Tăng thuế VAT cho phù hợp với thông lệ quốc tế!
Mới đây, tại cuộc họp báo chuyên đề về báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Cụ thể, tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT và TTĐB).
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đưa ra con số về số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2004 là 140 nước thì đến năm 2014, 2016 các con số tương ứng lần lượt là 160 và 166 nước.
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế VAT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách thì xu thế tăng thuế suất VAT cũng diễn ra phố biến.
Chuyên gia kinh tế , TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tăng thuế tiêu dùng sẽ làm tăng giá thành hàng hóa dẫn đến tăng chi phí của doanh nghiệp, và điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Theo đó, các nước đều đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009 – 2016. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước ở châu Á như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... đã cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn ra số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), cụ thể qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12 – 25%. Trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17 – 25%, còn lại 24 nước phố biến ở mức hơn 10%.
Còn đối với các nước xung quanh Việt Nam, thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo hai phương án: Một là tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, và phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2018 và 14% từ ngày 1/1/2021 Trong 2 phương án trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đề xuất phương án tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.
Tăng thuế là "đánh" trực diện vào người tiêu dùng
Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet về việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế suất thuế VAT từ 10% lên 12% vào năm 2019, Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ thẳng thắn nói: “Tôi đồng ý với việc tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 là nhằm tăng thêm nguồn thu, và trong điều kiện kinh tế hiện nay của chúng ta còn nhiều khó khăn thì việc tăng thuế VAT là điều tất yếu có thể chấp nhận. Nhưng nói tăng thuế VAT lên để phù hợp với thông lệ quốc tế là không thuyết phục”.
Bởi theo phân tích của vị chuyên gia này thì sự phát triển của mỗi nước đều khác nhau nên mức thuế của mỗi nước cũng khác nhau. Hơn nữa nhiều nước cũng đang trong quá trình phát triển và cải cách cũng như tái cơ cấu nền kinh tế nên một họ cũng có xu hướng là không tăng mà giữ ổn định mức thuế.
Một số nước nếu có tăng thuế họ cũng phải chọn lọc đưa ra những đối tượng khác nhau, đối tượng nào cần được tăng, đối tượng nào giữ nguyên, đối tượng nào cần được hỗ trợ chứ không phải tăng kiểu đồng loạt.
Theo Bộ Tài chính, tăng thuế để tăng nguồn thu, tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh cầu tiêu dùng đang giảm thì việc đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ năm 2019 khiến nhiều người lo ngại chính sách này sẽ có tác dụng ngược. Bởi lẽ, việc tăng thuế tiêu dùng như thuế VAT và thuế TTĐB sẽ giúp Nhà nước tăng thêm nguồn thu nhưng đồng thời cũng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Về vấn đề này theo ông Lưu Bích Hồ, việc tăng thuế tiêu dùng đương nhiên sẽ làm tăng giá thành hàng hóa dẫn đến tăng chi phí của doanh nghiệp, và điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
“Nhà nước cũng phải tính toán cẩn thận mặc dù tôi biết khi đề xuất phương án tăng thuế là cơ quan nghiên cứu cũng đã cố gắng đưa ra được những kịch bản để kiểm soát được lạm phát, nhưng việc tăng thuế VAT sẽ làm giảm nguồn thu của doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Việc gì cũng có 2 mặt nên chúng ta phải cân nhắc cẩn thận”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Cũng theo ông Hồ, vì thuế VAT sẽ “đánh” trực diện vào người tiêu dùng đồng thời có tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Mặc dù người tiêu dùng là người quyết định cuối cùng, nhưng nếu cầu của người tiêu dùng bị hạn chế thì đương nhiên hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng.
“Nói trắng ra là cầu tiêu dùng hạn chế thì doanh nghiệp sẽ khó đẩy hàng ra thị trường. Do đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn ảnh hưởng gián tiếp. Trong khi đó mức tiêu dùng của chúng ta vẫn rất thấp nên chúng ta cần phải được kích thích tiêu dùng hơn nữa”, TS. Lưu Bích Hồ cho hay.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn