Chưa bao giờ người tiêu dùng lại được ăn thỏa thích khoai tây, cà rốt, xà lách, bắp cải… tươi ngon với giá rẻ, lại không lo vấn nạn thuốc bảo vệ thực vật như thời điểm này.
Ngay tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, giá rau rẻ đến mức giật mình. Tại chợ tạm Đại học Thủy lợi, một cây bắp cải nặng trên 1kg được bán với giá 5.000 đồng. Gặp một người nông dân đèo hai sọt cà chua của nhà trồng đi bán, anh kể, gia đình anh trồng hai ruộng cà chua ở huyện Đan Phượng.
Các loại rau vụ đông đang ở thời điểm thu hoạch rộ nhất, nguồn cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rớt giá.
“Năm nay sau Tết trời nắng nóng, nồm ẩm, cà chua chín nhanh nên bố con tôi phải hái cà tự mang đến các chợ bán. Chín đầy ruộng chả bán được nên chẳng ai nghĩ đến chuyện phun thuốc trừ sâu đâu. Các cô cứ yên tâm ăn đi. Tôi bán chợ này, còn con trai tôi đang đứng bán bên chợ Vĩnh Hồ bên kia”, anh cho biết.
Cà chua bột to, chín mọng được anh bán với giá 5.000 đồng/kg. Còn tại các hàng bán rau khác, su hào cũng chỉ có giá 1.500- 2.000 đồng/củ loại to. Quả su su non mỡ cũng chỉ có giá 6.000 đồng/kg. Các loại rau ăn lá cũng chung tình trạng. Rau cải cúc 1.000 đồng/mớ, rau cải xanh 2.000 đồng/mớ… rẻ gấp 3-4 lần so với thời điểm trước Tết.
Bạn Nguyễn Đào, quê huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, mẹ bạn trồng rau xà lách, giá rẻ quá chẳng buồn nhổ bán mà để cho gà ăn. “Tiếc lắm vì rau sạch và non nõn nà nhưng ăn làm sao hết. Mỗi tuần mẹ gửi cho em cả túi to đùng, chia khắp hàng xóm và cơ quan”, Đào cho biết.
Thực trạng các loại rau xuống giá khiến dư luận nghi ngại, liệu có xảy ra khủng hoảng thừa ra và phải giải cứu như các loại nông sản trước đây. Còn các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ lại đang rơi vào tình trạng ế ẩm do giá rau ở các chợ xuống quá thấp.
Anh Chu Huy Khôi, chủ một cửa hàng rau sạch ở Mỹ Đình cho biết: “Trong khi giá cà rốt ở chợ chỉ 5.000 đồng/kg thì cà rốt sạch, có truy xuất nguồn gốc cửa hàng tôi đang bán 10.000 đồng/kg mà vẫn ế. Súp lơ ở chợ bán 3.000 đồng/cây tầm 7 lạng, rẻ như thế thì rau sạch cũng đành chịu chết, cửa hàng tôi không bán được súp lơ từ cả tuần nay rồi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân sẽ thu hoạch hàng loạt rau, màu vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến.
“Bên cạnh đó, thời tiết năm nay nồm ẩm, mưa xuân đúng độ, rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần… sinh trưởng, phát triển nhanh. Mặt khác, bà con nông dân tập trung trồng rau để phục vụ Tết nhưng lượng rau tiêu thụ trong dịp Tết không nhiều, hoặc rau cho thu hoạch không đúng thời điểm khiến ra giêng lượng rau ra thị trường tăng cao khiến nguồn cung vượt cầu dẫn đến tình trạng ế thừa rau và rớt giá như hiện nay”, ông Định phân tích.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong hai tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu (NK) mặt hàng rau ước đạt và mặt hàng quả đạt 196 triệu USD, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất vẫn là Thái Lan (chiếm 44% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 23% thị phần).
Ngoài ra, giá trị NK rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Australia tăng 5,2 lần, Brazil tăng 2,3 lần, Mỹ tăng 2,1 lần… Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu lại chủ yếu là hoa quả chứ không phải rau xanh nên những thông tin cho rằng do rau nhập ngoại tràn về làm biến động, rớt giá rau trong nước là không có cơ sở.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định: Rau xanh hầu như không được NK vào Việt Nam từ hai tháng nay. “Thái Lan không XK rau sang Việt Nam, họ chỉ XK trái cây. Phần lớn trái cây của Thái Lan vào Việt Nam là tạm nhập tái xuất rồi đi sang Trung Quốc. Còn Trung Quốc nhiều năm nay hầu như không XK rau sang mình”.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn