Đó là nhận xét của TS Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong hội thảo Khoa học Quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo về Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập Quốc tế” diễn ra sáng nay (19/10).
Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc Nhân sự Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Piaggio Việt Nam cho rằng, sinh viên phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đi đôi với đó là kế hoạch học tập đúng đắn khi theo học về quản lý nguồn nhân lực.
"Khi ra trường sinh viên muốn làm về vấn đề nhân sự thì cần phải nắm chắc kiến thức chuyên ngành, cần nắm được kế hoạch và chiến lược nhân sự, cần phải biết nó là cái gì, phục vụ cho cái gì và làm thế nào để có thể xây dựng được cái này. Tiếp theo là hiểu được cơ cấu và phân tích cơ cấu của tổ chức đó và phải hiểu kĩ năng về mặt tuyển dụng, làm thế nào để chúng ta tuyển dụng được và cách thức tuyển dụng để tuyển được đúng người đúng việc", ông Quân nói
Yêu cầu về ngoại ngữ và tin học cũng là bắt buộc nếu chúng ta muốn bước vào cánh cửa hội nhập. Muốn hội nhập phải thông qua ngôn ngữ, nếu không có ngôn ngữ chúng ta sẽ bị chặn đứng các cơ hội vào công ty nước ngoài và đứng ngoài vòng hội nhập.
“Ngoài ra, kĩ năng mềm cũng là yếu tố quyết định đến thành công, từ lý do đó chúng tôi đã xây dựng được một bộ kĩ năng cốt lõi. Trong đó, tất cả các nhân viên trong công ty, từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất sẽ phải tuân thủ theo một bộ kĩ năng về phát triển như: định hướng khách hàng, xác định chiến lược, kĩ năng tạo ảnh hưởng hay cơ bản nhất như kĩ năng làm việc nhóm,...Những kĩ năng này sẽ giúp sinh viên ra trường có thể hòa nhập và tiếp cận được ngay với công việc.”, ông Quân cho biết thêm.
Chia sẻ về góc nhìn của mình về quản lý nguồn nhân lực tại công ty liên doanh, bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng nhân sự, Công ty Yamaha Motor Việt Nam, cho biết: “Điều đầu tiên một người làm công tác quan hệ lao động phải làm tốt đó là cập nhật, giám sát việc thực hiện các chính sách, các quy định nội bộ của Công ty. Bạn phải giữ mối quan hệ hài hòa không chỉ riêng với cấp trên, người lao động mà với cả các Ban Ngành đoàn thể tại địa phương. Phải tư vấn được cho Công ty các chương trình, sự kiện nào tại địa phương nên tham gia và tham gia đóng góp ở mức nào. Và phải điều tiết hài hòa các mối quan hệ công việc”.
Bà Hương cho biết thêm: “Làm công việc quan hệ lao động mà chỉ dừng lại ở việc đưa thư, chỉ chuyển ý kiến từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên thì không cần đến trình độ đại học. Với vai trò của mình, người làm công tác quan hệ lao động phải có những tư vấn nhất định, sự phân tích và có những điều chỉnh để hài hòa các vấn đề. Điều này yêu cầu một người có tư duy và có đầu óc”.
Theo GS Phùng Thế Trường, Cựu giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên gia hàng đầu, có uy tín trong lĩnh vực kinh tế lao động thì Trường phái quản lý nguồn nhân lực hiện đại là một mặt phát triển con người nhưng bên cạnh đó phải đem lại hạnh phúc cho con người.
“Người quản lý phải biết được cái hạnh phúc anh đem đến cho người lao động là gì chứ không phải là trả lương cho người ta rồi bắt người ta làm việc, đó mới là quản lý con người”.
Thế Hưng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn