Liên quan tới thông tin từ năm 2017 sẽ đánh thuế trên ngôi nhà thứ hai trở đi tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam bình luận: "Theo quan sát của chúng tôi, một đơn vị tư vấn bất động sản toàn cầu, việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ hai trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và chúng ta cần phải xem xét nhiều khía cạnh".
Theo ông Stephen Wyatt, hiện tại, thách thức lớn nhất khi áp dụng điều luật này tại Việt Nam là việc xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản.
"Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các bất động sản trên thị trường. Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua bất động sản ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Kiến nghị ban đầu này khá ổn, tuy nhiên để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước", ông nói.
Khá phổ biến trên thế giới
Vị chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết, có rất nhiều trường hợp điển hình trên thế giới về vấn đề đánh thuế lên người mua bất động sản thứ hai trở lên.
Trong đó, ví dụ điển hình nhất là Singapore, một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Khi mua bất động sản, người mua sẽ phải trả 3%. Tuy nhiên khi mua từ bất động sản thứ hai trở đi, thì có một chút khác biệt là người Singapore sẽ phải trả thuế thêm là 7%. Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ hai này. Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ hai. Vì vậy, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên đáng kể và phụ thuộc vào từng nhóm người mua.
Một ví dụ khác, ở Anh, năm ngoái nước này đã thông qua việc đánh thuế vào người mua bất động sản, nếu mua bất động sản thứ nhất sẽ phải trả một mức thuế cơ bản và cộng thêm 3%. Mức thuế sẽ dựa trên giá trị của ngôi nhà đó, tuy nhiên việc xác định giá trị nhà khá phức tạp. Mức đánh thuế sẽ khác nhau tùy theo giá trị tài sản.
"Chúng ta có thể tham khảo theo mô hình của Singapore, bằng mức thuế cơ bản hiện hành và mức thuế tăng thêm dựa trên mức thuế hiện hành. Hoặc như Anh, đối với những bất động sản dưới 250.000 USD thì không cần phải đóng thuế, còn trên 250.000 USD - 500.000 USD thì áp dụng mức thuế khác nhau. Nhìn chung có rất nhiều phương án cho điều luật này. Còn đối với Việt Nam, có thể áp dụng một mức thuế ngang nhau tương tự như trường hợp thứ nhất là 3%", ông nói thêm.
Trong một công văn mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng phân tích, chính sách đánh thuế bất động sản đã được nhiều nước phát triển áp dụng và đây là một nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững. Tại Mỹ, bang California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị bất động sản/năm, còn tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%.
Tại Singapore, đánh thuế bất động sản thứ 2 rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3. Tại Nhật, mức thuế bất động sản từ 1,4% - 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 3 năm một lần.
Vẫn cần có cách làm phù hợp
Mặc dù chưa có lộ trình áp dụng cụ thể, song chính sách đánh thuế nhà ở thứ 2 đang được sự đồng tình về chủ trương của nhiều chuyên gia bất động sản. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương, cần có cách làm phù hợp, tránh đánh nhầm đối tượng, cào bằng hoặc làm méo mó thị trường.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đánh thuế nhà ở thứ 2 là ý tưởng mới và rất hay bởi nó hướng đến ngăn chặn nạn đầu cơ đã, đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để đưa chính sách này vào cuộc sống, cần tính toán tác động và cách thức thực hiện: Đó là phải sàng lọc đối tượng mua nhà ở thứ 2 đầu cơ khác với mua nhà ở thứ 2 nhằm mục đích chuyển chỗ ở chật hẹp, thiếu không gian. Họ có tiền, họ được mua mà vẫn giữ nhà cũ.
Mặc dù, mục đích việc tránh đánh thuế nhà ở thương mại dưới 1 tỷ đồng là tốt. Tuy nhiên, rất có thể đây sẽ là cơ hội, kẽ hở để giới đầu cơ vin vào để đầu cơ nhà ở, khiến cho hiệu quả chính sách không được thực thi.
Ông Võ nhấn mạnh: Một người có nhà ở, nhưng diện tích nhà quá chật hẹp, họ muốn mua thêm căn nhà khác để ở nhưng không bán nhà cũ. Vậy đó có phải nhà ở thứ hai cần phải đánh thuế hay không? Nếu đánh thuế, thì đối tượng này rất nhiều. Đối với người mua nhà đứng tên để cho con cái họ sau này, chuyển nhượng cho người thân, thì đây có thể được coi là nhà ở thứ 2 hay không? Nếu đánh nhà ở dạng này hoặc mục đích vay này, có gây nên khó khăn cho người dân. Còn nếu không đánh thuế, thì người mua nhà vin vào "cớ" này thì rất khó quản lý.
Trên thực tế, bình luận về đề xuất này, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có sự tham gia của các cấp chính quyền và các sở ban ngành liên quan, cũng như các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản chuyên nghiệp để có thể xây dựng một hệ thống phù hợp có thể áp dụng vào thực tiễn.
Trở lại với hệ thống hiện tại của Việt Nam, hiện tại các thủ tục mua bán bất động sản vẫn phải thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế. Và nhiều giả thiết đặt ra rằng, nếu như mua một bất động sản khác ở Việt Nam, làm thế nào để chính quyền biết người đó đã sở hữu một bất động sản mà không phải thông qua việc xem xét lại một loạt các tài liệu, giấy tờ liên quan? Rõ ràng, việc này sẽ rất khó khăn và mất thời gian nếu như không có sự trợ giúp của hệ thống công nghệ thông tin.
Theo đó, để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống, về cơ bản, chúng ta cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch bất động sản, các chủ sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu bất động sản nhằm tránh thuế.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn