 15 – 20 ngày ươm hạt là trồng được).
Những trái cà chua căng mọng.
3. Trồng cây
- Vị trí trồng: chọn vị trí đủ nắng từ 6-8 tiếng/ngày, vị trí có nắng 4 bề là tốt nhất.
- Chuẩn bị chậu trồng: Tùy loại cà chua mà chọn chậu trồng, chậu trồng cà chua càng to càng tốt, tuy nhiên kích thước tối thiểu cần cho 01 cây là chậu cao 50cm, rộng 30-40cm, dài 30-40cm. Chậu có lỗ thoát nước ở đáy hoặc lỗ thoát nước ở ngang chậu cách đáy chậu 2-3 cm. Cà chua bi mi nhon là loại cây bé xíu như hình dưới đây mình trồng chậu nhỏ tầm 20cmx 25cm x 25cm.
- Chuẩn bị đất trồng (giá thể trồng):
Không nên sử dụng đất tribat đóng bao sẵn để trồng vì sẽ phải thay đất sau 1-2 vụ.
Nên tự trộn đất gồm 50-60% đất thịt sạch, tơi (lấy ở ruộng, vườn, bờ ao, …), còn lại là trấu hun dở hoặc xơ dừa (để làm tơi xốp đất), phân bò hoai mục hoặc phân gà, phân hữu cơ vi sinh, 1 chút phân lân (tầm 1 nắm nhỏ cho 01 chậu), các loại phân này để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển, 1 ít bột kháng nấm Trichodema (để tránh nấm bệnh cho cây).
Trộn đều các thành phần trên rồi cho vào ½ chậu, sau đó cho vào 2 quả chuối chín, 1 nắm vỏ trứng bóp vụn, nếu có vỏ tôm/lòng cá nước ngọt thì cho vào tầm 1 bát con càng tốt (để cung cấp canxi, kali, đạm tự nhiên sau này cho cây đậu quả). (Nếu không có các thành phần này thì sau này bón phân vô cơ NPK khi cây chuẩn bị ra hoa theo hướng dẫn trên bao bì). Sau đó đổ nốt phần đất trộn còn lại lên, cách mặt chậu tầm 5 -10 cm, sau đó tháo bầu ươm của cây ươm cẩn thận tránh vỡ bầu đất, cho cây ươm trồng vào giữa chậu, tưới đủ nước ẩm đất hàng ngày (2 lần/ngày), chỉ nên tưới quanh gốc, tránh tưới lên lá cây (tưới lên lá rất dễ bị nấm bệnh).
Sau khi trồng, định kỳ 7-10 ngày nên rắc bổ sung phân quanh gốc cây (phân trùn quế, hoặc phân bò, hoặc phân gà, hoặc phân hữu cơ vi sinh – tiện mua loại nào thì bón loại đó), nên giữ lại nước vo gạo để tưới hàng ngày cho cây cũng rất tốt. Đồng thời cần xới tơi và vun gốc cho cây cà chua.
Khi cây phát triển cao từ 30-50 cm thì cố định thân cây bằng cọc tre/ cọc nhựa để cây tránh gãy, đổ. Tùy thuộc loại cà chua trồng mà chọn cọc cao thấp cho phù hợp (các loại cà chua bi thường phát triển cao hoặc leo giàn thì cọc cao tầm 1,5-2m, các loại cà chua quả to thông thường chọn cọc từ 1-1,5m tùy loại).
Cắt tỉa lá già, úa phía dưới gốc cây định kỳ. Để ý tình trạng phát triển của cây để phòng tránh và phát hiện bệnh kịp thời.
Cây trồng sau 1,5-2 tháng sẽ ra hoa, quả và thường cho thu hoạch sau 2-2,5 tháng.
Cuối bài, mẹ Sơn La không quên gửi gắm hy vọng tới các mẹ, mong Tết này sẽ được ngắm thành quả trồng cà chua bi lùn của các chị em.
Cà chua trồng chính vụ miền Bắc bắt đầu từ mùa thu đông tháng 8 dương lịch, lúc này bắt đầu ươm hạt giống hoặc mua cây giống về trồng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-son-la-khoe-chau-ca-chua-bonsai-chung-tet-cach-lam...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn