Tại buổi tọa đàm về “Thông tư 130/2016/TT–BTC và giải pháp cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 28/12, nhiều nhà nhập khẩu ô tô đã lên tiếng cho biết, họ đang “sống dở, chết dở” vì bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế.
Đội giá cao hàng trăm triệu/chiếc
Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, ngày 12/8 Bộ Tài chính có ra Thông tư 130 hướng dẫn về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2016. Điều đáng nói là Thông tư lại được áp dụng từ ngày 1/7/2016 đã khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bỗng dưng bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế.
Theo ông Tuấn: “Ngày 12/8/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC qui định chi tiết thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế.
Trong đó, Khoản 3 Điều 2 (sửa đổi) tại Thông tư số 130/2016/TT-BTC quy định: “Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 01/7/2016 nhưng bán ra từ ngày 01/7/2016 thì khi bán ra cơ sở kinh doanh phải kê khai nộp thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế”.
Như vậy, với quy định này thì tất cả các loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất hóa đơn bán từ ngày 1/7/2016 có dung tích xi lanh từ 3000 cm3 – 4000 cm3 sẽ phải áp thuế TTĐB tăng từ 60% lên 90%. Vì vậy, từ ngày 1/7/2016 đã có những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bị truy thu hàng tỷ đồng vì phải nộp thuế tiêu thụ nội địa”.
Cũng theo ông Tuấn, vì Thông tư 130 ban hành ngày 12/8, nhưng lại quy định áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 1/7/2016 khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trở tay không kịp. “Doanh nghiệp bàng hoàng vì mỗi chiếc xe nhập khẩu về bị “đội giá” từ 200 triệu đến gần 1 tỷ đồng chỉ vì phải áp mức tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Có trường hợp, xe đã bán và xuất hóa đơn cho khách hàng rồi, bây giờ doanh nghiệp không biết phải làm thế nào để nộp thuế”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Cũng là doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở Hải Phòng, ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Mầu Đức cho biết, Công ty của ông hiện cũng đang chịu vướng mắc rất lớn từ Thông tư 130.
“Nếu xe được nhập khẩu về từ sau ngày 1/7/2016 thì không sao nhưng Thông tư 130 đưa ra áp dụng lại rơi vào mặt hàng xe tồn, thậm chí có những chiếc tồn từ 2-3 năm rồi và đến sau ngày 1/7/2016 mới bán được. Trong trường hợp này nếu bị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Với chiếc Lexus 570 mức truy thu lên tới 1,6 tỷ, Lexus RX 350 truy thu 470 triệu, RX 460 truy thu 500 triệu. Như vậy, Công ty tôi bị truy thu hàng chục tỷ đồng, trong khi những chiếc xe này khi bán cho khách hàng, công ty vẫn tính giá dựa trên mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũ là mức 60%.
Hàng tồn nhiều, nếu chúng tôi hoàn thành mức thuế đúng theo Thông tư 130 thì buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán xe lên. Đối với những xe đã qua sử dụng thì phải đăng ký trước 6 tháng và mỗi xe phải nộp thêm mức tiền thuế gần bằng ngang với tiền mua xe thì khó bán’, ông Trần Dũng nói.
Còn ông Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Quang chia sẻ: “Có những lô hàng chúng tôi nhập khẩu về theo đơn đặt hàng của khách từ trước ngày 1/7/2016 mấy tháng, nhưng sau ngày 1/7 hàng mới về thì phải đóng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Doanh nghiệp như chúng tôi đều chấp nhận nộp thuế theo quy định sau ngày 1/7, nhưng qua thời điểm ngày 1/7 chúng tôi vẫn không được hướng dẫn cụ thể về chính sách. Chúng tôi không thể cứ ngồi chờ đợi, trong khi các chi phí từ thuê cửa hàng, nhân viên… đều đã thuê hết rồi.
Hơn nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào người tiêu dùng, nhưng những xe mà chúng tôi đã ký với khách hơn nữa năm rồi thì không thể thu thêm của khách, nhất là những xe bị bất ngờ tăng tiền thuế lên gần tỷ đồng thì không thể thu được”, ông Thuật bức xúc nói.
Doanh nghiệp kêu tiến thoái lưỡng nan
Theo ông Trần Dũng, trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô như của ông muốn đóng cửa cũng khó thực hiện vì tiền thuế vẫn bị truy thu nhưng tiếp tục bán thì rất khó. “Chúng tôi ở thế: Tiến thoái lưỡng nan, muốn nghỉ cũng không nghỉ được mà muốn làm cũng khó làm tiếp”.
Còn ông Đỗ Văn Thuật cho rằng, để nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam tối thiểu mất 3-6 tháng mới có hàng về cảng. Khi hoàn tất các thủ tục hải quan, rồi đăng kiểm, ấn định thuế… thì nhanh nhất cũng phải mất từ 15-20 ngày và lâu thì hàng tháng trời. Vì vậy, khi quyết định nhập khẩu lô hàng nào về là doanh nghiệp đã có kế hoạch từ trước đó mấy tháng. Nhưng với tình hình hiện nay, nhất là với những hàng còn tồn đọng thì doanh nghiệp muốn thực hiện cũng rất khó, muốn phá sản không kinh doanh nữa cũng không làm được.
Chính vì vậy, theo kiến nghị của các doanh nghiệp thì cơ quan Nhà nước cần xem xét lại vấn đề này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bởi Thông tư 130 đưa ra sau ngày 1/7 nhưng quy định áp dụng và thực hiện từ ngày 1/7 đã khiến cho DN nhập khẩu ô tô bị động, bất ngờ không kịp trở tay.
Trước những phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho rằng: Luật 106 về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định rõ, giá xuất ra sau 1/7 sẽ được trừ đi thuế TTĐB đã kê khai ở Hải quan khi nhập khẩu trước đó.
“Trong luật 106 cũng như Thông tư 130, việc xác định giá tính thuế là do người nộp thuế và người kinh doanh xác định, nhà nước không ấn định, trừ trường hợp theo Luật quản lý thuế mà việc phản ánh không đúng thực tế, không phù hợp với giá thực tế, khi đó, Luật Quản lý thuế mới áp dụng. Còn việc kê khai nộp thuế là DN tự kê khai, nộp thuế trên cơ sở bán hàng của DN”, ông Tân khẳng định.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn