Tỷ giá ngoại tệ ở Việt Nam tuần qua có những biến động mạnh, có thời điểm mức trần là 22.780 VND/USD. Đặc biệt, trên thị trường ngoại tệ tự do, giá USD đã vượt ngưỡng 23.000 đồng, mức kỷ lục được xác lập là 23.450 VND/USD. Trước những biến động này, doanh nghiệp (DN) cần làm gì để tránh những rủi ro về tỷ giá? Đây là nội dung cuộc trao đổi của PV Báo Giao thông với, chuyên gia tài chính - ngân hàng , TS. Huỳnh Trung Minh.
TS. Huỳnh Trung Minh
Nhiều quốc gia đều vào cuộc chống biến động tỷ giá
- Nguyên nhân nào tác động mạnh lên tỷ giá những ngày qua, thưa ông?
Trước hết là do yếu tố mùa vụ. Hiện nay, chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của năm 2016, nhu cầu thanh toán của DN với đối tác nước ngoài tăng. Hơn nữa, những tin đồn thất thiệt về việc đổi tiền vừa qua cũng tác động đến tỷ giá.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như có những lo ngại về việc ông Donald Trump khi đắc cử Tổng tống Mỹ đã tuyên bố sẽ cắt bỏ TPP, hay khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất USD khiến giá USD tăng. Những yếu tố này có thể góp phần khiến người ta lo ngại, một phần tác động lên tỷ giá, tạo nên những xáo trộn trong thời gian qua.
- Nghĩa là không chỉ Việt Nam chịu sự biến động của tỷ giá, mà cả ở nhiều nước khác nữa?
Đúng vậy, không chỉ Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá mà những nước khác cũng đã chuẩn bị những kịch bản để đối phó với tình hình, tìm những biện pháp ổn định tỷ giá trong những ngày qua. Và ít nhất cho đến khi ông Donald Trump chính thức điều hành Nhà Trắng, thì giá đồng bạc xanh vẫn còn khả năng biến động theo hướng tăng giá.
Để đề phòng rủi ro khi giữ ngoại tệ, người dân nên cân nhắc mua bảo hiểm rủi ro tỷ giá - Ảnh: Nguyễn Tuyền
Tỷ giá còn biến động trong ngắn hạn
- Vậy, theo ông Việt Nam có nên phá giá VND hay làm cách nào để hạn chế những tác động từ tỷ giá?
Mới đây, NHNN đã đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ ra để điều tiết thị trường. Chưa kể lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa bao giờ lại đạt mức kỷ lục như vậy (khoảng 40 tỷ USD - PV). Hơn nữa, lượng kiều hối cuối năm, nhất là dịp lễ, Tết vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam, thế nên cho đến giờ này khả năng thiếu hụt USD là chưa đáng ngại.
Chưa nên đặt vấn đề có nên phá giá VND hay không, vì có những giai đoạn phá giá là điều cần thiết, có lợi cho nền kinh tế . Chẳng hạn như Nhật Bản, có một thời gian Nhà nước đã thả nổi đồng yên với mục đích làm giảm bớt giá trị của đồng nội tệ ở quốc gia này, nhờ đó DN xuất khẩu có lợi hơn. Và nhiều nước trên thế giới cảm thấy với 1 USD họ có thể mua được nhiều hàng hóa hơn so với trước đây. Bởi vậy, tôi cho rằng, quan trọng là điều hành tỷ giá phải gắn với điều hành kinh tế vĩ mô nói chung sao cho có lợi cho nền kinh tế.
- Ông có lời khuyên nào cho DN nhập khẩu cũng như người dân trước những biến động của tỷ giá?
Tôi nghĩ rằng, tỷ giá tăng vào cuối năm mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Điều này DN đã biết và nên chủ động phòng những rủi ro. Chẳng hạn, nên ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau (future contract), hay nói cách khác đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá. Cụ thể, để phòng những biến động của tỷ giá nếu có vào cuối năm, thì giữa năm hay từ tháng 8 trở đi, DN đã mua tỷ giá trong tương lai. Với việc mua giá ngoại tệ trong tương lai có thể DN phải chịu giá cao hơn giá hiện tại nhưng lại đảm bảo được sự ổn định của tỷ giá dựa trên kế hoạch tài chính của mình. Nghĩa là dù tỷ giá vào tháng 12 có tăng vọt đi nữa thì DN chỉ phải trả với mức giá đã mua từ hồi tháng 8 mà thôi. Nhiều DN Việt nói rằng họ không sợ biến động, mà cần sự ổn định. Vậy nên tập quen dần với việc mua tỷ giá trong tương lai để tránh rủi ro và hoạch định được bài toán rủi ro trong kinh doanh.
Còn với người dân, bài toán có thể tính thế này: Nếu trong ngắn hạn, người dân đang có nhu cầu cho con đi du học, đi khám chữa bệnh… thì tạm thời giữ ngoại tệ. Nhưng nếu không có nhu cầu thì bán ngoại tệ lấy VND gửi tiết kiệm sẽ có lời hơn. Dẫn chứng cho thấy, nếu gửi 2 tỷ đồng vào ngân hàng thì khách hàng nhận được tiền lãi là hơn 10 triệu đồng/tháng và tính cả năm là khoảng 130 triệu đồng. Trong khi đó, giữ USD từ đầu năm đến giờ mà bán thì chỉ lời được vài chục triệu đồng nhờ những ngày qua giá ngoại tệ tăng.
- Vậy theo ông, tại sao giá USD tự do vẫn cứ bị đẩy lên cao hơn so với trong hệ thống ngân hàng?
Yếu tố tâm lý như lời đồn về sự phá giá đồng tiền, đổi tiền... hay các vấn đề liên quan đến yếu tố mùa vụ, khi mà các DN cần USD để thanh toán, các ngân hàng kiểm soát khá chặt việc bán USD... Nhiều người lo ngại sẽ không có ngoại tệ nên đổ xô đi mua, giới đầu cơ tung tin nhằm hưởng lợi... thì giá ở thị trường chợ đen sẽ bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, NHNN đã phát đi thông điệp về việc cam kết sẽ bán ngoại tệ và đảm bảo nhu cầu chính đáng của cá nhân và DN. Với động thái này, từ đây đến cuối năm nay tỷ giá sẽ trong tầm kiểm soát. Đã có những lúc chúng ta thấy tỷ giá chợ đen ngang bằng hay thậm chí thấp hơn giá chính thức.
- Cảm ơn ông!
Kiều hối về TP.HCM năm nay dự kiến sẽ sụt giảm Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN, Chi nhánh TP HCM, trong những năm qua, lượng kiều hối về TP HCM thường tăng 10%/năm. Tuy nhiên, năm nay dự kiến sẽ sụt giảm. Cụ thể, lượng kiều hối về TP HCM ước đạt 5 tỷ USD trong cả năm nay, giảm hơn 500 triệu USD so với năm ngoái. Thông thường, lượng kiều hối về TP HCM trong quý IV/2016 chiếm 40-42% kiều hối cả năm và 60-62% lượng kiều hối đến từ Mỹ. Hiện, chưa có số liệu lượng kiều hối về TP HCM trong các lĩnh vực cụ thể, nhưng tính đến cuối quý III/2016, 71,9% kiều hối về TP HCM được chuyển thành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, 21,9% cho lĩnh vực bất động sản, 6,2% nhằm tháo gỡ khó khăn cho gia đình. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn