Những ai từng đi qua con phố Láng Hạ (Hà Nội), chắc hẳn đã hơn một lần phải ngoảnh đầu lại để nhìn về khu tập thể số 93 ở đây. Khung cảnh buôn bán tấp nập tại các ki ốt mặt tiền và ánh điện lung linh từ những khung cửa sổ của dãy nhà tập thể L1, giờ chỉ còn là những ký ức.
Tất cả không gian của “một thời đã xa”, của một thời khiến ai cũng ao ước muốn ở “khu đất vàng” này giờ chỉ còn là dĩ vãng bởi tất cả đã được thay thế bằng sự tan hoang, đổ nát và lạnh lẽo.
Khu tập thể L1 số 9 Láng Hạ nhìn ra mặt đường tan hoang, nhuốm màu cũ kỹ.
Được biết, đã nhiều năm nay, dự án cải tạo khu L1, L2 để xây dựng tòa nhà mới được kỳ vọng nhưng rồi vẫn chẳng đi tới đâu. Bất đắc dĩ, nơi đây thành bãi tập kết rác với đủ thứ mùi xú uế trên đời. Hai khu chung cư mặt tiền đắt giá L1, L2 tại số 93 phố Láng Hạ cũng nhuốm một màu sắc hoang tàn sau nhiều năm bị bỏ hoang.
Mặc dù nhiều hộ gia đình đã chuyển đi hơn 1 năm trước nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 20 hộ ở dãy nhà tập thể L1, L2 “bám trụ” lại. Hầu hết những gia đình ở lại chủ yếu sinh sống ở tầng 1.
Tuy nhiên ở dãy nhà tập thể L1 vẫn còn 2 gia đình sinh sống trên tầng cao, đó là gia đình bác Nguyễn Thị Tuyết (tầng 4, lô số 3) và gia đình anh Hoàng Xuân Phương (tầng 3, lô số 1).
Hiện nay cả khu tập thể nhà L1, L2 còn khoảng 20 hộ gia đình sinh sống.
Nhiều lần “thót tim” vì nghe tiếng động lạ
Đến khu tập thể 93 Láng Hạ vào buổi chiều tối, hướng mắt nhìn từ dưới lên, qua những khung tường gạch nứt vỡ, khung bản lề cửa xiêu vẹo trong các ngôi nhà “tối đen như mực”, có lẽ ai cũng sẽ có cảm giác như chúng tôi: sởn gai ốc và chẳng muốn bước lên.
Không chỉ vậy, lối cầu thang sâu hun hút tối om, những đồ vật vứt đi nằm lăn lóc từ trong nhà ra hành lang, dây điện rơi chằng chịt hay những ánh đèn điện từ ngoài đường hắt vào đâu đó trong từng “căn nhà hoang” phản sáng lại khi màn đêm bao trùm mang đến cho người ta cảm giác đáng sợ.
Cái khoảnh khắc chẳng may giẫm phải một tấm kính kêu “cạch” hay bất chợt bước qua một cái gương trong nhà nào đó phản chiếu hình ảnh mờ mờ của mình, hoặc bất giác nhìn vào trong một căn phòng có ban thờ cũng đủ khiến cho người ta giật mình bỏ chạy và hú hét lên không ngừng.
Không gian xung quanh "rùng rợn" là vậy nhưng đã hơn 1 năm nay, anh Hoàng Xuân Phương (SN 1986) vẫn đều đặn trở về căn hộ nhỏ trên tầng 3 của mình vào mỗi tối.
Không gian đổ nát bên trong khiến nhiều người "sởn gai ốc" khi bước đến.
Anh Phương chia sẻ, hiện nay trong lô số 1 khu tập thể L1 chỉ có duy nhất nhà anh còn sáng đèn. Anh bảo, anh cùng vợ và cháu chuyển về đây sinh sống 1,5 năm nay, kể từ khi mọi người bắt đầu chuyển đi hết. Trước đây, căn hộ này do anh chị anh sinh sống.
Lý giải về việc đến một nơi hoang tàn, mọi thứ đều giống như “căn nhà hoang” để ở, anh Phương cho biết, anh cũng không hiểu vì sao mình thích gắn bó với nơi đây, chỉ đơn giản do anh thích sự yên tĩnh.
“Ban đầu mình đến đây sống không có ai cũng hoang mang, đi lên trên nhà cũng sợ vì tối. Mình cũng sợ nhiều người đến tự do, nghiện ngập, trộm cắp.
Thế nhưng ở nhiều thành quen, mình để xe dưới tầng 1 cũng không sợ ai lấy vì khu này tan hoang, đổ nát thế ai vào làm gì nên rất an toàn và an ninh. Đương nhiên ở một mình sẽ buồn, có chút hụt hẫng, trống trải”, anh Phương chia sẻ.
Anh Phương ở tầng 3, lô số 1 nhà L1 giữa những căn nhà đổ.
Anh Phương tâm sự, đối với anh ở đâu có điện, nước là ở đó có cuộc sống. Mặc dù các gia đình đã chuyển đi hết, bên ngoài đổ nát nhưng bên trong gia đình anh mọi thứ vẫn nguyên vẹn, vẫn có điện, nước đầy đủ, đặc biệt mọi đồ dùng trong nhà đều có từ tủ lạnh, máy giặt, bếp,...
Sống ở đây hơn 1 năm, không chỉ anh mà vợ và cháu ruột của anh cũng rèn luyện được “tinh thần thép”, vẫn rảo bước chậm trên cầu thang dẫn đến căn phòng của mình mỗi buổi tối khi đi làm về dù cầu thang không có điện.
Dẫu vậy nhưng từ khi chuyển đến đây sinh sống, không ít lần anh giật mình vì nghe tiếng động và thấy bóng người vào buổi tối.
“Khung cảnh đổ nát thế này thôi nhưng ở đây an ninh tốt, mấy cô trông xe khá lâu năm, không hề có nghiện ngập, chỉ có mấy cô đồng nát thỉnh thoảng lên đây vào buổi tối. Nhiều lần mình “thót tim”, giật mình với mấy cô đó”, anh Phương nở nụ cười chia sẻ.
Trái với khung cảnh đổ nát bên ngoài, không gian bên trong nhà anh Phương vẫn đầy đủ tiện nghi.
Cháu Minh sống cùng vợ chồng anh đang chăm chỉ làm bài tập.
Khu tập thể gắn bó cả cuộc đời
Cũng sống ở đây, giữa những “căn nhà hoang” nhưng có lẽ, gia đình bác Nguyễn Thị Tuyết may mắn hơn gia đình anh Phương vì lô số 3 của dãy tập thể L1 vẫn còn nhiều gia đình ở dưới tầng một sinh sống và hơn nữa, cầu thang dẫn từ tầng 1 đến tầng 4 – nơi gia đình cô sống vẫn còn sáng đèn.
Chính bởi vậy, khi chúng tôi tìm đến căn hộ nhà bác Tuyết, khung cảnh nơi đây cũng bớt “rợn người” hơn.
Lối cầu thang, bảng đen một thời quá khứ.
Giống như gia đình anh Phương, mặc dù sống giữa không gian hoang tàn, đổ nát nhưng bên trong nhà bác Tuyết mọi thứ vẫn đầy đủ phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, không có gì thay đổi. Sự thay đổi ở đây có chăng là những người hàng xóm, những giọng nói cười đùa của đám trẻ nhỏ không còn nữa.
“Cả cuộc đời 2 bác mấy chục năm làm công nhân, khi về hưu được phân 26m2 nhà này. Về đây 3 tháng, chồng bác nằm ốm liệt một chỗ, trước đó luôn lo sợ mất nhà. Bác phải bảo không ai lấy được, không ai đuổi được đâu cho ông ý yên tâm.
Căn nhà này gắn bó với vợ chồng bác vậy, bây giờ nhà có mấy bà cháu, bác bán nước ngoài cổng mà chuyển đi biết làm gì nuôi các cháu. Bởi vậy, bao giờ mọi người ở dưới tầng đi hết thì bác cũng đi”, bác Tuyết tâm sự.
Ngôi nhà của bác Tuyết nằm ở tầng 4, lô số 3 nhà L1.
Bác Tuyết tranh thủ nắng đầu mùa để phơi chút rau củ.
Cả khu tập thể L1, chỉ có nhà bác Tuyết và nhà anh Phương sáng đèn ở trên cao nhìn từ ngoài đường vào.
Bác Tuyết kể, khu tập thể này không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm gắn bó hơn 30 năm của vợ chồng bác mà còn là nơi cho bác cảm nhận được tình làng nghĩa xóm, tình cảm của những người hưu trí, tổ dân phố.
Tuy giờ đây mỗi người đã một nơi, khung cảnh tập thể đổ nát, tan hoang không giống như trước nữa nhưng bác vẫn muốn gắn bó lâu nhất có thể với căn nhà đầy ắp kỷ niệm này, với từng bậc cầu thang của một thời quá khứ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn