Trong vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chủ trương không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán . Chính điều này đã khiến các “chợ” đổi tiền tấp nập mỗi khi Tết đến.
Thị trường tiền lẻ, nhất là loại mệnh giá thấp phục vụ đi lễ sôi động - Ảnh: Khánh Linh
Càng mệnh giá thấp càng đắt
Nghe có khách hỏi tiền lẻ, một người phụ nữ trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chào mời với đủ loại tiền lẻ mới. Chị này cho biết, chị có đủ các loại mệnh giá. Tuy nhiên, các loại tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Ví dụ loại 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng thì tỷ lệ đổi là 10 “ăn” 8. Với các loại mệnh giá lớn hơn như 10.000 đồng và 20.000 đồng thì tỷ lệ đổi là 10 “ăn” 8,5. Nếu đổi nhiều thì loại 10.000 hay 20.000 có thể giảm chút ít thành 10 ăn 9. Còn tiền lẻ nhỏ thì không giảm được. “Không đổi nhanh mấy ngày nữa không có mà đổi”, chị này khẳng định và giải thích, càng những ngày cận Tết thì phí đổi sẽ càng đắt.
Tại một điểm đổi tiền lẻ kiêm trông xe cho khách vào viếng chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), khi khách hỏi đổi tiền lẻ, bà chủ cửa hàng bán đồ vàng hương cho biết: Ở đây chỉ có tiền dưới 5.000 đồng, chủ yếu phục vụ khách đi chùa. Với các loại mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng và 500 đồng đều áp dụng chung tỷ lệ đổi là 10 “ăn” 7 và không mặc cả. Thậm chí, nếu là tiền mới và còn nguyên seri thì phí đổi còn đắt hơn.
Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền in mới dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng. |
Không chỉ sôi động trên các điểm đổi truyền thống, tiền lẻ rao trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Google+, Linked in cũng khá nhộn nhịp. Giá đổi tiền lẻ tại các trang này phổ biến là tỷ lệ 10 “ăn” 8 với đủ các loại mệnh giá. Một số trang còn quảng cáo tiền nguyên seri và còn mới. Một số chủ tài khoản còn nhận giao hàng miễn phí tận nơi. Tuy nhiên, theo một chủ tài khoản đổi tiền trên facebook, khi giao tiền, khách hàng hãy kiểm đếm cẩn thận để tránh thiếu số lượng hay không đủ seri.
Nhiều ngân hàng “cháy” tiền lẻ
Trong khi các “chợ” đổi tiền trên sôi động, nhộn nhịp thì tại các ngân hàng người dân tới đổi tiền cũng tấp nập. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng chỉ đổi được các loại tiền mệnh giá lớn như 20.000 đồng, 50.000 đồng hay 100.000 đồng. Chị Phan Quỳnh Hoa (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày 6/2 chị ra phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại trên đường Kim Đồng để đổi tiền lẻ mừng tuổi dịp Tết nhưng chỉ đổi được mấy “tép” tiền 50.000 đồng và 100.000 đồng. “Tiền 20.000 đồng hay 10.000 đồng ngân hàng cho biết không có”, chị Hoa thông tin. Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh cho biết, tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng rất ít. “Tôi nhận đổi cho người thân và bạn bè nhưng cũng chỉ đổi được loại 20.000 đồng trở lên và số lượng cũng hạn chế”, nhân viên này nói và cho biết, sang đến ngày 7/2 không nhận đổi tiền giúp ai vì tiền lẻ còn để dành cho khách hàng VIP, khách hàng truyền thống và khách giao dịch nhiều.
Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, NHNN cho biết, với các loại tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng cơ quan này đã cung ứng đủ từ đầu tháng 4 đến tháng 11. Trong dịp Tết Nguyên đán, NHNN cũng khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt. Ông Lâm cung cấp thông tin, NHNN đã dự tính để điều chuyển lượng tiền mặt tăng 20% so với Tết năm ngoái. Công tác tiền mặt vẫn được thực hiện khẩn trương tới những ngày cận Tết. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dù không cung ứng tiền nhỏ lẻ mới in ra thị trường dịp Tết Nguyên đán nhưng về nguyên tắc, NHNN vẫn đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ mới) để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn