Trong văn bản kiến nghị, VGTA cho biết trước đây Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định có ba ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với ngành vàng. Và chỉ với việc “trói” ba ngành nghề này thôi cũng đã khiến ngành kinh doanh vàng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nay Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi, ngày 22-11-2016) với danh mục nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh, trong đó có quy định: “Kinh doanh vàng” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều này có nghĩa sẽ bao trùm tất cả hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán; xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu… Như vậy sẽ lại càng khiến cho ngành vàng nói chung và các DN kinh doanh vàng nói riêng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
“Đặc biệt, quy định mới này sẽ tạo ra rất nhiều giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng khi làm các thủ tục hành chính” - VGTA lo lắng.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất, kinh doanh vàng có tiếng tại TP cũng nhận xét trong khi chủ trương của Quốc hội là loại bỏ tất cả những gì không cần thiết, xóa bỏ bớt giấy phép con thì với Luật Đầu tư sửa đổi lại gây khó hơn, siết chặt hơn đối với ngành kinh doanh vàng.
Hơn nữa hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ cũng như các dịch vụ sửa chữa, tân trang vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động bình thường. Do đó, việc đưa hoạt động này vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn không phù hợp.
“Với việc chỉnh sửa lại Luật Đầu tư như thế chỉ khiến hơn 3.000 DN vàng đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM gặp nhiều phiền phức hơn nữa. Nó không chỉ khiến ngành trang sức không có cơ hội phát triển mà thậm chí còn có nguy cơ tụt hậu, teo tóp so với các nước trong khu vực” - vị tổng giám đốc công ty bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, cho biết: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ của các DN chưa được tạo điều kiện phát triển tương xứng. Chẳng hạn, chưa có cơ chế, chính sách thuận lợi đối với việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ dẫn đến hiện tượng DN mua nguyên liệu trôi nổi và không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để sản xuất”.
Như vậy rõ ràng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động này sẽ góp phần khuyến khích các DN đầu tư mạnh vào việc phát triển mặt hàng này. Qua đó tạo ra giá trị gia tăng, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đồng thời tạo cơ hội cho xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tái tạo ngoại tệ... Ngược lại, nếu thêm các thủ tục phức tạp sẽ tạo ra cơ chế xin cho không cần thiết, gây nhũng nhiều DN.
“Luật Đầu tư sửa đổi lại tạo ra nhiều giấy phép con hơn nữa, như vậy số phận ngành vàng Việt Nam sẽ đi đến đâu?” - đại diện VGTA đặt vấn đề. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng.
Theo VGTA, những quy định chưa hợp lý thời gian qua như Nghị định 24/NĐ-CP đã cản trở sự phát triển của ngành vàng. Điều này khiến cho hàng ngàn DN kinh doanh vàng phải đóng cửa, ngừng hoạt động, làm cho hàng vạn lao động ngành vàng mất việc làm và gây thất thu cho ngân sách nhà nước. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn