Thành phố vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất. Đồng thời kiến nghị xây dựng đề án huy động vàng nhàn rỗi từ dân.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất lập sàn vàng. Vài năm trước và vài tháng trước đã dấy lên vấn đề thành lập sàn vàng quốc gia, huy động vàng trong dân. Lần nào cũng gặp phải rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Sàn chuẩn thay sàn chui
Chị Ngọc Vân (quận 6, TP.HCM) cho biết nhà chị có 10 lượng vàng phòng thân. Mặc kệ giá lên, giá xuống, cũng không bán ra để đầu tư. Gửi tiết kiệm thì gửi bằng tiền. Không gửi thì mua nhà, là một kênh đầu tư. “Bảo tôi gửi vàng thật lấy chứng chỉ vàng giấy, dù có trả lãi như lãi gửi tiết kiệm tôi cũng sợ, nhỡ vàng tụt giá kêu tôi đến bắt nhận lại, khi vàng lên giá vùn vụt, tôi đến đòi vàng thật thì không trả!?” - chị Ngọc Vân nói.
Vẫn có nhiều người có tâm lý cất giữ vàng như chị Vân. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính , cho rằng hiện đã có nhiều người xem vàng là kênh đầu tư và rất muốn đầu tư vàng. Dẫn chứng là hàng loạt vụ đầu tư vào sàn vàng chui. Cứ đánh sập sàn vàng chui này lại có một sàn vàng chui khác xuất hiện.
“Tất nhiên, ở đây có yếu tố hám lợi vì tin vào quảng cáo siêu lợi nhuận khi tham gia sàn vàng. Song cũng không thể phủ nhận một điều là nhu cầu đầu tư vàng luôn hiện hữu trong một bộ phận dân chúng. Nếu giờ đây TP có một sàn vàng, giao dịch minh bạch, có thể chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn, thế chấp… làm tăng tính thanh khoản của vàng. Đặc biệt là được pháp luật bảo vệ thì những nhà đầu tư vàng nói trên lại không “chạy ngay” vào sàn vàng này ư!” - ông Khánh phân tích.
TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đặt vấn đề: “Vì sao người dân vẫn gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng? Vì họ tin rằng không bao giờ bị mất tiền, không có chuyện ngân hàng phá sản. Nếu cơ quan quản lý, chủ sàn vàng tạo được niềm tin với người dân thì lo gì họ không đem vàng đến gửi!”.
Hiện có nhiều người dân cất giữ vàng nhàn rỗi và xem vàng là kênh đầu tư. Ảnh: HTD
Huy động rồi đi đâu?
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc lập sàn vàng đã trở thành thông lệ quốc tế và rất nhiều nước đã áp dụng hình thức này để đưa nguồn lực trong dân vào nền kinh tế .
Cùng ủng hộ việc lập sàn vàng là ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), người từng có kinh nghiệm tổ chức sàn vàng đúng chuẩn của sàn hàng hóa nước ngoài. Ông Hải cho biết Sở Giao dịch vàng Quốc gia hoạt động tốt, về lâu dài sẽ triệt tiêu hiện tượng vàng hóa, góp phần ổn định tỉ giá. Mặt khác, NHNN có thể huy động được một nguồn lực hùng hậu. Quan trọng hơn, Chính phủ có thể dùng nguồn vàng này làm tài sản đảm bảo để huy động trái phiếu trên thị trường quốc tế với lãi suất thấp hơn. Giữa một anh đi vay có bảo đảm với anh đi vay không có tài sản bảo đảm, chắc chắn lãi suất sẽ khác nhau. Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PNJ, Nhà nước cần xây dựng sàn giao dịch vàng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp thị trường vàng được chuẩn hóa, tập trung, đảm bảo sự lưu thông, dễ giám sát và điều tiết. Đây cũng là kênh thu hút người dân đưa vàng ra giao dịch khi thị trường có sự vận hành minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng.
Vấn đề cần làm rõ và thuyết phục người dân là sau khi NHNN huy động được số vàng vật chất đó thì NHNN quản lý, điều hành ra sao, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có những biến động về tỉ giá, giá vàng.
Ba đòi hỏi về huy động vàng Thời gian qua, có nhiều ý kiến góp ý về huy động vàng với các vấn đề chính như: • Phải có lãi: Lãi suất cao hay thấp tùy vào chiến lược quản trị rủi ro của tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, lãi suất cần trên 20% so với lãi suất hiện hành. Lãi suất không hấp dẫn thì rất khó để huy động nguồn vàng nhàn rỗi. • Công khai, minh bạch, an toàn: Cần nói rõ nguồn vàng huy động được sẽ được sử dụng làm gì. Đặc biệt là công tác quản trị rủi ro để tránh thâm hụt số vàng huy động. Tâm lý người dân cầm giữ vàng vì muốn an toàn, phòng vệ rủi ro. Vì vậy việc huy động và sử dụng vàng, trả lại vàng cũng phải có tính bảo đảm. • Thanh khoản cao: Vàng trong dân tuy nằm im trong két nhưng người dân có quyền chủ động. Khi huy động vàng của dân cũng phải đảm bảo tính thanh khoản, chuyển đổi. Phải đảm bảo cho dân có thể chuyển tiền-vàng bất cứ lúc nào. Tốt nhất nên có sự tham gia của SJC (đảm bảo vàng ở đầu vào) và NHNN (đảm bảo thanh khoản đầu ra). 100.000 tỉ đồng với giá 37 triệu đồng/lượng, nếu huy động 100 tấn vàng trong dân, TP có gần 100.000 tỉ đồng để đầu tư. Ông DƯƠNG ANH VŨ, chuyên gia ngành vàng |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn