Trong đó, đáng chú ý, mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ được áp với mức cao nhất lên tới 38,34% đối với BX Steel POSCO Cold Rolled Sheet Co., Ltd. và các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác của Trung Quốc và chỉ có 6 doanh nghiệp Trung Quốc được áp mức thuế chống bán phá giá thấp hơn, mức thấp nhất 4,02% thuộc về công ty Chin Fong Metal Pte.Ltd.
Đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, chỉ riêng Posci được áp mức thuế chống bán phá giá 12,4% còn lại, áp dụng chung mức 19% cho các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực trong vòng 120 ngày, cụ thể từ ngày 16/9/2016 đến hết ngày 13/1/2017.
Trong giai đoạn điều tra tiếp theo của vụ việc, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp hợp tác nhằm kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của các thông tin do các doanh nghiệp cung cấp để xem xét và tính toán lại biên độ bán phá giá chính thức. Kế hoạch và lịch trình thẩm tra sẽ được cơ quan điều tra thông báo cụ thể tới từng doanh nghiệp trong khoảng thời gian hợp lý.
Trước đó, vào tháng 12/2015, bốn nhà sản xuất thép mạ của Việt Nam gồm CTCP China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, CTCP Thép Nam Kim và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã gửi đơn yêu cầu Cục Quản lý Cạnh tranh thụ lý vụ việc. Giai đoạn điều tra được xác định từ 1/10/2014 đến 30/9/2015.
Trước mặt hàng thép mạ, kể từ ngày 2/8 vừa qua, phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam chính thức phải chịu thuế tự vệ lần lượt là 23,3% và 15,4%, và giảm dần trong những năm tiếp theo. Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm nhập khẩu trên sau 6 tháng tiến hành điều tra và thực hiện một số thủ tục có liên quan.
Báp cáo lên Bộ Công Thương mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, các biện pháp tự vệ và chống bán phá giá với các sản phẩm thép là giải pháp ngắn hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Về lâu dài, doanh nghiệp phải đối mới và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ khép kín, nâng cao trình độ quản lý kinh doanh, hội nhập.
Theo VSA, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến và đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra nước ngoài do nhu cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Ngành công nghiệp thép các nước đối mặt với nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, trong đó có Việt Nam.
Theo VSA, ngành công nghiệp thép Việt Nam phát triển khá nhanh trong thời gian qua nhưng quy mô còn nhỏ, phân tán. Trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch ngành thép phù hợp với tình hình mới theo hướng ưu tiên hình thành các tổ hợp thép có quy mô lớn, tập trung, công nghệ hiện đại, kiểm soát môi trường do các nhà đầu tư trong nước thực hiện.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn