Tuần trước, hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc Hanjin tuyên bố phá sản đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu. Động thái này diễn ra sau khi các ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Hanjin và các cảng biển từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha, Mỹ và Canada từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng.
Hanjin là hãng vận tải tàu container lớn thứ 7 thế giới. Đây có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986. Sự việc lại diễn ra vào chính thời điểm sôi động nhất hàng năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các kỳ nghỉ cuối năm. Hiện nhiều khách hàng của Hanjin cũng chưa tìm được đối tác thay thế.
Trong thông cáo phát đi ngay sau sự kiện trên, Bộ Công Thương cho biết, ngày 31/8/2016, Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016.
Theo Bộ Công Thương, việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh gặp khó khăn không nhỏ. Với thị phần chiếm khoảng 5%, việc Hanjin phá sản cũng khiến tất cả các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động.
“Các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng. Trước mắt, mức cước phí của một số tuyến đường biển sẽ tăng do thiếu tàu, những đơn hàng đã đặt Hanjin sẽ phải chuyển sang hãng khác dù giá có thể cao hơn”, vị này cho biết.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, theo tin từ giới kinh doanh vận tải biển, hiện các chủ hàng ở Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc Hanjin đang rất lo lắng vì việc giải phóng hàng hóa của họ trên các con tàu của hãng, trước thông tin hãng này gặp nguy cơ phá sản. Tàu của hãng Hanjin không dám ghé nhiều cảng quốc tế ở châu Á, châu Âu và Mỹ do sợ bị giữ. Các cảng ở Trung Quốc và Tây Ban Nha đã từ chối tiếp nhận các tàu của Hanjin cập cảng.
Tin từ một số công ty logistics tại TPHCM xác nhận, hiện tại văn phòng Hanjin Việt Nam đã có sự thay đổi về việc cược container cho hàng nhập khi tới lấy lệnh, các mức phí đã được tăng lên đáng kể. Giá cược container cho hàng khô là 8 triệu đồng với 20 feet và 16 triệu đồng cho 40-45 feet. Với container lạnh lần lượt là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng.
Liên quan đến vụ việc này, sáng ngày 1/9/2016, văn phòng VASEP đã có thông báo khẩn gửi đến các doanh nghiệp hội viên, lưu ý các doanh nghiệp về thông tin liên quan đến hãng tàu Hanjin.
Nhiều chủ hàng, đại lý vận tải cũng phản ánh về việc “trở tay không kịp” trước thông tin Hanjin đột ngột tuyên bố phá sản. Trong số đó, nhiều trường hợp, hàng đang long đong trên biển và không biết có lấy được không bởi hiện nhiều cảng trên thế giới đã không cho tàu Hanjin cập cảng hoặc đã thu giữ tàu.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, một số lô hàng của công ty đang được Hanjin vận chuyển trong đợt này. Và hiện công ty đang tìm cách để rút hàng khỏi container của hãng. Ngoài việc phải mất chi phí để rút hàng, nhiều khả năng hàng sẽ còn không kịp giao đúng hẹn cho khách gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trước tình thế trên, Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khuyến cáo, các đơn vị có hàng booking với Hajin phải thuê Công ty luật tại Hàn Quốc liên hệ với toà án thụ lý tài sản (courtreceiveship) để hỏi về trình tự, thủ tục giải quyết hàng đã booked với Hanjin hiện đang ở cảng bốc hàng/cảng chuyển tải/cảng trả hàng.
Tuy nhiên, như vậy sẽ phải tốn phí luật sư, phải chờ vì hiện nay Courtreceiveship chưa tuyên bố phá sản. Trong khi đó, quá trình kiện tụng quốc tế rất mất thời gian và phức tạp bởi theo nguyên tắc sau khi thu hồi hết công nợ, thông thường hãng tàu phá sản sẽ ưu tiên cho các loại chủ nợ gồm cổ đông, các nhà cung cấp dịch vụ rồi mới đến khách hàng. Nếu đợi đến lúc chia cho khách hàng thì có thể cũng chẳng còn tiền. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm cách rút hàng, bảo đảm được hàng hóa của mình là tốt nhất.
Trước mắt, VLA khuyến nghị các chủ hàng làm việc với Cảng vụ hàng hải/Hải quan/Hanjin hoặc đại lý của Hanjin để làm rõ thủ tục và thời gian cần thiết để giải quyết hàng hóa cũng như chi tiết các khoản chi phí phát sinh. Đồng thời, tập hợp đầy đủ mọi chứng từ về chi phí phát sinh để giao cho bên liên quan hoặc tự lưu giữ để xuất trình cho Courtreceiveship để giải quyết theo luật phá sản được áp dụng.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn