Một góc lò cao của Nhà máy luyện gang Thái Nguyên. Ảnh nguồn Báo Công Thương.
Theo ông chúng ta sẽ phải phát triển nguồn năng lượng gì để bù đắp lại khoản điện năng có thể bị thiếu hụt trong tương lai khi dừng triển khai điện hạt nhân?
Thế giới bây giờ đã thay đổi, khoa học công nghệ phát triển đã tìm thêm nguồn năng lượng mới, cho phép phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tôi được biết, có khoảng 10 nhóm nguồn năng lượng mới như pin năng lượng, dầu thực vật, chất phế thải của máy móc, năng lượng mặt trời, điện gió… Nhiều nước trong đó có Đức đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo làm cơ sở thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Về chiến lược, trước tiên Việt Nam có lợi thế về nguồn năng lượng lớn từ gió, có thể khai thác được tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Về lâu dài chúng ta có thể coi điện gió là chiến lược phát triển năng lượng. Nguồn thứ 2 là mặt trời, khi Việt Nam được coi là một trong những nước có độ phủ ánh sáng mặt trời lớn nhất trong bản đồ bức xạ thế giới. Lợi thế thứ 3 là chúng ta có bờ biển dài hơn 3,2 nghìn km, thềm lục địa có nhiều điểm hỗ trợ cho khai thác năng lượng thuỷ triều. Chúng ta cần lập dự án cho tương lai để giải quyết bài toán năng lượng, trong đó 3 trụ cột sẽ là điện gió, mặt trời và thuỷ triều.
Không lấy lỗ theo đuổi lỗ
Từ vấn đề dừng điện hạt nhân, dư luận “soi” sang dự án khác có nguy cơ gây thua lỗ. Theo ông có nên rà soát và tính đến việc dừng các dự án không hiệu quả, và có thể gây lãng phí nếu tiếp tục đầu tư?
Việc các dự án chưa đầu tư xong đã thua lỗ là dịp để chúng ta nhìn lại tầm nhìn về quy hoạch các ngành công nghiệp, cũng là dịp để xem lại các dự báo của chúng ta trước đây đã đúng chưa. Đây cũng là dịp để chúng ta mạnh dạn điều chỉnh lại chính sách đầu tư cho phù hợp với năng lực và tiềm năng.
“Đây là thời điểm rà lại các dự án khác, một mặt định vị lại năng lực của chính ngành công nghiệp mà ta xác định đầu tư từ giai đoạn trước, mặt khác định vị lại hướng đi sau này, xem việc đầu tư như vậy có thực sự kích hoạt cho ngành đó phát triển, hay đầu tư dở dang, không hiệu quả lại lấy lỗ theo đuổi lỗ?” Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
Khi phát hiện ra mấy nhà máy gây lãng phí lớn như: Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol, cồn sinh học… có nghĩa là chúng ta đã dũng cảm nhìn nhận lại hiệu quả đầu tư. Đây là thời điểm rà lại các dự án khác, một mặt định vị lại năng lực của chính ngành công nghiệp mà ta xác định đầu tư từ giai đoạn trước, mặt khác định vị lại hướng đi sau này, xem việc đầu tư như vậy có thực sự kích hoạt cho ngành đó phát triển hay chưa. Hay đầu tư dở dang, không hiệu quả lại lấy lỗ theo đuổi lỗ, rất không nên. Đây là một cách nhìn nhận mới, thể hiện sự dũng cảm, nhìn thẳng vào sai sót trước để mà khắc phục.
Nói cách khác đây chính là một bài học về tầm nhìn trong đầu tư?
Nói về tầm nhìn đầu tư là quá trình phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn, trong đó có cả sự vào cuộc của các nhà khoa học. Tôi đánh giá rất cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã truyền đạt qua Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, làm sao các nhà khoa học, viện nghiên cứu phải gửi nhanh đến cho Thủ tướng các đề xuất về chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Điều này thể hiện năng lực lắng nghe của chính quyền đối với nhân dân đặc biệt là lắng nghe giới tinh hoa.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Tự nhìn lại mình
Trên thực tế còn những dự án gây ý kiến băn khoăn trái chiều trong dư luận, theo ông Quốc hội có rút ra bài học gì khi phê duyệt chủ trương đầu tư?
Không chỉ Quốc hội mà các cơ quan khác, trong đó có Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và cả hệ thống nói chung phải nhìn nhận lại mình. Đó là tầm nhìn chính sách có ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của đất nước hay không. Từng thiết chế một phải rút ra bài học từ việc hoạch định chính sách, xác định chủ trương và thực hiện quyết tâm triển khai như thế nào.
Thế còn bài học mà lâu nay người ta vẫn quen gọi là “tư duy nhiệm kỳ” thì sao, thưa ông?
Cái này có. Không loại trừ có một bộ phận cán bộ muốn có điểm nhấn cho mình nên nôn nóng thực hiện chính sách, chủ trương để thực hiện công trình nào đó, mong muốn để lại cho đời và ghi dấu ấn của mình. Chuyện đó có, nhưng chúng ta cũng nên xem xét bằng hai nhãn quan, đó là điều kiện lịch sử và bối cảnh họ thực hiện.
Cần phân biệt, nếu là động cơ phục vụ chung cho đất nước thì ta chia sẻ, vì khi đó nếu việc đầu tư dự án không hiệu quả là do tầm nhìn hạn chế, do năng lực của cán bộ. Ngược lại việc đầu tư, làm một công trình nào đó chỉ vì muốn nổi danh cá nhân, đánh dấu nhiệm kỳ, dẫn đến đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí thì phải xem xét trách nhiệm.
Để hạn chế việc đầu tư lãng phí, thất thoát, phải chăng công tác giám sát của Quốc hội cần phải nâng cao hơn nữa?
Đúng vậy! Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình. Không chỉ chức năng giám sát, mà phải nói đến mối quan hệ giữa lập pháp và giám sát. Hai chức năng cơ bản của Quốc hội và cần có sự cân bằng giữa hai chức năng này. Nói cách khác, lập pháp và giám sát là “hai chân” mà Quốc hội phải bước hết sức đều, không thiên về bên nào cả, có như vậy Quốc hội mới thực hiện được tốt sứ mệnh của mình.
Cảm ơn ông!
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn