Tăng giảm bất thường
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xe Indonesia năm 2017 nhập về Việt nam khoảng 16.800 chiếc, tăng gần 13.000 chiếc so với năm trước; xe Thái đạt hơn 38.200 chiếc, tăng gần 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 thị trường nhập xe với tổng lượng gần 90.000 chiếc xe các loại, xe của Thái, Indonesia chiếm hơn 61%, trong tổng lượng nhập toàn thị trường hơn 97.200 chiếc xe các loại nhập về nước ta, xe hai nước ASEAN chiếm hơn 56%.
Lượng xe Thái Lan và Indonesia đổ về Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đã tăng rất mạnh. Năm ngoái, lượng xe Thái chỉ chiếm 36% tổng lượng xe của 10 thị trường trọng điểm nhập về Việt Nam; so với tổng lượng xe nhập từ các thị trường trong năm, lượng xe hai nước trên cũng chỉ chiếm hơn 33%.
Mức tăng trên 20% về lượng nhập khẩu vào Việt Nam rõ ràng cho thấy xe Thái, Indonesia đã khai thác rất tốt thị trường Việt Nam, cho dù năm 2017 thuế nhập khẩu về Việt Nam của xe Thái, Indonesia chỉ giảm 10% (từ 40% xuống còn 30%).
Trong khi đó, xe của nhiều nước lớn như Đức, Anh, Nhật và Hàn Quốc nhập về Việt Nam giảm đột ngột. Xe Ấn Độ nhập về giảm 15.400 chiếc so với năm 2016, xe Hàn giảm hơn 11.000 chiếc, xe Nhật hơn 4.000 chiếc, xe Đức giảm hơn 1.600 chiếc...
Nguyên nhân nào?
Việc giảm xe nhập từ Ấn Độ, Hàn Quốc được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô lý giải do các đầu mối nhập khẩu xe Hàn từ Ấn Độ, Hàn Quốc chuyển sang nhập linh kiện, sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, trong đó điển hình là Thành Công. Nhiều mẫu xe từng được nhập lượng lớn từ Ấn Độ, Hàn Quốc như: Hyundai i10, i29, Tucson, SantaFe nay được lắp ráp trong nước để giảm giá.
Đối với việc giảm lượng xe Đức tại Việt Nam, có thể được lý giải do cuối năm 2016 và cả năm 2016 đầu mối nhập xe lớn BMW là Euro Auto tại Việt Nam dính nhiều "phốt" buôn lậu, gian lận, bán hàng không rõ xuất xứ cho khách hàng. Cả năm BMW bị dừng nhập về Việt Nam, khiến thị trường xe Đức chỉ còn 1 số hãng như Audi, Mercedes...
Còn đối với xe Nhật Bản giảm mạnh về Việt Nam, chủ yếu là giảm lượng xe Lexus bởi so với năm ngoái lượng xe Lexus được tiêu thụ tại thị trường giảm rất mạnh chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, xe Thái, Indonesia xuất sang Việt Nam chủ yếu là các hãng xe Nhật, Mỹ, trong đó đầu mối nhập khẩu xe từ các nước này vẫn nằm trong các tập đoàn Toyota, Honda, Nissan hoặc Ford. Theo thông kê của hải quan, các dòng xe được thống kê nhập khẩu từ Thái về Việt Nam nhiều nhất là: Toyota Yaris, Altis, Land Cruiser; Honda CRV, Accord, Civic, Ford Rangger, Everest, một loạt hãng xe Nissan, Mitsubishi... Trong khi đó, xe từ Indonesia chủ yếu là dòng xe của Toyota và Suzuki điển hình là Fortuner và Ertiga.
Với lượng nhập khẩu tăng gấp đôi chỉ sau một năm, đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm hẹn của xe các nước nhờ giá cao và tỷ suất lợi nhuận tốt. Còn nhớ, cách đây 2 tháng, ngành công nghiệp xe hơi hơn 100 năm tuổi của Úc đã tuyên bố phá sản. Lý do được đưa ra một phần cũng là do xe nhập giá rẻ của Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc với giá rẻ tràn vào thị trường đã đánh dạt các liên doanh xe lớn tại nước này.
Thông tin mới nhất là hai hãng xe Honda và Toyota vừa tuyên bố ngừng nhập khẩu xe hơi vào Việt Nam, lý do được đưa ra là bởi Nghị định 116 của Chính phủ đang gây nhiều khó khăn đối với các DN nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe hơi cho rằng với kinh nghiệm tìm hiểu thị trường, cách "lách luật" khôn khéo các hãng xe lớn không dễ từ bỏ thị trường xe hơi Việt Nam để cho các hãng xe trong nước tung hoành.
Thêm nữa, dù Toyota và Honda đưa ra thông tin ngừng nhập xe hơi về Việt Nam nhưng rất có thể chỉ là hành động "thức thời" để tác động tâm lý thị trường. Bởi dù chính sách ngặt nghèo nhưng cũng khó có thể làm nản lòng các DN nhập khẩu ô tô từ trong nước lẫn nước ngoài ở Việt Nam bởi lợi nhuận thị trường Việt Nam rất lớn (do thuế nhập xe ASEAN về 0%) và sức tiêu thụ ô tô từ năm 2018 đang tăng trưởng rất mạnh do thu nhập của người dân ngày càng cao.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn