Khách hàng mất tiền, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ sáu - 26/08/2016 09:46

Khách hàng mất tiền, trách nhiệm thuộc về ai?

Liên tục những vụ mất tiền trong tài khoản khiến nhiều người lo ngại về quy trình giao dịch cũng như bảo mật tại các ngân hàng đang có “vấn đề”.

Vụ việc khách hàng khiếu nại mất 11,3 tỉ đồng tại VPBank sau gần 1 năm vẫn còn nhiều khúc mắc. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VPBank - Ảnh: TẤN THẠNH

Ngày 25-8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết đã yêu cầu lãnh đạo phụ trách khu vực phía Nam của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) báo cáo vụ việc một khách hàng của NH này khiếu nại mất 11,3 tỉ đồng trong tài khoản.

Nhiều nghi vấn

Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng việc bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (huyện Củ Chi, TP HCM), khiếu nại mất 11,3 tỉ đồng trong tài khoản giao dịch của công ty tại VPBank có nhiều điểm nghi vấn, rất cần cơ quan điều tra làm rõ.

Bà Trần Thị Thanh Xuân cho biết đã phát hiện mất số tiền trên vào tháng 7-2015. Nhưng theo VPBank, đến ngày 19-10-2015, NH này mới nhận được đơn tố cáo của bà Xuân liên quan đến các vấn đề mở, sử dụng tài khoản của Công ty Quang Huân, với nội dung rằng ông Phạm Văn Trinh (kế toán công ty này) và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của Công ty Quang Huân số tiền là 11,3 tỉ đồng.

Bà Xuân còn tố NH đã dễ dàng đưa séc cho nhân viên của mình để từ đó đưa cho người khác rút tiền từ tài khoản của công ty bà. Đặc biệt, trong hợp đồng giao dịch mở tài khoản của Công ty Quang Huân tại VPBank Chi nhánh Tân Phú, người đứng tên trên tài khoản là Trần Thị Thanh Xuân nhưng chữ ký là của ông Phạm Văn Trinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-8, ông Phạm Văn Trinh cho biết chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, do thời điểm đó bà Xuân “nhờ ký thay, còn con dấu do bà Xuân giữ”. Tất cả các lần rút tiền ở VPBank sau đó đều theo sự chỉ đạo của bà Xuân và mỗi lần ông Trinh đi rút tiền đều có con trai hoặc con gái của bà Xuân đi cùng. Hai quyển séc nhờ nhân viên VPBank mua giùm, khi về bà Xuân cũng nhờ ông Trinh ký vào.

“Bà Xuân có nói sau khi mở tài khoản xong sẽ làm thủ tục đổi chữ ký nên tôi mới ký thay. Riêng con dấu do bà Xuân cầm và những lần rút tiền sau này đều do bà đóng dấu. Tôi nghĩ cơ quan điều tra và NH đã có lịch sử giao dịch của công ty nên sẽ biết chính xác có bao nhiêu tiền trong tài khoản của công ty” - ông Trinh phân trần.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH (Hiệp hội NH), cho rằng theo phản ánh của VPBank và khách hàng Trần Thị Thanh Xuân thì chưa đủ cơ sở kết luận ai đúng ai sai. Vụ việc không chỉ là khiếu nại thông thường, có dấu hiệu hình sự nên phải chờ cơ quan điều tra làm rõ, chứ NH cũng không làm gì được. “ Tuy nhiên, đã một năm mà vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ thì là một thắc mắc lớn” - luật sư Đức nói.

Còn dễ dãi

Theo nhiều chuyên gia NH, từ vụ khách hàng VPBank báo mất 11,3 tỉ đồng trong tài khoản và những vụ việc gần đây cho thấy mặc dù quy trình của các NH đều khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng có thể trong vài trường hợp, cán bộ - nhân viên NH bỏ qua một quy trình nào đó trong cả khâu như cho phép khách hàng thân quen, khách hàng VIP rút tiền trước rồi mới bổ sung hóa đơn chứng từ sau… nên rất dễ dẫn đến sai phạm. Bản thân các NH thương mại trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt hiện nay, ở vài trường hợp cũng cho nhân viên dễ dãi trong quy trình để tạo thuận lợi cho khách hàng. “Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng gọi điện thoại đến NH và nhân viên NH vẫn chấp nhận cho rút tiền. Nếu xảy ra sự cố hoặc có gian lận thì trách nhiệm của nhân viên sẽ rất lớn” - một chuyên gia NH nói.

Ngay cả trong câu chuyện con dấu, chữ ký cũng rất rủi ro bởi NH không thể khẳng định 100% con dấu, chữ ký của khách hàng, trừ khi người đó đến giao dịch và ký tên trực tiếp. Nhưng trường hợp này thường áp dụng cho khách hàng cá nhân. Trong khi với khách hàng doanh nghiệp, hiếm có ông chủ doanh nghiệp nào trực tiếp tới mà nhân viên công ty sẽ mang chữ ký, con dấu có sẵn dựa theo mẫu đã đăng ký. “Để hạn chế rủi ro, một số NH đã áp dụng nhận diện bằng dấu vân tay” - lãnh đạo một NH cổ phần cho biết.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, từ các đại án ngân hàng như vụ Huyền Như đến những vụ việc xảy ra gần đây như chủ thẻ VIB mất hơn 1.500 USD ở Mỹ, chủ thẻ Vietcombank bị trộm 500 triệu đồng đến vụ việc này thì niềm tin của dư luận vào hệ thống NH giảm đi rất nhiều. “Theo nguyên tắc, khách hàng không rút tiền, không giao dịch mà mất tiền thì NH phải đền. Vì thế, các ngân hàng cần có sự quản lý chặt chẽ để bảo đảm điều này” - luật sư Đức nói.

Rà soát lại tất cả quy trình

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, sau vụ việc xảy ra tại VPBank, ông đã yêu cầu các NH thương mại trên địa bàn rà soát lại tất cả quy trình nội bộ về quản lý để bảo vệ tiền gửi của khách hàng, cả tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, liên quan đến những vụ mất an toàn trong giao dịch qua thẻ, NH trực tuyến gần đây, NHNN Chi nhánh TP cũng yêu cầu các NH phải tăng cường an toàn và rà soát lại quy trình bảo mật. “Các NH cần khẩn trương phối hợp với cơ quan công an làm rõ những trường hợp phát sinh rủi ro đã xảy ra trên nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng” - ông Minh nhấn mạnh.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây