Có hơn 22.000 loại hoa lan trên khắp thế giới, và cách chăm sóc chúng để phát triển tốt phụ thuộc các yếu tố như: Chậu trồng, giá thể, tưới nước và ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp là tất cả các thành phần quan trọng đối với sự phát triển của lan.
Vườn lan trổ hoa khoe sắc
Lan có khả năng chịu ngập úng kém nên đòi hỏi chậu trồng cần có lỗ thoát nước tốt, để đảm bảo lượng nước dư thừa thoát hoàn toàn sau khi trời mưa hoặc tưới nước xong. Nếu cây lan của bạn trồng trong chậu thoát nước kém, giữ nước thì cây sẽ bị thối rễ, vàng lá và chết cây.
Các loại chậu trồng có kích thước vừa phải, móc treo chắc chắn để khi mưa gió không bị lung lay hay rơi rụng.
Đối với loại ghép vào giá thể thân gỗ, chọn những loại thân gỗ lũa, gỗ đào, gỗ vải, gỗ nhãn,... để ghép thì vỏ cây cũng cần thoát nước tốt. Có thể gọt bỏ hết vỏ cây rồi dùng dớn chile, xơ dừa để ghép chung. Sau một thời gian chúng hoai mục nên kiểm tra và thay thế để đảm bảo thoát nước tốt.
Giá thể thân gỗ để ghép lan
Còn đối với loại hỗn hợp giá thể trồng trong chậu như vụn gỗ, vỏ cây, rêu hay xơ dừa cũng cần có độ thông thoáng. Trồng trong chậu nên lót xốp hoặc các thanh gỗ to dưới đáy chậu, mảnh nhỏ rải lên trên mặt để tạo độ thoáng, thoát nước tốt.
Chậu trồng lan và hỗn hợp giá thể trồng
Hỗn hợp từ vỏ cây cho phép thoát nước nhanh chóng, vì vậy bạn sẽ cần phải tưới nước cho cây lan của mình thường xuyên hơn. Hỗn hợp rêu giữ lại nhiều nước hơn, vì vậy lâu lâu cần tưới lại một lần.
Đối với mỗi loại lan khác nhau thì có nhiệt độ để phát triển khác nhau. Trung bình, nền nhiệt từ 16 đến 24 độ C là tốt nhất để lan phát triển. Nhiệt độ vừa phải, kết hợp với một chút không khí lưu thông sẽ giúp cây lan của bạn phát triển, cho ra những bông hoa to và đẹp.
Nhiệt độ trồng lan
- Nhóm cây hoa lan vùng nhiệt đới: Nhiệt độ thích hợp để trồng loại lan này là từ 22 đến 40 độ C vào ban ngày, ban đêm không dưới 18,5 độ C.
- Nhóm cây hoa lan vùng lạnh ôn đới: Nhiệt độ ban ngày không quá 14 độ C, ban đêm không quá 13 độ C. Lan này thường sống ở các vùng có thời tiết lạnh, núi cao, nhiệt độ thấp quanh năm.
Lan là loài ưa nắng nhưng không quá gắt, ưa sáng nhưng không phải ánh sáng trực tiếp. Trồng lan nên để gần cửa sổ hướng Nam hoặc Đông. Hướng Tây ánh sáng quá mạnh cần có lưới che. Hướng Bắc ánh sáng yếu không đủ cho cây sinh trưởng.
Giàn lan trồng dưới mái che
Thông thường, nếu trồng nhiều lan bạn nên tìm hiểu rõ từng loại lan để điều chỉnh ánh sáng cho thích hợp. Nếu trồng ngoài trời, sử dụng hệ thống giàn treo nên kết hợp với lưới che để giảm bớt nắng gắt chiếu vào hoặc trồng dưới tán cây to là thích hợp.
Thời gian tưới
Tùy theo mùa, khí hậu và độ ẩm, giá thể trồng để tính toán xem khi nào cần tưới nước. Mùa hè tưới nước nhiều hơn, mùa đông tưới ít hơn. Thời gian tưới từ 8 đến 10h sáng là thích hợp. Buổi chiều tối nên hạn chế tưới vì ban đêm độ ẩm cao, không có ánh nắng nên dễ phát sinh sâu bệnh, nấm gây hại cho lan.
Khi nào cần tưới
Trước tiên quan sát xem giá thể trồng có còn ẩm hay không, nếu còn ẩm thì giá thể sậm và tối màu, khi dùng ngón tay ấn vào thấy mềm, ẩm ẩm thì lúc đó chưa cần tưới nước. Giá thể khô có màu sáng, nhạt hơn, ấn tay vào thấy khô cứng thì lúc đó cần tưới nước.
Tưới nước cho lan
Một cách khác để giúp bạn theo dõi xem cây của bạn có cần nước hay không là trồng cây trong chậu trong suốt. Khi còn ẩm ướt thì sẽ có hơi nước ngưng tụ trên bề mặt chậu và khi không có hơi nước thì đó là lúc bạn nên tưới nước cho lan.
Phun sương hàng ngày
Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô hoặc nhà có điều hòa nhiệt độ, bạn có thể cần tưới nước dạng bình xịt phun sương cho lan hàng ngày. Nếu độ ẩm không khí từ 40-60% thì không cần thiết. Nhưng đối với những nơi có độ ẩm dưới 40%, nên phun sương cho lan hàng ngày bằng bình xịt.
Hệ thống phun sương tạo độ ẩm cho giàn lan
Trước khi ra hoa
Trong giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa là lúc cần nhiều chất dinh dưỡng để giúp hoa nở to, đẹp, màu đậm và tươi lâu hơn. Lan nghèo dinh dưỡng thì bông nhỏ, màu nhạt và nhanh tàn. Khi bắt đầu thấy nụ hoa nhú lên thì bón phân NPK 60:30:30 kết hợp với phân hữu cơ vi sinh. Hoặc phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) (3g/4lít). Thời gian phun từ lúc phát hiện nhú mầm hoa là 1 tuần/lần.
Không phun trực phân bón trực tiếp lên phát hoa sẽ làm hoa bị cháy, chết nụ không nở được. Phun xuống phần thân gốc, dùng màng nilon chụp hoa lại để phân không bắn vào hoa.
Lan đang nhú bông chuẩn bị nở hoa
Lúc trổ hoa
Lúc ra hoa thì dừng không cần bón phân, trong giai đoạn này chỉ cần tưới nước giữ ẩm cho cây là được. Tưới vào sáng sớm, không tưới ướt mặt hoa.
Khi trời mưa xong thì nên dùng nước máy hoặc nước lọc phun sương rửa sạch toàn bộ thân, lá, cành và phun nhẹ mặt hoa để rửa sạch.
Sắc hoa lan nở tươi thắm rực rỡ khi đủ dinh dưỡng không sâu bệnh
Sau khi ra hoa
Sau khi thưởng thức sự nở hoa tuyệt đẹp của phong lan, bạn cần phải tưới nước, cho ăn và cắt tỉa để cây được khỏe mạnh. Bạn nên thay hỗn hợp giá thể trồng mới trong chậu để cung cấp cho cây quá trình sinh trưởng mới với các chất dinh dưỡng mới.
Phân bón rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển trở lại của cây lan, bón phân cân đối cho cây trồng dùng loại NPK 20-20-20 hàng tuần hoặc hàng tháng, tùy thuộc vào giống.
Thay phần hỗn hợp giá thể mới cho chậu lan
Sau khi ra hoa xong, cần cắt tỉa để cây đâm chồi mới, rất hiếm khi hoa của phong lan mọc lại lần 2 trên cùng một thân ngoại trừ lan hồ điệp. Nếu trồng lan hồ điệp, bạn hãy cắt cành hoa ngay bên trên 2 mắt dưới cùng của cành khi hoa tàn. Với các loài lan có củ bẹ, bạn hãy cắt cành ngay bên trên củ bẹ. Với những loài lan khác, bạn cần cắt cành càng sát xuống giá thể trong chậu càng tốt.
Cắt tỉa lan sau khi ra hoa
Nếu cây lan của bạn không ra hoa, có thể là do một trong những nguyên nhân sau:
- Không đủ ánh sáng
- Quá nhiều ánh sáng
- Nhiệt độ không phù hợp
- Quá nhiều hoặc quá ít phân bón
- Cần thay chậu
- Trồng lúc không phải mùa
- Quá ít nước
- Quá nhiều nước
Chọn giống lan khỏe mạnh, không sâu bệnh ngay từ đầu lúc trồng. Dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi trồng. Giá thể trồng được khử khuẩn, diệt nấm và sâu bệnh tiềm tàng rồi mới trồng.
Các loại sâu bệnh mà lan hay gặp phải
- Bệnh đen thân: Do nấm Fusarium sp. gây nên. Điều trị bằng cách tách cây bị bệnh để riêng rồi nhúng cây vào thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin, Zineb 3/2000, Benlat 1/2000, Bendazol.
- Bệnh đốm lá: Do nấm Cercospora sp. gây nên thường gặp trong mùa mưa hay vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm tương tự bệnh đen thân.
- Bệnh thán thư: Do nấm Colletotricum sp. gây ra, phòng ngừa bằng cách cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm Thio-M, Cabenzim, Bendazol 5 - 7 ngày/phun 1 lần
- Bệnh đốm vòng: Biểu hiện trên những lá bánh tẻ, lá già là những đốm nhỏ, hình mắt cua, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm khiến lá nhanh rụng. Dùng thuốc Topsin M 70 WD hoặc Score 250 ND để tiêu diệt
- Rệp vảy: Các giả hành non thường xuất hiện những con rệp vảy gây hại, xử lý bằng cách dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.
- Bọ trĩ: Những ngày hè nắng nóng là thời điểm thích hợp của loài bọ trĩ phá hoại lan. Dùng Malathion phun 1 tuần/lần, trong 3 tuần
Phong lan có thể sống trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ với sự chăm sóc thích hợp. Vòng đời của phong lan bao gồm thời kỳ nở hoa ban đầu (thường vào mùa thu) thời kỳ ngủ yên và thời kỳ phục hồi. Nếu cây lan được chăm sóc đầy đủ thì sẽ cho hoa rất đẹp và chơi được lâu.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cach-cham-soc-lan-don-gian-cay-phat-trien-tot-ra-hoa-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn