Áp lực lên lạm phát gia tăng
Tại bản báo cáo về kinh tế Việt Nam vừa được HSBC công bố ngày 28/9, tổ chức này cho rằng, dù đối mặt với không ít thách thức nhưng Việt Nam vẫn có nhiều khả năng duy trì vị trí đi đầu ở châu Á với GDP tăng trưởng nhanh, miễn là các cuộc cải cách phải được thực hiện.
Theo đó, điều kiện sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tháng thứ 9 liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. Và Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo nhận định của HSBC, sự gia tăng trở lại của lạm phát vẫn là rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thời tiết và các điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi có thể đẩy giá thực phẩm lên cao. Hơn nữa, yếu tố giá xăng quay trở lại với đà tăng cũng là rủi ro có thể châm ngòi cho lạm phát. Chưa kể, chi phí giáo dục và y tế cũng có nhiều khả năng leo thang trong vài tháng tới.
Tín dụng tăng trưởng mạnh cũng sẽ tạo thêm áp lực cho lạm phát. Chính vì vậy, theo HSBC, cơ hội để nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ bị giới hạn trong thời gian này.
Ngay cả khi TPP thất bại, Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ hội nhập
Báo cáo của HSBC đề cập đến một trong những rủi ro đang được quan tâm thời điểm hiện nay đó là số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như ảnh hưởng của hiệp định này đến triển vọng các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
TPP là một hiệp định của 12 quốc gia (bao gồm Mỹ nhưng không bao gồm Trung Quốc) thỏa thuận các ưu đãi thương mại trải dài các nước xuyên suốt khu vực Thái Bình Dương từ Mỹ đến Malaysia và chiếm tỉ trọng tới 40% GDP toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ loại bỏ 18.000 loại thuế suất ở 12 nước tham gia.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới, tuy nhiên, chương trình nghị sự sẽ không bao gồm vấn đề trình và phê chuẩn TPP. Về vấn đề này, chuyên gia HSBC tỏ ra khá ngạc nhiên khi Việt Nam luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ TPP và được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ đó.
Mặc dù vậy, HSBC cho rằng, "bất kể số phận của thỏa thuận TPP như thế nào, Việt Nam vẫn đang vươn lên phía trước với kế hoạch cắt giảm thuế và loại bỏ bớt những rào cản, giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm năng lực cạnh tranh trên trường thế giới".
Bản báo cáo lưu ý, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại với các đối tác quan trọng (Hàn Quốc, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng ASEAN...), do vậy, "ngay cả khi thỏa thuận TPP thất bại, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ việc gia tăng thâm nhập vào các thị trường của các đối tác thương mại chính", HSBC nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững thì cải cách trong nước đóng vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh thắt chặt quản lý thuế, thu hồi nợ để cải thiện vấn đề ngân sách, Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Nguyên nhân theo HSBC đánh giá là do Chính phủ cần nguồn lực tài chính để kiểm soát thâm hụt ngân sách và giảm áp lực nợ công đang rất nặng nề.
Một phần trong kế hoạch này là tới đây Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp Nhà nước lớn, trong đó có cả Vinamilk (công ty niêm yết lớn nhất nước), Sabeco, Habeco (các ông lớn trong ngành đồ uống)... "Việc bán cổ phần sẽ giúp thu về 150.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD)", theo HSBC.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn