Foxconn Technology Group hiện là nhà sản xuất các thiết bị điện tử lớn nhất thế giới chuyên "đánh thuê" với các sản phẩm thuộc hàng best-selling như iPhone, Kindle và PlayStation. Sắp tới đây, hãng sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế của mình để mang tiền mã hoá đến với mọi người.
Nói vậy không có nghĩa Foxconn sẽ biếu không cho khách hàng Bitcoin hay Ether, mà thực ra, một công ty con của Foxconn vừa đồng ý giúp Sirin Labs phát triển và sản xuất một chiếc điện thoại blockchain. Thiết bị mới này có tên gọi là Finney, được thiết kế nhằm giúp người dùng lưu trữ và sử dụng các đồng tiền số (như Bitcoin) cũng như các dịch vụ liên quan một cách an toàn.
Dù hàng triệu người trên toàn cầu đã và đang sở hữu Bitcoin, nhưng lại có khá ít người sử dụng chúng cho các giao dịch hàng ngày. Để phòng chống trộm cắp, chủ sở hữu các đồng tiền này phải giữ chúng trong các thẻ nhớ đặc biệt và chỉ sử dụng khi cần thiết, chưa kể phải nhớ các username và password dài hàng tá ký tự phức tạp.
Với trải nghiệm người dùng hiện tại, "mọi người sẽ không bao giờ hiểu được (tiền mã hoá)" - CEO của Siron Moshe Hogeg nói - "Chẳng có cách nào để mẹ tôi có thể biết cách dùng Bitcoin, mà bà thì rất thông minh đấy".
Theo hãng tin Bloomberg thì Sirin đã thu về 158 triệu USD trong một đợt ICO hồi tháng 12, cùng 70 triệu USD thu về trước đó, để phục vụ triển khai dự án này. Chiếc điện thoại blockchain của hãng sẽ đến tay người dùng vào tháng 10, và dự kiến Sirin sẽ bán máy tại 8 cửa hàng mới lập nên ở các quốc gia với cộng đồng tiền mã hoá sôi động như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Hogeg cho biết ông hi vọng các nhà mạng cũng sẽ bán điện thoại Finney, và hiện đã có hơn 25.000 đơn đặt hàng. Sirin tham vọng bán được từ 100.000 đến vài triệu chiếc trong năm nay.
Thiết bị sẽ tích hợp mọi loại token, cho phép người chủ mua bán trên các trang web hỗ trợ tiền mã hoá như Overstock.com và Expedia, chuyển đổi tiền mặt sang các loại token đặc dụng nếu cần. Người dùng còn có thể kích hoạt Wi-Fi trong khi di chuyển và được các tài xế xe bus trả token vì cho "dùng ké" mạng di động.
Các vấn đề an toàn
Sirin cho biết Finney sẽ đảm nhiệm mọi dịch vụ liên quan tiền mã hoá khi người dùng kích hoạt một chốt vật lý. Thay vì bảo mật bằng một địa chỉ và khoá bí mật phức tạp, Sirin sẽ xác nhận danh tính người dùng bằng máy quét mống mắn, vân tay hay một mật mã đơn giản.
Dù kiến trúc của thiết bị có vẻ an toàn, nhưng vẫn có nguy cơ những tên cướp bắt cóc chủ sở hữu Finney và truy cập các ví tiền mã hoá bằng vũ lực - Matt Suiche, nhà sáng lập công ty bảo mật Comae Technologies cho biết.
"Nhìn qua thì thiết kế của điện thoại này quá nổi bật - có thể để thu hút sự chú ý của công chúng nhằm bán hàng tốt hơn. Nhưng nó cũng sẽ khiến người dùng dễ dàng bị lọt vào tầm ngắm" - Suiche nói.
Sirin hi vọng sẽ có thể nhượng quyền công nghệ của hãng cho các nhà sản xuất điện thoại khác. Những thoả thuận về phần mềm như vậy có thể làm hạ giá của Finney từ 1.000 USD xuống chỉ còn 200 USD mà thôi.
"Tôi nghĩ tôi có thể bán nó trên thị trường điện thoại đại chúng lớn, khi mà cải tiến trên điện thoại đã bão hoà" - Hogeg nói. Ông đang kỳ vọng vào các thoả thuận với hai nhà sản xuất nhỏ hơn, và đang xúc tiến thảo luận với một nhà cung ứng hàng đầu (Sirin đang có những cuộc gặp gỡ với Huawei Technologies). Foxconn từ chối bình luận về điều này.
"Để lượng người dùng ban đầu có thể thực sự tăng trưởng, các giải pháp cần phải tương thích với phần cứng hiện tại và tập trung vào những bộ phận người dùng rộng hơn" - Lucas Nuzzi, một chuyên viên phân tích tại Digital Asset Research cho biết.
Các đối thủ
Sirin hi vọng có thể bán Finney ra thị trường đại chúng trước các đối thủ cạnh tranh như Zippie và BitVault. Zippie - công ty vừa thu về 30 triệu USD trong một đợt ICO hồi tháng 2 - đã lập nên một nhóm 10 người với kinh nghiệm làm việc tại Nokia và Jolla, một công ty hệ điều hành di động. Startup này cũng sẽ nhượng quyền phần mềm của mình cho các nhà sản xuất phần cứng - theo lời nhà sáng lập Antti Saarnio. BitVault thì đã chuyển một số thiết bị đến thị trường châu Á để đánh giá về mặt ứng dụng quân sự, và hiện đang xem xét chuyển các điện thoại blockchain của mình trực tiếp đến ngừời tiêu dùng.
Liệu Sirin có thể biến sản phẩm này thành một "bom tấn" hay không, không ai biết. Trước đó, một vài dự án đầu tư mạo hiểm của Hogeg đã không đạt được kết quả như mong đợi. Hơn nữa, hâu hết mọi người chưa từng dùng tiền mã hoá hay blockchain. Chỉ 8% người Mỹ từng đầu tư và token số mà thôi.
Đó là chưa kể thị trường di động là một nơi cực kỳ khốc liệt. Nhưng Hogeg không nản lòng.
"Tôi muốn làm thứ gì đó tốt hơn trải nghiệm người dùng hiện tại" - ông nói - "Đến cuối cùng, khi bạn nhìn lại Vạn lý trường thành, lúc đầu chỉ có một người đặt một viên gạch nhỏ vào vị trí đó thôi. Sau đó từng người từng người một làm tiếp việc đó. Và chúng tôi có thể làm chiếc điện thoại này từng bước một".
Minh.T.T
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn