Căn nhà trọ chật chội nằm sâu trong con hẻm dưới chân cầu Phú Mỹ là nơi sinh sống của bà Võ Ngọc Điệp (59 tuổi, ngụ tại P.Phú Thuận, Q.7) cùng đứa cháu gái Nguyễn Thanh Cẩm Tú vừa tròn 8 tuổi. Cả gia tài của bà cũng chẳng đáng là bao khi có được một chiếc tivi cũ cùng chiếc chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Ngày nào cũng vậy, sau khi lo cho đứa cháu gái đi học, từ tờ mờ sáng bà phải chạy xe ra trạm xe buýt Bến Thành để chờ khách. Dáng người nhỏ nhắn, chiếc áo sơ mi cũ đã ngả màu trên mình người phụ nữ lớn tuổi khiến những người dân khu vực này không khỏi xót thương.
Bà Điệp phải dậy sớm để túc trực tại trạm xe buýt Bến Thành chờ chở khách.
Hằng ngày, bà Điệp phải dậy sớm để túc trực tại trạm xe buýt Bến Thành chờ chở khách Bà Điệp chia sẻ: Dù trời mưa hay nắng, tôi cũng phải chạy xe ôm chứ ở nhà thì tiền đâu mà lo cho cháu. Có ốm đau cỡ mấy, nằm ở nhà lại không yên lòng, phải chạy xe ra đứng đây để đợi khách”.
Trước đây, chạy xe ôm còn khá, lâu lâu có cuốc đi Bình Dương, Biên Hoà. nhưng mấy năm nay trở lại đây, người ta không còn đi xa nữa, khách cũng ít hẳn, nhiều hôm cả ngày chỉ được vài chục ngàn, đổ xăng, sửa xe là hết”.
Khi hỏi bà tại sao lại chọn cái nghề sương gió vất vả này, bà chỉ cười buồn: “Bán vé số, nước sâm, đậu nành… nghề nào tui cũng đã làm qua nhưng ế ẩm quá, không đủ trang trải, tích góp mãi mới có ít vốn, vay mươn thêm bạn bè mới sắm được chiếc xe máy cũ làm nghề chạy xe ôm, coi như lấy công làm lời, bà cháu nương tựa lẫn nhau”.
Chồng mất sớm khi đứa con gái út vừa tròn 10 tuổi, một tay bà chăm bẵm, nuôi nấng 2 đứa con khôn lớn thành người rồi dựng vợ, gả chồng. Những tưởng cuộc đời bà sẽ hạnh phúc hơn nhưng trớ trêu thay, lấy vợ chưa được 1 năm thì con trai bà mất, con dâu vì thế cũng bỏ đi biệt tích để lại cho bà đứa cháu vẫn còn đỏ hỏn.
Khuôn mặt đượm buồn của bà Điệp mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình của mình.
Thương con, thương cháu, bà lại nuốt nước mắt, cần mẫn lao vào cuộc mưu sinh mong kiếm được chút đỉnh mua sữa, mua gạo nuôi cháu. Khi cháu biết đi, bà đi đâu, cháu theo đấy, một tay đẩy xe nước sâm, một tay bà cắp cháu rong ruổi trên khắp các cung đường Sài Gòn. Nhìn đứa cháu 3 tuổi chịu mưa, chịu nắng lòng người bà lại thắt lại, rồi bà quyết định làm cái nghề chạy xe ôm này.
Ban đầu, để cháu ở nhà một mình không yên tâm, bà dắt cháu theo ra bến gửi cho một người bán hàng gần đó. Chạy xong một cuốc xe, bà lại ra đón cháu về. Bà tâm sự thấy bà già yếu, vất vả có người ngỏ ý muốn nhận Tú về nuôi, nhưng “khổ thì khổ chứ tui cho không đành, có mỗi một đứa cháu thôi để đêm ngày thủ thỉ tuổi già cũng vui”.
Khuôn mặt đượm buồn của bà Điệp mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình của mình Nhìn cháu gái bé bỏng đang chăm chú học bài, bà kể: “Ngày nào còn bé tí, đói sữa khóc kêu om sòm nay đã lớn vậy rồi, biết quét nhà, rửa chén, trông nhà cho bà đi làm. Tôi tuy nghèo nhưng giữ gìn cháu kỹ lắm, dạy cháu phải biết nghe lời người lớn, ra đường phải biết thưa gửi, dạ vâng, không để cháu la cà, đánh lộn, chửi thề bao giờ”.
“Cháu nó ngoan lắm, sáng sáng đều tự bắt xe buýt đi học, chiều lại bắt xe về, tự giác học hành chẳng bao giờ đợi bà nhắc nhở. Thấy nó chăm ngoan tui cũng vơi bớt mệt nhọc. Tui vất vả bao nhiêu cũng được, nhưng cũng cố nuôi cháu nó đi học để có cái chữ sau này nó bớt khổ”, bà Điệp rơm rớm nước mắt.
Có lẽ, đối với bà Điệp, niềm hạnh phúc lớn nhất của bà lúc này là thấy Tú lớn lên, được học hành như bao bạn trẻ đồng trang lứa. Dù bà có già yếu hay ốm đau, bệnh tật, bà vẫn sẽ gắng gượng để nuôi cháu thành người. Bởi đơn giản, vì bà là cha, là mẹ, là người bà tuyệt vời của cháu gái mình.
Theo Văn Tiên/Báo Phụ nữ VN
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn