Không thống nhất với phương án được Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra, mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét không tăng lương tối thiểu năm 2017.
Đồng thời, hiệp hội này cũng đưa ra đề nghị cho phép giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng lên 2-3 năm một lần và điều chỉnh lại mức đóng các khoản bảo hiểm phù hợp nhất cho người lao động.
VASEP lập luận, chỉ số CPI là một tiêu chí quan trọng để làm căn cứ tăng lương tối thiểu. Tiêu chí này trong các đợt xét tăng lương tối thiểu trước đây thường được dự kiến cao hơn trong thực tế. Cụ thể là năm 2014 dự kiến tăng CPI là 7% thì thực tế chỉ là 4%, năm 2015 dự kiến là 5% thì thực tế chỉ là 0,63%, và mức lương tối thiểu 2016 đã tăng là 12,4%. Như vậy, chỉ trong 2 năm mức tăng CPI dự kiến làm căn cứ tăng lương tối thiểu đã chênh lệch 7% so với thực tế.
Trong quý I/2016, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ số CPI tháng 3/2016 chỉ tăng 0,57% so với tháng 2/2016 và cả quý I/2016 chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang lấy mức CPI năm 2016 làm cơ sở để tính tăng lương cơ bản trong năm 2017 dự kiến là 5%.
Với việc chỉ số CPI lấy làm cơ sở để tăng lương tối thiểu trong hai năm 2014 - 2015 đã vượt 7% so với thực tế trong khi CPI năm 2016 có xu hướng thấp, không biến động lớn (mức tăng chỉ như năm 2015, khoảng 1 - 2% so với năm 2015), VASEP cho rằng, đã đến thời điểm xem xét ngừng tăng tăng lương tối thiểu để bù lại cho DN và cho chính người lao động, giúp ổn định - phát triển sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Thêm vào đó, theo VASEP, lương tối thiểu vùng là mức lương quy định để các DN không được trả lương cho người lao động dưới mức này. Tuy nhiên, mức lương này cũng phải dựa vào năng suất lao động là chính. Kể từ ngày 1/10/2006 đến 1/1/2016, mức lương tối thiểu áp dụng cho các DN ngoài Nhà nước tăng từ 350.000 đồng lên 2.925.000 đồng (mức bình quân của 4 vùng, tăng hơn 8,3 lần, trung bình tăng 15%/năm). Trong khi đó năng suất lao động từ năm 2006 đến 2015 tăng bình quân chỉ là 3,9%/năm.
VASEP cũng khẳng định, các DN chế biến thủy sản đã và đang trả lương cho người lao động luôn cao hơn lương tối thiểu từ 50-70%. Thực tế, lương tối thiểu là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn. Một lao động ở công đoạn giản đơn làm đủ 26 ngày công được tính tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó đã bao gồm cả các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn là 34,5% tính trên lương tối thiểu sau khi khấu trừ còn lại sẽ là lương thực nhận.
Do đó xét ở một khía cạnh thu nhập, khi tăng lương tối thiểu thì thu nhập thực tế theo lương năng suất của người lao động lại giảm do các khoản khấu trừ phải nộp tăng lên.
"Thực sự tăng lương tối thiểu hàng năm chỉ làm tăng thêm phần nộp vào quỹ bảo hiểm và quỹ kinh phí công đoàn trong khi DN không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng các khoản nộp khấu trừ vào lương do tăng LTT hàng năm trong khi năng suất lao động không tăng. Chưa kể, theo quy định, các khoản phụ cấp đặc thù bằng 12% tính trên lương tối thiểu (5% nặng nhọc độc hại và 7% tay nghề), các DN thủy sản cũng phải trả tăng lên tương ứng khi tăng lương tối thiểu. Đây thực sự là một gánh nặng chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường thế giới", theo VASEP.
Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng hằng năm với người lao động luôn là chủ đề bàn cãi giữa đại diện người lao động và giới chủ. Hồi đầu tháng 8, sau nhiều tranh cãi, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng chỉ 7,3%.
Trước đó, phía đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban đầu vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ở mức 4,5-5% như đề xuất trước đó. Tuy nhiên, VCCI sau đó đã chấp nhận nâng đề xuất lên mức 6%.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tính toán, trong đó có sự chia sẻ với phía DN, đã tạm hạ mức đề xuất tăng lương xuống còn 10%, so với mức đề xuất tăng 11,11% trước đó.
Do các bên không tìm được tiếng nói chung nên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã phải bỏ biếu và thông qua phương án tăng lương 7,3%. Theo đó, theo đề xuất này, mức lương tối thiếu Vùng I tăng thêm 250.0000 đồng/tháng; Vùng II tăng thêm 220.000 đồng/tháng; Vùng III tăng thêm 200.000 đồng/tháng và Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu hiện tại.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn