Thế hệ thứ hai của dòng điện thoại module Moto Z Play được ra mắt cách đây gần 1 năm, Moto Z2 Play tiếp tục tập trung vào trải nghiệm gắn liền với các Mods (module tăng cường) bán kèm trong khi cấu hình cấu hình hầu như không có nhiều thay đổi so với thế hệ đầu tiên.
> Moto Z2 Play tại Việt Nam giá 11 triệu đồng, bán kèm bộ Moto Mods mới
> Đánh giá Moto Z Play: thú vị hơn nhiều với phụ kiện Moto Mods
Nếu chỉ lướt qua thì sự khác biệt bề ngoài lẫn cấu hình của máy thì người dùng sẽ cảm thấy Moto Z2 Play có quá ít thay đổi so với mẫu smartphone tiền nhiệm của nó. Cụ thể, phiên bản Moto Z2 Play tại Việt Nam dùng chip Qualcomm MSM8953-Pro Snapdragon 626 tám nhân, đây thực chất là bản ép xung nhẹ của vi xử lý Snapdragon 625 trên Moto Z Play trước đó, nâng xung của máy lên 2.21 GHz. Đây cũng là lý do nếu bạn dùng app CPU-Z sẽ chỉ thấy phần mềm báo dùng Snapdragon 825 (nhưng xung nhịp 2.21 GHz) thay vì 826, bạn có thể dùng các ứng dụng kiểm tra phần cứng chuyên sâu hơn như Device Info HW mới thấy chính xác model của SoC này.
Các cấu hình còn lại gần như tương đồng với thế hệ cũ, ngoại trừ camera chính có độ phân giải thấp hơn (12MP thay vì 16MP) nhưng đạt kích cỡ điểm ảnh lớn hơn, hứa hẹn chụp thiếu sáng tốt hơn. Ngoài ra, máy cũng có thiết kế mỏng hơn một chút.
Ưu điểm:
- Thời lượng pin tốt
- Hiệu năng tổng thể ổn
- Có khả năng mở rộng tính năng thông qua các phụ kiện Moto Mods
Nhược điểm:
- Viền dày, cảm biến vân tay bố trí chưa thực sự hợp lý
- Giá phụ kiện mở rộng còn cao
- Thiết kế cũ
Moto Z2 Play và các phụ kiện Moto Mods
Thiết kế
Hơi khó hiểu khi Motorola tiếp tục bê gần nguyên thiết kế của thế hệ Z Play cũ sang Z2 Play, dù biết rằng hãng tập trung vào trải nghiệm người dùng cũng như sự hỗ trợ dành cho Moto Mods thế hệ mới.
Máy tiếp tục sử dụng ngôn ngữ thiết kế tương đồng với thế hệ trước đó và na ná Nexus 6 (do Motorola sản xuất). Cụ thể, Z2 Play có kiểu dáng tròn trịa với 4 cạnh vuốt cong và phần viền dày ở hai đầu. Kích thước của máy không quá lớn, kết hợp với thiết kế này giúp cảm giác cầm nắm dễ dàng.
Điểm khác biệt rõ nhất nằm ở mặt trước, thay vì sử dụng nút cảm biến vân tay hình vuông như đời đầu, Z2 Play chuyển qua sử dụng nút cảm biến vân tay hình bầu dục. Không hiểu sao Motorola vẫn duy trì cách bố trí cảm biến vân tay như vậy, vì rất nhiều người nhầm tưởng nó kiêm luôn phím Home như nhiều smartphone khác và thường bấm nó để... quay lại màn hình chính, nhưng thực ra Z2 Play dùng phím Home ảo đặt trong màn hình.
Điểm khác biệt thứ hai là máy sử dụng đèn LED kép dual-tone (hai màu) để trợ sáng cho camera selfie ở mặt trước thay vì dùng đèn LED đơn.
Cụm camera của máy khá to và lồi lên rõ rệt
Mặt sau giữ nguyên thiết kế của Z Play, máy có cụm camera hầm hố lồi lên ở mặt sau cùng đèn trợ sáng LED kép dual-tone, ngoại trừ ở phần tiếp xúc với các connector của phụ kiện, phần này Z2 Play tách ra hai dải riêng biệt thay vì nhập vào như đời đầu.
Ngoại trừ cụm camera lồi thì thân máy có độ mỏng chỉ 6mm, mỏng hơn thế hệ cũ 1mm.
Giống như Z Play, máy vẫn giữ cổng Type-C để tiện lợi sử dụng và đầu cắm tai nghe chuẩn 3.5mm cho nhu cầu nghe nhạc qua tai nghe.
Màn hình và hiệu năng
Màn hình AMOLED của Z2 Play có khả năng hiển thị tốt khi ở ngoài trời
Moto Z2 Play vẫn tiếp tục sử dụng màn hình AMOLED với độ phân giải Full HD (1920 x 1080). Chất lượng hiển thị của màn hình ở mức khá, độ đen sâu và có khả năng hiển thị tốt ngoài trời. Góc nhìn của màn hình rộng, màu sắc và độ tương phản chỉ bị ảnh hưởng khi nhìn ở góc gần ngang màn hình. Mật độ điểm ảnh khoảng 403 ppi đủ để đảm bảo độ sắc nét nhưng vẫn giữ được thời lượng pin tốt hơn các màn hình 2K hay 4K.
Bên cạnh đó, Z2 Play tiếp tục được thừa hưởng tính năng Moto Display từ các điện thoại Motorola trước đây, chế độ màn hình này giúp cho người dùng dễ dàng thấy được thông tin ngày giờ và các thông báo trên điện thoại và tự động xuất hiện khi máy phát hiện có chuyển động/tương tác của gười dùng xung quanh.
Giao diện của Moto Z 2 Play
Motorola gắn liền với Android gốc và từng được coi là nhà sản xuất tiên phong song hành cùng Google luôn cập nhật phiên bản Android sớm nhất, do smartphone của họ ít tùy biến và gần như thuần Google. Tuy nhiên, từ khi trở về Lenovo có vẻ như mọi chuyện đã thay đổi, tính đến thời điểm này phiên bản Android của Z2 Play vẫn chỉ dừng lại ở 7.1.1, trong khi nhiều máy trên thị trường như Bphone 2017 hay HTC 10 đều đã cập nhật lên Android 7.1.2 hoặc mới hơn.
Bỏ qua khiếm khuyết đó, giao diện của Z2 Play vẫn đơn giản và hơi màu mè hơn trước một chút. Ngoại trừ phần thiết lập Moto Mods trong phần cài đặt thì các phần mềm cũng như thiết lập đi kèm của Moto Z2 Play gần như thuần Android gốc. Điều này với những ai ưa thích cá tính có thể sẽ cảm thấy hơi thiếu thốn, nhưng với những người ưa sự đơn giản của Android gốc thì đây lại là một ưu điểm.
Moto Z2 Play sử dụng bản ép xung của Snapdragon 625 nên có hiệu năng nhỉnh hơn một chút so với thế hệ cũ trong các tác vụ đơn nhân nhưng lại vượt trội ở các tác vụ đa nhân và đồ họa. Máy vẫn giữ nguyên 3GB RAM và 32 GB bộ nhớ trong, đủ đáp ứng đa số game và ứng dụng trên hệ điều hành Android hiện nay ở mức vừa phải. Hạn chế về sức mạnh phần cứng chỉ thể hiện khi chơi những game 3D với đồ họa phức tạp thì hiệu năng sẽ bị thách thức rõ rệt và khung hình tụt giảm nhiều, đây cũng chính là hạn chế chung của các smartphone tầm trung.
Đo hiệu năng tổng thể qua AnTuTu
Các điểm số ở bài đánh giá hiệu năng xử lý (Geekbench) và hiệu năng đồ họa (GFXBench) của Z2 Play khá tốt so với cấu hình và đôi lúc còn vượt trội so với các máy tham chiếu có cấu hình tương đương.
Đo hiệu nhân vi xử lý qua GeekBench
Đo hiệu năng đồ họa game qua GFXBench
Nhờ vào việc dùng màn hình AMOLED độ phân giải vừa đủ (Full HD) và gánh cấu hình tầm trung nên thời gian sử dụng pin của máy rất ấn tượng, tiếp tục kế thừa độ "trâu" về pin của thế hệ Z Play trước đó. Nếu người dùng có nhu cầu vừa phải thì Z2 Play đủ sức kéo dài pin tới hết ngày thứ hai, trong khi sử dụng nhiều thì khá thoải mái để sử dụng trong một ngày.
Thời lượng pin khi chơi giả lập chơi game trên GFXBench
Moto Mods
Bảng giá chính thức của bộ phụ kiện Moto Mods thế hệ mới
Chiếc Moto Z2 Play mà VnReview nhận được từ Motorola đi kèm hai phụ kiện (Moto Mods) là chiếc vỏ ốp vân gỗ (màu nâu) và máy chiếu Moto Insta-share Projector. Cả hai đều được gắn chặt và giao tiếp với Moto Z2 Play thông qua các chấu nam châm ở mặt lưng một cách dễ dàng.
Khi gắn ốp lưng vào, thân máy dày hơn một chút nhưng phần camera không còn bị lồi lên. Vân gỗ trên ốp đẹp và đem lại ngoại hình độc đáo cho chiếc Z2 Play so với các smartphone khác thường dùng chất liệu kính hoặc kim loại vốn đang phổ biến.
Ốp lưng kết nối bằng nam châm
Dễ dàng lắp vào và biến thành nắp lưng thời trang cho Z2 Play
Trong khi đó, phụ kiện Moto Insta-share Projector (có giá chính thức lên tới 8,3 triệu đồng) sau khi kết nối vào Z2 Play sẽ dễ dàng trở thành một máy chiếu di động có chất lượng khá ổn. Ngay sau khi gắn phụ kiện này, máy sẽ nhận biết là bạn đã kết nối và phát âm thanh báo hoặc rung. Trên thanh thông báo của hệ thống (vuốt từ trên xuống) cũng hiện icon máy chiếu (Project screen) và icon dung lượng pin còn lại của phụ kiện.
Phụ kiện máy chiếu Moto Insta-share Projector
Trên bộ phụ kiện Moto Insta-share Projector có hai nút chức năng, gồm một nút kích hoạt menu điều khiển chức năng bao gồm việc hạn chế thông báo khi đang trình chiếu, điều chỉnh góc độ hình chiếu (keystone) và điều chỉnh độ sáng của hình chiếu. Ngoài nút chức năng này thì trên phụ kiện còn có bánh xe để điều chỉnh tiêu cự nhằm làm rõ/mờ hình chiếu dựa trên khoảng cách. Bên cạnh đó, phụ kiện còn có phần đèn chiếu, khe thoát khí cho quạt tản nhiệt bố trí ở bên trong.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, viếc vỏ ốp gỗ ổn, gắn vào rất chặt chứ không bị lỏng như thế hệ trước. Trong khi Mods máy chiếu đi kèm đủ dùng cho nhu cầu trình chiếu cơ bản như giảng dạy trong các lớp học với số lượng vừa phải (dưới 50 người), dùng để chiếu phim tại gia hoặc để thuyết trình trong các cuộc họp... Việc thiết lập cũng khá dễ, thiết bị có cả chân đế để lật ra kê lên hoặc dùng để kẹp vào giá đỡ khi cần. Bạn chỉ cần một bề mặt phẳng đủ lớn để chiếu vào và có nền màu trắng như một bức tường hay tấm vải, bảng trắng đều có thể sử dụng.
Yếu điểm của nó chính là pin. Motorola không công bố dung lượng pin thực tế của Moto Mods này nhưng thỏi pin tích hợp bên trong Moto Insta-share Projector không lớn, do phải dành không gian cho hệ thống quạt tản nhiệt. Cũng vì bên cạnh máy chiếu, nó còn phải tải thêm quạt tản nhiệt khi hoạt động nên pin bị rút khá nhanh. May mắn là bạn vẫn có thể sử dụng kể cả khi phụ kiện này hết sạch pin, do nó có thể sử dụng pin của chính điện thoại Z2 Play khi được gắn vào. Đó cũng là lý do mà combo này chỉ có thể chiếu được một bộ phim tầm 90 phút trở xuống, còn khi hoạt động lâu hơn bạn sẽ buộc phải cắm sạc liên tục, bạn có thể tăng tính di động bằng việc mang theo thỏi pin dự phòng tầm 10.000mAh.
Khi gắn Moto Insta-share Projector vào Z2 Play thì nó sẽ trở thành một máy chiếu di động rất gọn nhẹ
Nhìn chung, ngoại trừ pin thì mọi thứ đều ổn, nhất là tính di động của thiết bị. Độ sắc nét dễ dàng điều chỉnh qua bánh xe điều khiển tiêu cự, với độ phân giải tối đa là Full HD thì ở khoảng cách 4m máy có thể chiếu lên một diện tích 3,6 x 1,2m (theo tỷ lệ 19:6) với độ chi tiết và màu sắc tái tạo vừa đủ dùng. Mức giá 8,3 triệu đồng của phụ kiện máy chiếu này không hề rẻ, ngang ngửa với một máy chiếu giá rẻ trên thị trường. Tuy nhiên, đó chính là cái giá cho tính di động và sự tiện lợi đi kèm với Moto Z2 Play. Còn ốp lưng đi kèm có giá khoảng 300 ngàn đồng thực sự đáng để mua vì khi gắn vào dù dày hơn một xíu nhưng cầm nắm dễ chịu và giúp cụm camera không bị lồi lên.
Camera
Camera của Moto Z2 Play có số "chấm" giảm xuống còn 12MP (so với 16MP trên Z Play) nhưng kích cỡ điểm ảnh lại lớn hơn nên về lý thuyết chất lượng ảnh chụp thiếu sáng của Z2 Play sẽ tốt hơn thế hệ cũ.
Cụ thể, camera chính của Z2 Play dùng cảm biến Sony IMX362 Exmor RS khẩu độ f/1.7, đạt kích cỡ điểm ảnh 1.4 µm (camera chính của thế hệ Z Play chỉ dùng cảm biến OmniVision OV16860). Trong khi đó, camera phụ phía trước dùng cảm biến ảnh OmniVision OV5693 khẩu độ f/2.2 với kích cỡ điểm ảnh lớn tới hơn 1.417 µm. Cả hai camera đều được tích hợp cụm đèn LED trợ sáng kép dual-tone giúp lấy màu chính xác hơn khi chụp ảnh thiếu sáng.
Camera của máy có giao diện không khác biệt nhiều so với các dòng Motorola trước đó, bao gồm cả Z Play. Máy tinh giản tối đa ở chế độ chụp tự động, chỉ cho chỉnh bù trừ sáng (EV). Ngoài ra, máy còn cho phép quay video, chụp ảnh Panorama, quay phim slow-motion (độ phân giải 720p/120fps) và chụp ảnh ở chế độ chuyên nghiệp với nhiều tùy chọn hơn.
Giao diện chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp trên Z2 Play có nhiều nét tương đồng với giao diện camera của dòng điện thoại Lumia, cho phép can thiệp nhiều thông số thủ công
Theo công bố của Motorola, cụm camera chính này hỗ trợ lấy nét theo pha (PDAF), lấy nét kép Dual Pixel AF và lấy nét Laser, giúp tăng tốc lấy nét trong mọi hoàn cảnh. Thử nghiệm thực tế cho thấy máy có tốc độ lấy nét rất nhanh, tuy nhiên chất lượng ảnh chỉ dừng ở mức khá. Ảnh chụp tối đủ dùng và ít noise nhưng dễ ám màu, trong khi ảnh chụp ban ngày hơi ở những khu vực có độ chênh sáng cao hoặc trời nắng sẽ rất dễ bị cháy do dải tương phản động (DR) của máy không cao, kể cả khi đã bật HDR. Trong khi đó, chất lượng camere selfie phía trước khá ổn và có thêm tùy chọn đèn trợ sáng kép để "tự sướng" trong các điều kiện ánh sáng yếu.
Motorola còn đưa ra tùy chọn Mods chụp ảnh Hasselblad True Zoom đi kèm với mức giá bán lẻ 7 triệu đồng, nếu sử dụng Mods này thì chất lượng ảnh hứa hẹn sẽ tốt hơn nhưng điểm bất tiện là chi phí không rẻ và phải mang thêm một phụ kiện.
Ảnh tắt HDR
Ảnh bật HDR
Một số ảnh chụp khác từ camera chính của Moto Z2 Play trong các điều kiện khác nhau (nhấp vào để xem ảnh gốc):
Chụp ngoài trời tự động
Chụp ở điều kiện thiếu sáng (buổi tối) ở chế độ tự động
Chụp trong nhà vào ban ngày
Thay lời kết
Trong thế giới smartphone đang dần trở nên nhàm chán và chật chội hiện nay, nhiều hãng đã và đang cố gắng làm mới mình với các hướng đi riêng, trong đó Motorola vẫn tiếp tục tìm cái mới trong mảng điện thoại module (lắp ghép), Moto Z2 Play vẫn tiếp tục sứ mệnh hoàn thiện phiên bản Z Play tung ra cách đây một năm với khả năng mở rộng và kết hợp với nhiều Moto Mods thế hệ mới tốt hơn.
Bên cạnh đó, với việc giữ nguyên hai đầu viền máy khá dày, Motorola có lẽ sẽ phải cải tiến hơn trong các phiên bản tiếp theo để bắt kịp xu hướng viền mỏng hiện nay, nhất là việc bố trí cảm biến vân tay khiến viền càng dày. Đổi lại, Z2 Play có thời lượng pin tốt và hiệu năng vượt trội so với thế hệ cũ, dù chỉ được nâng cấp nhẹ về vi xử lý cũng như camera.
Video trên tay nhanh Motorola Moto Z2 Play và một vài phụ kiện Moto Mods đi kèm
Nếu bạn đang tìm kiếm một điện thoại có khả năng nâng cấp/mở rộng tính năng thì Moto Z2 Play sẽ phù hợp với bạn, ít nhất là khả năng... thay vỏ/ốp lưng, dư giả có thể sắm thêm Mods âm thanh, chụp ảnh hoặc máy chiếu để mở rộng khả năng của thiết bị so với một chiếc điện thoại thông thường. Còn nếu bạn có nhiều hạn chế về tài chính thì có thể tìm đến các lựa chọn khác vốn bị bó hẹp ở khả năng mở rộng phụ kiện nhưng thiết thực hơn, bởi mức giá giành cho các Moto Mods chuyên dụng như âm thanh hay chụp ảnh đều không rẻ.
TM
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn