Trên thực tế, Ninh Thuận và một số tỉnh Nam Trung Bộ như: Bình Thuận, Phú Yên... được đánh giá là những địa phương có lợi thế lớn nhất về phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời của cả nước. Vì vậy, theo Ban Kinh tế Trung ương, tỉnh này cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, giảm phụ thuộc vào các ngành nông lâm ngư nghiệp đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, để đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước, rất cần đột phá về tư duy, cơ chế, chính sách của lãnh đạo địa phương. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cần phối hợp với các Bộ, ngành để tạo cơ chế thu hút các DN đầu tư điện gió trong và ngoài nước vào các dự án, quy hoạch điện gió, năng lượng mặt trời của tỉnh.
Ninh Thuận được đề nghị mạnh dạn phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước
Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình đề nghị: Thời gian tới, Ninh Thuận cần phối hợp với Bộ Công Thương sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký vào hoạt động để góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.
Hiện theo phương án quy hoạch điện gió tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận có 9.055 ha có tiềm năng điện gió, khả năng khai thác đến 2030 khoảng 1.429 MW.
Trên thực tế, Việt Nam về năng lượng gió lớn nhất trong 4 quốc gia có thế mạnh ở ASEAN. Theo bản đồ năng lượng gió của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65 m của Việt Nam là lớn nhất trong khu vực ASEAN với tiềm năng năng lượng gió lý thuyết lên đến 513.360 MW.
Trong các tỉnh, Ninh Thuận có vị trí thuận lợi với tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m). Hiện tỉnh này có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc.
Ngoài năng lượng gió, là một trong những địa phương có tỷ lệ khô hạn, nắng gió lớn nhất nước, Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn.
Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, cũng là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Đây là cơ sở để tỉnh này kêu gọi, thu hút và lập cơ chế để hình thành các nhà máy pin năng lượng mặt trời công suất lớn, phục vụ phát triển điện năng trên thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, trước đó, năm 2011, Ninh Thuận từng mời tư vấn quốc tế về lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương này tầm nhìn 2020 xét đến năm 2030.
Trước đó trong tháng 8 và đầu tháng 9/2016, hai nhà máy điện gió nghìn tỷ được đầu tư tại Ninh Thuận chính thức khởi công, đi vào hoạt động, đó là dự án Nhà máy Điện gió Mũi Dinh do Công ty EAB (Cộng hòa Liên bang Đức) làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Nam với công suất 37,6 MW, trên diện tích 12 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 1.472 tỉ đồng. Theo cam kết của chủ đầu tư, chậm nhất vào cuối năm 2017, dự án sẽ phát điện.
Một dự án khác là Nhà máy Điện gió Trung Nam do Công ty CP Trung Nam đầu tư cũng được khởi công. Nhà máy có tổng công suất 90 MW, được triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (hoàn thành vào cuối năm 2018) xây dựng 17 tổ máy. Giai đoạn 2 có 28 tổ máy, tổng công suất 56 MW.
Đây là dự án có quy mô lớn với vốn đầu tư 3.965 tỉ đồng, tổng diện tích triển khai lên đến 851 ha, tại 2 xã Lợi Hải và Bắc Phong của huyện Thuận Bắc.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn