Thế giới trong tương lai sẽ là một nơi rất thú vị, ít nhất thì Google nghĩ vậy.
> Trí tuệ nhân tạo có thể là công cụ hoàn hảo để khám phá vũ trụ
> Thế giới năm 2030 sẽ ra sao?
Theo Android Authority, trí tuệ nhân tạo sẽ nắm quyền hành tối cao. Tất cả các thông tin trên thế giới đều sẵn có ở ngay trên đầu ngón tay của mỗi chúng ta, và tất nhiên, Google sẽ là công ty cung cấp chúng.
Google dường như đã trở nên "đa dạng hóa" trong những năm gần đây. Họ khám phá và nghiên cứu mọi thứ, từ xe tự lái cho đến smartphone, với công nghệ máy học (machine learning) là trái tim của những gì họ làm. Google từ một công cụ tìm kiếm đã mở rộng ra các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và máy học một cách rất "tự nhiên". Bằng cách này Google có thể thực sự hiểu những câu hỏi mà bạn đưa ra, từ đó cung cấp những câu trả lời có liên quan, thay vì chỉ liệt kê một loạt các kết quả tìm kiếm với những cụm từ tương ứng. Những người làm SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm) sẽ cảm thấy quen thuộc với thuật toán "RankBrain", thứ đã đem lại khả năng tìm kiếm thông minh này. Trợ lý ảo Google Assistant cũng đã được cải tiến từ quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên giống như vậy, kết hợp với nhận dạng giọng nói và trở thành một trong những công nghệ "hot" nhất hiện nay nhờ máy học.
Tương tự, các phát kiến như Google Lens cho chúng ta thấy cách máy học có thể được sử dụng với thị giác máy tính (computer vision) để giúp chúng ta tìm kiếm những điều mà chúng ta nhìn thấy trong thế giới thực. Về cơ bản, "ưu tiên trí tuệ nhân tạo" (Google đã chuyển mình từ mobile-first sang AI-first, tập trung nguồn lực vào trí tuệ nhân tạo nhiều hơn) không phải là Google bỏ rơi mảng tìm kiếm, mà đây là một bước tiến bộ tự nhiên của nó.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đây.
Vì sao Google cần có phần cứng để tầm nhìn của mình có thể thành hiện thực
Một thứ như Google Pixel thì có liên quan gì ở đây? Câu trả lời rất đơn giản: để có thể tận dụng tối đa sức mạnh của AI – thứ về cơ bản là một dạng phần mềm – Google cần phần cứng thích hợp để chạy nó. Google muốn trở thành nơi bạn hướng đến mỗi khi nghĩ về AI, giống như họ đã làm với Google Search. Điều này cũng có nghĩa là Google muốn đưa Google Assistant vào trong túi quần của bạn.
Google Assistant phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Apple, Microsoft, Amazon và cả Samsung. Nhận thấy AI gần như chắc chắn sẽ thống trị ngành công nghiệp trong những năm tới, Google sẽ phải chiến đấu để giành lấy ngôi vương.
Có nhiều thông tin cho rằng, Google thậm chí chẳng buồn quan tâm đến doanh số smartphone Pixel bán ra. Mục đích chính của Google là cho các OEM (Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất thiết bị gốc) thấy việc tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ của Google có thể giúp họ làm hải lòng khách hàng, từ đó gây áp lực để các công ty khác đặt những dịch vụ ấy vào trọng tâm. Vì Pixel và Pixel 2 cũng là một giải pháp thay thế khả thi cho người tiêu dùng, các OEM sẽ cần phải đảm bảo rằng các thiết bị của họ cũng cần phải trang bị Google Assistant để giữ được tính cạnh tranh.
Google muốn Assistant xuất hiện trên mọi smartphone – thậm chí là cả iPhone! Để làm vậy, họ cần phải tạo ra tác động tới hướng đi của cả phần cứng lẫn phần mềm.
Mối quan hệ "cộng sinh" này giống như một con đường hai chiều. Phần cứng sẽ giúp sức để Google chinh phục AI, nhưng AI cũng sản sinh ra những phần cứng mới mà trước đây không thể nào tồn tại. Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai từng nói rằng ông không chỉ muốn phần cứng của Google dùng AI để tiến lên phía trước, mà còn muốn AI truyền cảm hứng cho các sản phẩm trong tương lai. Google Clips chính là một ví dụ điển hình.
Ngay cả những chiếc xe tự lái của Google cũng là một ví dụ của việc ứng dụng máy học, phụ thuộc vào thị giác máy tính để xác định mối nguy hại và phản ứng một cách hợp lý.
Vai trò của đám mây
Có thể thấy rằng, Google có một kế hoạch rất rõ ràng cho tương lai, và nó xoay quanh máy học và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu của họ từ xưa đến nay vẫn không đổi: "Sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho chúng trở nên hữu ích và phổ biến toàn cầu".
AI và máy học cung cấp những công cụ tốt nhất để Google hoàn thành được mục tiêu đó. Phần cứng đóng vai trò như là cầu nối giữa người dùng và máy học, đồng thời khuyến khích các OEM khác tham gia bằng cách trình diễn tất cả những gì có thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rõ rằng AI và máy học không phải là một: máy học chỉ là một khía cạnh của AI, đảm nhận công việc nhận dạng khuôn mẫu ( xem thêm: Máy học (machine learning) là gì và tại sao càng ngày nó càng phổ biến? )
Hiện tại, các trợ lý ảo như Alexa, Siri và Google Assistant làm việc trên đám mây. Các lệnh thoại của bạn được lưu lại, xử lý ở một mức độ nào đó và được gửi đến một máy chủ để xử lý sâu hơn, từ đó tạo ra câu trả lời. Điều này là cần thiết vì phần lớn các điện thoại không có đủ sức mạnh cần thiết để xử lý các thuật toán chuyên sâu mà máy học phụ thuộc vào, như nhận dạng khẩu lệnh hay nhận dạng các kiểu mẫu trong hình ảnh.
Thay vào đó, phần lớn những công việc được thực hiện trên đám mây. Để làm được điều này, Google sử dụng một phát kiến có tên TensorFlow – một thư viện gồm các thuật toán máy học hữu ích, được xử lý bởi các máy chủ sử dụng nhiều bộ xử lý Cloud Tensor (CTPU). Điều thú vị ở đây là các nhà phát triển có thể tùy ý sử dụng dịch vụ này thông qua Nền tảng Google Cloud. Bạn có một ý tưởng và cần đến máy học? Giờ bạn đã có thể biến nó trở thành hiện thực! Đây là một ví dụ khác cho thấy Google đầu tư mạo hiểm vào phần cứng để có thể dẫn đường trong lĩnh vực AI, nhưng nó cũng cho thấy vì sao đám mây lại là một phần vô cùng quan trọng của tầm nhìn của họ.
Vấn đề lớn ở đây là các ứng dụng AI như vậy phần nào bị giới hạn khi phải hoạt động theo mô hình này. Không chỉ tốc độ bị "nghẽn cổ chai", các vấn đề bảo mật và yêu cầu kết nối internet liên tục cũng là những điều cần quan tâm.
May mắn thay, chúng ta đang ở thời điểm mà phần cứng có thể cung cấp sức mạnh xử lý AI trực tiếp ngay trên bo mạch, nhờ những bộ xử lý thần kinh (Neural Processing Units – NPU). Google Pixel 2 được trang bị Pixel Visual Core – chip di động đầu tiên của Google, và không mấy ngạc nhiên khi nó rất "quan tâm" đến máy học. Con chip được thiết kế để hỗ trợ tính năng HDR+ trên máy ảnh của Pixel, và bản thân nó chính là một tính năng máy học. Đây chính là lợi ích mà chúng ta thu được khi Google bắt đầu kiểm soát phần cứng của chính mình. Trong tương lai, chúng ta có thể thấy thêm nhiều những ứng dụng máy học tương tự. Các công ty khác nhiều khả năng cũng sẽ tung ra những NPU của riêng mình để xử lý các ứng dụng AI tốt hơn.
Các điện thoại không thực sự cần những loại chip chuyên dụng này để xử lý máy học. GPU của bạn cũng có thể làm được điều tương tự nhưng với tốc độ chậm hơn khá nhiều, và Android Oreo thậm chí còn được tích hợp TensorFlow Lite để hoạt động như là một giải pháp "nhẹ cân" cho các thiết bị di động. Tuy nhiên, phần cứng chuyên dụng sẽ giúp các dịch vụ trở nên nhanh và mạnh mẽ hơn, đồng thời đem lại những ứng dụng và lợi ích hoàn toàn mới – đặc biệt là trong các lĩnh vực như bảo mật.
Tầm nhìn của Google về tương lai
Vậy, theo Google, tương lai sẽ ra sao?
Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán, nhưng dựa trên những gì đã biết, chúng ta có thể nói rằng Google muốn mọi người sử dụng Google Assistant để xử lý hàng loạt các tác vụ khác nhau. Dù bạn muốn tạo một lời nhắc nhở, tìm nơi mua đồ, hay nghe một câu chuyện cười, bạn cũng sẽ nói với điện thoại của mình. Tương tự, nếu bạn muốn tìm một công thức nấu ăn, gửi tin nhắn, hay kiểm tra xem để lái xe đến chỗ làm mất bao lâu, bạn sẽ chọn Google Assistant. Tất cả những điều này sẽ sớm được xử lý ngay trên điện thoại của bạn – dù nó là một chiếc Pixel, Galaxy hay iPhone. Ngoài ra, Google cũng sẽ tiến hành thử nghiệm thêm với Pixel Visual Core, đưa những tính năng AI mới lên Android và tạo nên một làn sóng phần cứng mới với những NPU mạnh mẽ hơn.
Điện thoại của bạn sẽ hiểu bạn một cách sâu sắc và tìm cách dự đoán trước những yêu cầu. Nó sẽ gửi cho bạn những lời nhắc nhở, giữ cho dữ liệu của bạn an toàn và, tất nhiên, cung cấp cho bạn các khuyến nghị mua sắm được đã được cá nhân hóa.
Những công nghệ tương tự cũng sẽ mang lại sức mạnh cho rất nhiều những công cụ và thiết bị khác: từ kính thực tế tăng cường như Google Glass, tới xe tự lái và camera thông minh. Các nhà phát triển bên thứ ba sẽ tận dụng những công nghệ này theo nhiều cách mà thậm chí giờ chúng ta còn chưa nghĩ ra, thay đổi hoàn toàn cách sống của chúng ta. Một chiếc tủ lạnh biết tự đặt đồ ăn vì nó hiểu khẩu vị của chúng ta thì sao? Và, mỗi khi chúng ta sử dụng một ứng dụng như vậy, nó đều được hỗ trợ bởi Google và Google sẽ được một khoản "hoa hồng".
Mọi thứ mà Google đã làm kể từ khi họ bắt đầu lập chỉ mục các trang web cho bộ máy tìm kiếm đều là để chuẩn bị cho tương lai này – ngay cả khi họ chưa nhận ra ở thời điểm đó.
Liệu Google có thành công?
Vậy, liệu Google có thể đạt được mục tiêu của mình hay không, trong một thế giới mà AI nắm quyền lực tối cao?
Thông qua bộ máy tìm kiếm, Google đã dựa vào các nhà xuất bản để làm cho nội dung của họ thêm "thân thiện với AI" hơn. Những phát kiến như "structured data markups" (tạm dịch: dữ liệu có cấu trúc đánh dấu) giúp các bot có thể rút ra nội dung chính từ một bài viết, chẳng hạn như các thành phần cần thiết cho một công thức hay ngày tháng và địa điểm của một buổi hòa nhạc. Điều này cho phép Google thực sự trả lời các câu hỏi, thay vì chỉ đưa người dùng đến các trang web.
Đây là đoạn mã được bổ sung thêm vào các trang web bởi các nhà phát triển để xác định những chi tiết quan trọng. Google đã làm điều này bằng cách tận dụng vị thế nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm số một. Các nhà xuất bản phải làm vậy nếu như họ muốn giữ trang web của mình ở những trang đầu của kết quả tìm kiếm. Từ đó, Google Search và Google Assistant trở nên thông minh hơn.
Tất nhiên, ai cũng có thể lựa chọn không làm theo Google, nhưng không có công ty nào khác sở hữu nguồn liên kết lớn và có thể tận dụng tính năng này như Google. Nhờ Android, Google cũng có ảnh hưởng rất lớn tới không gian phần cứng.
Google hiển nhiên là một đối thủ đáng gờm, và họ có mọi nguồn lực và sự tập trung cần thiết để tiến tới chiến thắng. Phát kiến Google.ai chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cũng như phát triển những công cụ như TensorFlow, Cloud TPU và các ứng dụng AI. Nhiều thương vụ thâu tóm các công ty khác của Google cũng chủ yếu là để củng cố vị trí của mình và là sự bổ sung cho các nguồn lực sẵn có.
Tuy nhiên, Google chưa chắc đã nắm trọn phần thắng. Những phát súng đã nổ ra từ công ty như Apple, Huawei hay Samsung. Chắc chắn những ông lớn công nghệ sẽ không chịu nhận thất bại một cách dễ dàng. Bằng cách tạo ra một nút bấm dành riêng cho Bixby, Samsung đang nỗ lực nắm quyền sở hữu các dịch vụ AI của riêng mình. Tương tự, chip A11 trong dòng iPhone mới và Kirin 970 trong Mate 10 là những NPU được thiết kế đặc biệt để xử lý AI một cách trực tiếp, điều có thể khiến Google phải e ngại. Cortana của Microsoft có lợi thế với Bing và sự tích hợp chặt chẽ với hệ điều hành phổ biến nhất thế giới Windows. Amazon có thể không có sức mạnh tìm kiếm tương đồng, nhưng họ có thể cung cấp một số tính năng mua sắm thông minh mà không nơi nào khác có được.
Nói tóm lại, chúng ta nhiều khả năng sẽ được chứng kiến một cuộc chiến tranh giành ngôi vương AI trong những năm tới. Một người thông minh sẽ đặt cược vào Google, nhưng không ai biết được tương lai sẽ xảy ra như thế nào.
Thật thú vị phải không, khi những tin tức mà bạn đọc trên báo chẳng khác gì cốt truyện của một bộ phim khoa học viễn tưởng?
Văn Hoàn
Theo: https://www.androidauthority.com/googles-plan-for-ai-hardware-812375/
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn