Trao đổi với báo chí chiều 30/12, trước câu hỏi về việc thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc có nhiều “con ông, cháu cha” tại các đơn vị trong ngành công thương và trong việc tái cơ cấu nhân sự tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng có lo ngại gì về việc sẽ đụng chạm đến những người có vị trí cao hơn, ông Trần Tuấn Anh cho biết, công tác cán bộ thời gian qua tại Bộ Công Thương đã bộc lộ những điểm yếu kém tồn tại trong việc bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ.
Đây là vấn đề vốn không chỉ xảy ra ở Bộ Công Thương mà cả ở các địa phương. Khó khăn rất nhiều, có những lúc bộ cũng cảm thấy bị cuốn vào trong vòng xoáy, có thời điểm bị thụ động trong giải quyết vấn đề. Nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ Công thương và các cán bộ trong ngành đã vượt lên trên mình, để đánh giá, nhìn nhận lại những tồn tại đó để tìm ra những nguyên nhân, lý do và hướng tới các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Năm 2016, một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng
Theo ông Trần Tuấn Anh, về những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu sẽ liên quan đến “con ông cháu cha”, “người nhà”, chúng ta phải nhìn nhận trên một thực tế Việt Nam là một nước châu Á nên có những lúc duy tình. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền với những yêu cầu về một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, không có chỗ cho các mối quan hệ cá nhân, và những yếu tố phi pháp lý, vượt lên các quy định của pháp luật.
“Tôi tin không chỉ cá nhân tôi mà nhiều lãnh đạo khác của Bộ Công Thương cũng có thể nhiều lúc nhận được những lời đề nghị, yêu cầu, gợi ý nhưng trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo bộ đủ sức giúp chúng tôi làm đúng theo chủ trương, trách nhiệm của mình”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói..
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tái cơ cấu Bộ Công Thương và việc cải cách hành chính, khuôn khổ pháp lý của ngành, phải khẳng định đây là những vấn đề liên quan đến sự nghiệp của ngành. Chúng tôi phát huy và ý thức được đây là trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương. Đây là thời điểm Đảng, Chính phủ và các cơ quan đang giúp Bộ Công Thương nhìn ra những yếu kém của mình.
“Hội nhập kinh tế quốc tế cũng có những bước tiến tích cực dù những diễn biến mới của TPP điều này cho thấy chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ FTA nào. Khó khăn và thách thức đi đôi với cơ hội và chúng ta cũng phải chấp nhận những cạnh tranh ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. |
“Tôi tin rằng, đây là điều mà lãnh đạo và các cán bộ của Bộ đều phải nhìn nhận rõ. Những vấn đề liên quan đến phát triển đất nước, nhân dân sẽ phải được lãnh đạo bộ lắng nghe ý kiến của nhân dân. Về thể chế, con người chúng tôi sẽ tiếp tục tái cơ cấu bộ máy, con người. Có thể nói, những giải pháp và nội dung cụ thể về các chương trình đó đều được thực hiện công khai và có sự chia sẻ, thực hiện nhất quán trong ban lãnh đạo Bộ Công Thương”, ông nói.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Về những việc mà ngành công thương đã làm được trong năm qua, theo ông Trần Tuấn Anh, năm 2016 chứng kiến tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và những vấn đề khác của trong nước và khu vực. Ngay cả các tổ chức cũng dự báo đây là năm nhiều khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh các yếu tố kinh tế thế giới, thiên tai, thời tiết ảnh hưởng đến hoạt động của kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm, chỉ tiêu xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thương mại cũng đạt ở mức thấp. Liên tiếp sau đó là những vấn đề liên quan đến thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo lãnh đạo ngành công thương, đến nay, đã có thể tạm vui mừng nhìn lại những thành quả đạt được với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 8,6%. Đây là nỗ lực rất lớn khi nhìn vào bối cảnh kinh tế thế giới cạnh tranh ngày càng gay gắt, giá nhiều loại nhiên liệu, nguyên liệu khai khoáng giảm, việc bảo hộ ở các thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng.
“Nếu nhìn vào chỉ số tăng trưởng tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan thì có thể thấy mức tăng trưởng 8,6% là mức rất đáng tự hào. Nói như vậy không phải chúng ta khỏa lấp đi những yếu kém tồn tại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho rằng, việc thặng dư xuất khẩu cũng là vấn đề cần được ghi nhận. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp FDI với mức tăng trưởng xuất khẩu chiếm tỷ trọng đạt 48%. Đặc biệt, có tới 25 mặt hàng xuất khẩu đạt mức 2 tỷ USD.
Theo ông Trần Tuấn Anh, năm 2016, một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Thương mại nội địa và tiêu dùng tăng trưởng 19% đã tạo bệ đỡ cho thị trường và giúp chúng ta cho thấy những vấn đề mà ta sẽ phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu ngành công thương, năm 2016, Bộ Công Thương đã hoàn thiện những khuôn khổ quy định pháp luật đồng thời thực hiện tối đa việc quản lý, xử lý những vấn đề liên quan đến bán hàng đa cấp, vấn đề xả lũ thủy điện... Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục tạo ra sự phân cấp, tạo ra sự quản lý đồng bộ của bộ đồng thời khắc phục những khoảng trống của pháp luật, khắc phục sự chồng chéo trong quản lý của các đơn vị. Cụ thể những vấn đề sẽ được ưu tiên giải quyết tiếp là vấn đề đa cấp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, sự chồng chéo trong quản lý phân bón, quản lý thị trường.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn