Vivo V7+ tiếp tục kế thừa các tính năng tập trung vào camera selfie của các thế hệ smartphone gần đây của thương hiệu điện thoại Trung Quốc Vivo như V5 hay V5 Plus. Điểm mới của sản phẩm chủ yếu nằm ở thiết kế màn hình viền mỏng mà hãng này gọi là Full View.
Vivo V7+
Cũng giống như các công ty smartphone đến từ Trung Quốc khác, Vivo đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng viền màn hình mỏng cũng như tỷ lệ màn hình 18:9 và đưa vào sản phẩm ở phân khúc tầm trung của họ.
Chiếc Vivo V7+ mà VnReview.vn sử dụng trong bài viết này do Vivo cung cấp và là bản thương mại. Chi tiết đáng chú ý nhất của V7+ nằm ở màn hình tỷ lệ 18:9 với viền mỏng gọn và camera selfie tới 24MP ở mặt trước. Song khá bất ngờ là với mức giá 7,99 triệu đồng mà nhà sản xuất lại chỉ trang bị cho sản phẩm bộ vi xử lý tầm thấp là Qualcomm Snapdragon 450 tám nhân (lõi Cortex A53 xung nhịp tối đa 1.8 GHz, tiến trình 14nm, GPU Adreno 506) cùng với 4GB RAM, 64GB bộ nhớ trong.
Thiết kế và đóng gói
Sản phẩm được đóng gói trong hộp giấy hình chữ nhật màu trắng tương tự như các smartphone khác, điểm đáng chú ý trên phần vỏ hộp là việc Vivo "khoe khéo" họ là nhà tài trợ chính cho World Cup 2018 tổ chức tại Nga vào năm tới. Sau khi khui seal chúng tôi nhận thấy sản phẩm đã được nhà sản xuất Trung Quốc dán sẵn miếng dán màn hình giống như các điện thoại Oppo dù màn hình của máy theo Vivo công bố là đã được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass 3.
Sản phẩm được đóng gói kèm các phụ kiện cơ bản như sạc, cáp, tai nghe, que chọc SIM và sách hướng dẫn nhanh bằng tiếng Việt.
Ở ngoài hộp có logo FIFA World Cup 2018 (tổ chức tại Nga vào năm sau), giải đấu mà Vivo tham gia tài trợ smartphone chính thức.
Củ sạc đi kèm không phải là sạc nhanh, cường độ đầu ra ra chỉ đạt 1.6A
Mặt trước máy trang bị camera selfie độ phân giải lên tới 24MP đặt ở bên trái, đối xứng phía bên kia loa thoại là cảm biến tiệm cận và chiếc đèn LED trợ sáng khá lớn.
Tỷ lệ màn hình 18:9 và viền mỏng đã giúp máy trông khá gọn dù có màn hình xấp xỉ 6 inch
Vivo V7+ có một số thay đổi về thiết kế so với các smartphone thế hệ trước đó của công ty. Thay đổi dễ thấy nhất nằm ở viền màn hình và tỷ lệ màn hình, máy sử dụng màn hình theo tỷ lệ 18:9 thay vì 16:9 như trước, bắt kịp xu hướng các flagship của Samsung, LG và Apple hiện nay, không những vậy họ còn sử dụng thiết kế mỏng hóa viền màn hình tương tự LG G6.
Nhìn chung, thiết kế này mang lại trải nghiệm khá mới mẻ, giúp máy trông nhỏ gọn hơn so với những chiếc máy có cùng kích cỡ màn hình.
Máy có thiết kế kim loại nguyên khối với chất lượng hoàn thiện khá, tương tự như nhiều smartphone Trung Quốc hiện nay. Vivo sử dụng thiết kế viền ăn-ten kép mỏng ở hai đầu lưng máy "na ná" iPhone. Sự phân cấp dễ thấy trong thiết kế nằm ở chỗ máy chỉ dùng cổng sạc mini USB cũ kỹ bất tiện thay vì dùng chuẩn Type-C tiện lợi đang dần phổ biến hiện nay. Mặt sau của máy được bố trí khá đơn giản với cụm camera và đèn LED đặt ở góc trên, phía dưới lần lượt là cảm biến vân tay một chạm, logo Vivo và dòng chữ ghi chú về sản phẩm.
Máy sử dụng thiết kế bo tròn 4 góc và mặt lưng có độ nhám nhẹ nên mang lại cảm giác cầm nắm dễ chịu. Tuy nhiên, Vivo V7+ sử dụng tỷ lệ màn hình 18:9 nên khá dài khiến việc sử dụng một tay không thực sự thuận lợi, nhất là với nữ giới.
Mặt sau máy khá đơn giản
Dải ăng ten mỏng đặt hai đầu máy khá giống với iPhone
Máy vẫn giữ jack cắm tai nghe 3.5mm và cổng giao tiếp Mini USB 2.0
Camera lồi lên khá nhiều, độ hoàn thiện của máy ổn, không có he khở nào đáng kể giữa các khu vực tiếp giáp giữa các mép cạnh.
Máy có màn hình gần 6 inch nên dù đã thu gọn viền rất mỏng và kéo dài màn hình sang tỷ lệ 18:9 nhưng vẫn hơi to (và dài) so với bàn tay của các chị em phụ nữ.
Màn hình
Vivo V7+ đánh dấu bước ngoặt mới của Vivo khi công ty này hòa theo trào lưu viền màn hình mỏng và tỷ lệ màn hình 18:9, thay đổi này khá tích cực và ít nhiều hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm mới mẻ. Thực tế cho thấy màn hình của máy có chất lượng khá ổn, màu sắc hiển thị trung tính và hơi ám hồng nhẹ. Bên cạnh đó, viền màn hình mỏng giúp máy thanh thoát hơn so với các smartphone cùng kích thước và nhờ đó có nhiều không gian hiển thị nội dung hơn.
Đáng tiếc là Vivo V7+ có kích cỡ màn hình LCD IPS 5.99 inch nhưng độ phân giải chỉ dừng lại ở mức HD (720 x 1440 pixel) thay vì Full HD như một số đối thủ trong cùng phân khúc, chưa kể dù viền màn hình mỏng nhưng phía trong vẫn còn một dải đen có độ dày cỡ 0.5mm khá phí phạm và cái giá của viền mỏng nằm ở việc Vivo phải đưa dãy phím điều hướng vào trong màn hình.
Về phần âm thanh, máy có chất lượng loa ngoài lẫn loa thoại chỉ ở mức trung bình do không dùng loa stereo mà chỉ sử dụng loa đơn. Theo công bố tại buổi ra mắt, Vivo V7+ sử dụng máy trang bị chip âm thanh Hi-Fi AK4376A giúp trải nghiệm âm thanh chất lượng cao nhưng khá kỳ lạ khi tai nghe đi kèm máy chỉ là tai thường (không hỗ trợ Hi-Res) và chất lượng chỉ ở mức... chống cháy. Do vậy, nếu bạn muốn tận dụng chip Hi-Fi tích hợp sẵn trên V7+ thì nên bỏ tiền mua thêm một chiếc tai nghe chất lượng thay vì dùng tai nghe đi theo máy.
Phần mềm và hiệu năng
Vivo không thay đổi nhiều về phần mềm, họ vẫn sử dụng giao diện Funtouch 3.2 (dựa trên nền tảng Android 7.1) và thiết kế icon như các thiết bị trước đó của mình. Tuy nhiên, nhìn chung giao diện của máy khá chỉn chu, không cẩu thả như cách mà Mobiistar và một vài hãng gặp phải.
Giao diện, thanh công cụ và tiện ích quản lý ứng dụng chạy nền của Vivo V7+
Vivo V7+ sử dụng cách tiếp cận của iOS với việc bố trí thanh thông báo ở phía trên và bảng quản lý công cụ vuốt từ dưới lên. Đáng chú ý, máy có tích hợp tính năng nhận diện khuôn mặt tương tự Galaxy S8 và Note8, tốc độ nhận diện khá nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dùng nên dùng thêm giải pháp bảo mật bằng mã PIN và vân tay, vì công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với các smartphone giá rẻ.
Giao diện cài đặt nhận diện khuôn mặt
Bên cạnh đó, Vivo cũng tích hợp một số công cụ tiện ích khá hữu dụng như: Tương tác nhiều màn hình, Chia đôi màn hình, Chế độ sử dụng một tay, Nhân bản ứng dụng, Chế độ trò chơi, quản lý kết nối OTG, đài FM...
Máy sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 450 tám nhân xung nhịp 1.8GHz, hỗ trợ 4G. Vivo V7+ khá hào phóng khi trang bị 4GB RAM, 64GB bộ nhớ trong, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Máy chạy trên nền Android 7.1.2 khá mới với tùy biến giao diện FunTouch OS 3.2 cùng thỏi pin dung lượng 3.225mAh.
Cấu hình này kết hợp với màn hình 5.99 inch độ phân giải HD giúp máy có trải nghiệm các tác vụ thông thường hằng ngày mượt, không gặp hiện tượng giật lag và thời lượng pin tốt. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất của chúng tôi cũng xảy ra, vi xử lý Snapdragon 450 của máy đã bộc lộ điểm yếu trong các tác vụ nặng như game 3D phức tạp, điều này ít nhiều được phản ánh qua các kết quả benchmark dưới đây.
Điểm AnTuTu đánh giá hiệu năng tổng thể của máy
Điểm GeekBench đo hiệu năng của xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU
Điểm GFXBench Manhattan đo hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU ở độ phân giải thực của máy (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn (Full-HD)
Các phép đo hiệu năng cho thấy, việc dùng vi xử lý yếu đã khiến hiệu năng của Vivo V7+ không nổi trội hơn các đối thủ trong cùng phân khúc, thậm chí còn thua kém trong hầu hết các phép benchmark. Sản phẩm chỉ thực sự "tỏa sáng" khi đọ sức về pin, có thể nói điều này ít nhiều có sự đóng góp (và đánh đổi) của màn hình 5.99 inch dùng độ phân giải... HD, một độ phân giải thấp so với kích thước của nó.
Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Chụp ảnh và... selfie
Cụm camera chính của máy đặt ở phía sau lưng lồi lên khá nhiều, bạn nên dùng ốp lưng để tránh bị trầy xước.
Không giống như các ông lớn khác, Vivo không chạy đua về camera sau mà tập trung vào selfie, tương tự cách tiếp cận của OPPO. Máy trang bị cụm camera chính phía sau có độ phân giải 16MP khẩu độ f/2.0, hỗ trợ lấy nét theo pha và sử dụng đèn LED trợ sáng. Cụm camera này bố trí ở góc trái phía sau lưng máy và có thiết kế lồi lên kha khá. Trong khi đó, cụm camera phía trước có độ phân giải lên tới 24MP, có đèn LED trợ sáng mà hãng gọi là Moon-light cùng chế độ làm đẹp.
Giao diện chụp ảnh của Vivo V7+
Cũng như các thiết bị trước đây của Vivo, phần mềm camera của máy có giao diện khá giống với iOS. Tuy nhiên, điểm đáng khen là họ đã tích hợp thêm một số tính năng hữu ích như chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp (cho phép can thiệp các thông số thủ công), chế độ chụp ảnh chuyển động chậm (Slow-Motion), chụp ảnh tua nhanh (Timelapse), chế độ chụp Ultra HD và nhất là các bộ lọc màu (filter) khá phong phú.
Các bộ lọc màu tích hợp sẵn trên phần mềm camera của máy
Trải nghiệm thực tế cho thấy, chất lượng camera chính của máy chỉ dừng lại ở mức đủ dùng, khá ổn khi chụp ban ngày nhưng nhanh chóng suy giảm chất lượng và tốc độ lấy nét khi phải chụp trong các điều kiện ánh sáng yếu hoặc buổi tối, HDR cũng chỉ ở mức trung bình và chế độ chụp Ultra HD không cải thiện gì nhiều ngoài việc tăng độ phân giải bức ảnh lên 4K (và kéo theo dung lượng ảnh tăng lên... gấp 3). Độ tái tạo chi tiết và màu sắc chỉ dừng lại ở mức khá khi đủ sáng và bệt nặng khi thiếu sáng.
Các bộ lọc màu khác nhau giúp ảnh chụp thú vị hơn
Bù lại, một loạt bộ bộ lọc khá hữu ích trong việc "sáng tác" ảnh, giúp bạn thể hiện các gam màu cũng như ý đồ dễ hơn khi chụp. Bạn cũng có thể tận dụng nó để che lấp một vài khuyết điểm của camera trong một vài tình huống nhất định.
Dưới đây là một vài ảnh chụp từ camera chính của máy (nhấp vào để xem ảnh gốc):
Chụp vào buổi tối ở trong nhà
Chụp ngược sáng (tắt HDR)
Chụp ngược sáng (bật HDR)
Chụp ngoài trời ở các bộ lọc màu (giả lập) khác nhau
Chụp trong nhà ở chế độ tự động không áp dụng bộ lọc màu
Tâm điểm của máy vẫn là selfie 24MP khẩu độ f/2.0 đặt ở mặt trước, nên không ngạc nhiên khi Vivo trang bị chế độ chụp xóa phông (chỉ kích hoạt khi chuyển qua camera selfie) cùng các công cụ "làm đẹp" phong phú trong tùy chọn "Khuôn mặt đẹp" như đánh bóng (Shadows), màu da và làm trắng với nhiều cấp độ khác nhau...
Để hạn chế rung tay và tiện lợi hơn khi chụp "tự sướng", Vivo đã tận dụng cảm biến vân tay phía sau để hỗ trợ chụp selfie, bổ sung này khá hữu ích nhất là khi máy có kích thước dài và hơi to so với bàn tay các chị em.
Giao diện camera selfie
Trải nghiệm thực tế cho thấy, chất lượng camera selfie phía trước máy tốt hơn các smartphone thế hệ trước của Vivo, độ chi tiết ổn kể cả trong trường hợp thiếu sáng. Đèn flash trợ sáng chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết và điểm trừ là chế độ chụp ảnh selfie nhóm không hiệu quả, không dễ để thao tác do chế độ này hoạt động theo nguyên lý chụp ảnh panorama và việc ghép ảnh dễ bị lệch hình.
Ảnh chụp từ camera selfie của máy (nhấp vào để xem ảnh gốc)
Chức năng xóa phông (chế độ chân dung) cho camera selfie khá ổn nhưng không thực sự cần thiết, vì thực tế khi chị em "tự sướng" là lúc họ muốn chụp cùng background... "sống ảo" và do vậy ít có nhu cầu... xóa phông.
Ảnh selfie ở chế độ thường (bên trái) và ở chế độ xóa phông
Ảnh chụp selfie từ camera của máy ở điều kiện ánh sáng đèn neon ban đêm ngược sáng (bức ngoài cùng bên trái, có bật đèn LED trợ sáng), ở điều kiện ban đêm (ở giữa, tắt đèn LED trợ sáng) và ở điều kiện ánh sáng tự nhiên ban ngày (bức ngoài cùng bên phải).
Ảnh crop 100% từ bức ảnh selfie phía phải của ảnh bên trên
Thay lời kết
Với việc chạy đua viền màn hình siêu mỏng và tỷ lệ màn hình 18:9 (mà một số hãng gọi là FullView hay... vô cực), ít nhiều giúp người dùng được hưởng lợi. Vivo V7+ cũng không nằm ngoài trào lưu ấy và họ còn làm được nhiều hơn khi đưa chip âm thanh Hi-Fi cũng như công nghệ nhận diện khuôn mặt vào một smartphone có mức giá 8 triệu đồng.
Thật đáng tiếc khi điểm mạnh của máy lại không nằm ở hiệu năng mà lại nằm ở thời lượng pin và camera selfie cùng bộ lọc màu phong phú tích hợp sẵn trên phần mềm camera, điều này chủ yếu do Vivo đã lựa chọn một vi xử lý giá rẻ của Qualcomm thay vì sử dụng một vi xử lý tương xứng hơn như Snapdragon 625.
Do vậy, nếu bạn quan tâm nhiều về hiệu năng cũng như độ phân giải màn hình thì có thể tìm tới các lựa chọn khác đáng chú ý hơn với mức giá rẻ hơn như Huawei Nova 2i (cấu hình và thiết kế tương đồng nhưng giá chỉ 6 triệu đồng) hay Sony Xperia XA1 Plus (hiệu năng ổn, camera chất lượng tốt), HTC 10 Evo (màn hình độ phân giải 2K, hiệu năng mạnh mẽ)... Nhưng nếu bỏ qua về mức giá và bạn có nhu cầu selfie theo phong cách "ảo diệu", quan tâm tới thời lượng pin, muốn trải nghiệm chức năng nhận diện khuôn mặt trong một smartphone tầm trung cùng thiết kế màn hình viền mỏng với tỷ lệ 18:9 thì Vivo V7+ là một lựa chọn đáng để tham khảo.
Ưu điểm:
- Tích hợp nhận diện khuôn mặt và chip âm thanh Hi-Fi
- Camera selfie độ phân giải lớn và khá "ảo", nịnh mắt, có nhiều bộ lọc thú vị
- Viền màn hình mỏng, tỷ lệ màn hình 18:9
- Thời lượng pin tốt
Hạn chế:
- Độ phân giải màn hình chỉ dừng lại ở HD
- Chất lượng phụ kiện chỉ ở mức cơ bản
- Chip xử lý yếu, hiệu năng trung bình
TM
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn