Giá nhà cao gấp 25 lần thu nhập và lời “thú tội” của chủ doanh nghiệp địa ốc

Thứ bảy - 13/08/2016 10:12
Tình trạng thủ tục cấp phép ngày càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp, góp phần làm tăng giá bán mà chưa chắc chất lượng tốt hơn. Đây là một phần nguyên nhân khiến ở Việt Nam, người có thu nhập trung bình và thấp phải tiết kiệm 17 năm thì mới có đủ tiền mua căn hộ loại bình dân.

Chi phí tăng, người mua nhà chịu

“Tôi là một doanh nhân đã trải qua một con đường đau khổ như Đường Tăng đi thỉnh kinh mới có thể nhận được một giấy phép đầu tư. Trải qua những đau khổ đó doanh nhân chúng tôi phải mất rất nhiều chi phí, nhưng doanh nhân chúng tôi không chịu một mình mà chúng tôi đưa vào giá thành, giá bán nên có thêm người cùng chịu là người mua nhà, là nhân dân”.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành mở đầu bài trình bày của mình tại hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh ngày 11/8 với tư cách là người đại diện tiếng nói của giới doanh nhân.

Theo phản ánh của ông Đực, tình trạng thủ tục cấp phép ngày càng nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp (DN), dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và tăng giá bán (10-20%) mà chưa chắc chất lượng tốt hơn.

Vị này dẫn chứng, quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn quy hoạch 1/500, giai đoạn dự án đầu tư và giấy phép xây dựng và giai đoạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng.

Theo trình tự các giai đoạn trên thì giá bán đã được chủ đầu tư đẩy lên từ 5 triệu đồng/m2 (giai đoạn 1) lên trên 20 triệu đồng/m2 (khi hoàn thành). Nguyên nhân chính vì chi phí của DN gia tăng theo quá trình làm thủ tục xây dựng. Điều này lý giải vì sao giá nhà tại Việt Nam trở nên đắt đỏ so với giá trị thực.

Gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã công bố một báo cáo cho hay, giá căn hộ bình dân, quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam đang cao gấp 20 – 25 lần thu nhập trung bình năm của người có thu nhập thấp. Ước tính, người có thu nhập trung bình và thấp phải tiết kiệm 17 năm thì mới có đủ tiền mua căn hộ loại bình dân.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, thực tế này là “nghịch lý và cũng là bi kịch” khi mà trên thế giới, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân.

Ông Doanh đề nghị cần làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở giảm thiểu mức thấp nhất chi phí thời gian, thủ tục hành chính... đang đẩy chi phí, giá nhà tăng cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, Nhà nước cần hạn chế sự can thiệp của mình vào hoạt động của DN và cắt giảm, tối giản hóa thủ tục đối với nhà đầu tư. Vị này phàn nàn, cùng với lãi suất gia tăng thì chính sự rườm rà của thủ tục hành chính là “hai cái thòng lọng giết DN”.

Bên cạnh đó, ông Đực cũng cho rằng, chất lượng xây dựng chung cư do năng lực kỹ thuật và trình độ quản lý chung của chủ đầu tư chứ không do thủ tục xây dựng nhiều hay ít. “Thực tế thì nghịch lý là thủ tục quá nhiều, quá lâu khiến chủ đầu tư bù chi phí bằng cách phải giảm chất lượng ở phần hoàn thiện”, vị đại diện DN nói.

Người thu nhập thấp rất khó đủ tài chính để mua nhà ở

Nhóm lợi ích can thiệp quy hoạch, chính sách

Vị đại diện DN đánh giá, so với 10 năm trước, thủ tục cấp phép xây dựng đang trở nên ngày càng rối rắm hơn khi những nỗ lực của TPHCM cũng như của Chính phủ bị chính các quy định của Luật Xây dựng phủ định.

Tới đây, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bình luận: “Qua trình bày của anh Đực thì chúng ta lại mong muốn bao giờ cho đến ngày xưa”. Ông Cung cho rằng, việc cắt giảm thủ tục hành chính trên thực tế nhiều nơi mang tính hô hào nhiều hơn là hành động.

Ông Cung băn khoăn, liệu dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đang bàn bạc có chung số phận như những cải cách trước đây, “chết trước khi đi vào thực tiễn”? “Nhưng muốn cho nó sống thì cũng phải nói đến những cái chết ngày xưa. Chết một cách tức tưởi, khó chịu. Tại sao lại có một cái Luật Xây dựng như thế trong khi cả chuyên gia lẫn DN đều phản đối?” – Viện trưởng CIEM cảm thán.

Góp một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói khá gay gắt: “DN địa ốc không tài giỏi gì. Các anh lợi dụng địa tô 1, bán đất ăn tiền. Các anh nâng giá từ 5 triệu/m2 lên 20 triệu/m2, bổ vào đầu dân. Các anh là tầng lớp trung gian chứ không đứng về người tiêu dùng, tất nhiên, DN thì phải có lợi nhuận, nhưng ở đây các anh dẫn ra một bối cảnh rất thê thảm trong khi phải lật lại vấn đề là các anh đang đi xin đất, xin tài nguyên mà thực tế là tiền của đất nước”.

Ông Kiên cũng thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thủ tục rườm rà đẩy chi phí DN tăng và bổ vào đầu người tiêu dùng đó là “có tình trạng lợi ích nhóm trong các bộ với nhau, trong các sở với nhau, giành quyền anh quyền tôi cho nên mới để xảy ra như thế”.

Ông Kiên cho rằng không nên phủ nhận toàn bộ những nỗ lực của Nhà nước, chỉ nêu những khuyết điểm mà không thấy được những thuận lợi mà chính sách luật pháp mang lại cho hoạt động đầu tư kinh doanh thời gian qua.

Song, với ý kiến này, ông Cung cho rằng, tại hội thảo cần nêu ra những bất cập, thiếu sót của quy định luật để sửa đổi. “Còn những cái được về chính sách đó là trách nhiệm của Nhà nước phải làm chứ không phải khen Nhà nước”.

Ngoài ra, các vị diễn giả cũng chung quan điểm, với những nhóm lợi ích can thiệp vào chính sách, móc nối với DN “bóp chẹt” người tiêu dùng cần có cơ chế loại bỏ. Những nhóm lợi ích này làm méo mó chức năng “điều tiết lợi nhuận” của Nhà nước, khiến lợi nhuận chỉ chảy vào túi một số cá nhân và làm xấu hình ảnh bộ máy Nhà nước.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây