Nằm trong thung lũng Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, dinh thự của “Vua Mèo” Vương Chí Sình được biết đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kết nghĩa vườn đào. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, hiện tại căn nhà đang được chính cháu nội của vị vua của người H’mông này kêu cứu lên Thủ tướng. Dinh thự rộng hàng nghìn m2 với lối kiến trúc độc đáo, tinh xảo.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản ngày 16/8 yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang; Bộ VHTT&DL báo cáo tổng quan về quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của cháu nội “Vua Mèo” về các vấn đề liên quan đến căn dinh thự của ông nội mình. Một trong những vấn đề ông Vương Duy Bảo kiến nghị là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị báo cáo trước ngày 31/8.
Trước đó, ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho dinh thự của ông nội mình.
Hơn một thế kỷ trước, dòng họ Vương với nghề trồng và buôn bán cây thuốc phiện, đã thống lĩnh toàn bộ người H’Mông trên cao nguyên đá này và được người dân đặt cho tên gọi Vua Mèo.
Với diện tích 1.120m2, tọa lạc trên thế đất hình mai rùa, dinh thự này được xây dựng trong quãng thời gian 8 năm.
Theo gia phả họ Vương trên cao nguyên đá này để lại, số tiền để “Vua Mèo” thuê người thiết kế và xây dựng là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp.
Năm 1993, tòa dinh thự được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Theo ông Vương Duy Bảo, đến tận năm 2002, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sinh sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng, gia đình họ Vương mới biết có quyết định này.
Trước những bất minh trên, gia đình họ Vương đã gửi đơn lên lãnh đạo Đảng, Chính Phủ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sau đó có kết luận: Không quốc hữu hóa dinh thự trên và không tước quyền sở hữu của những người trong gia đình họ Vương.
Tuy nhiên, mới đây nhất, gia đình dòng họ Vương biết thêm việc UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng văn sử dụng mảnh đất gắn với tòa dinh thự của dòng họ Vương.
Quá bất ngờ với quyết định trên, cháu nội vị Vua Mèo một thời đã làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
Dinh thự được xây dựng bao quanh bởi núi cao, với địa hình vòng cung ôm lấy tòa nhà như một pháo đài có khả năng phòng thủ và chiến đấu.
Điều đặc biệt, trải qua thăng trầm của lịch sử, tòa dinh thự vẫn sừng sững trước thời gian. Về kết cấu, ngôi nhà được xây bằng đá xanh vĩnh cửu, kết hợp với gỗ thông.
Theo lời kể, những thợ giỏi nhất của Vân Nam (Trung Quốc) thời ấy đã được mời về để xây dựng lên dinh thự này.
Dinh thự có sự kết hợp của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, H’mông và Pháp.
Toàn dinh thự có 3 cung: Tiền, Trung và Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở.
Hiện tại, ngôi nhà đã được thay đổi đến 60% về chất liệu.
Nguyên liệu gỗ thông giờ đây đã được thay đổi bằng gỗ lim và nghiến.
Hiện tại, ngôi nhà còn lưu giữ nhiều kỷ vật của một thời xa xưa và được du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm thăm quan, dừng chân.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn