Mua bán trái pháp luật
Kết quả điều tra cho thấy, khoản tiền 3.581 tỷ đồng mà bà Hứa Thị Phấn (còn gọi Sáu Phấn, người bán lại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh) vay tại Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank – Tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng - VNCB) lập thành 29 hợp đồng do con, cháu bà Phấn đứng tên. Hợp đồng vay vào năm 2010 - 2011 dưới dạng tín chấp và thế chấp quyền sử dụng đất, chủ yếu là đất nông nghiệp ở Nhà Bè và Q.2.
Vào thời điểm đó, đất nông nghiệp, đất trồng lúa tại Nhà Bè chỉ có giá 80.000 - 200.000 đồng/m2. Điều đáng nói là đất của bà Phấn vẫn được định giá thấp nhất từ 8 triệu đồng- 32 triệu đồng/m2 để bảo đảm vay 3.581 tỷ đồng.
Sau đó, số tiền này lại quay ngược lại Trust Bank dưới dạng mua cổ phần góp vốn. Vốn của Ngân hàng Đại Tín được nâng từ 1.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. 29 đối tượng góp vốn này ủy quyền cho bà Phấn nắm tới gần 85% vốn điều lệ Trust Bank và nắm quyền kiểm soát.
Như vậy, ban lãnh đạo Trust Bank và bà Phấn nâng vốn điều lệ từ 1.000 lên 3.000 tỷ đồng thực chất là nâng khống vốn điều lệ bằng thủ đoạn nhờ người khác đứng tên vay và mua cổ phần. Sau đó chuyển nhượng cổ phần cho bà Phấn nắm giữ và cổ phần này lại bán cho ông Phạm Công Danh để lấy số tiền gần 4.700 tỷ đồng.
Cùng thời điểm đó, Trust Bank đã cho nhóm bà Phấn vay 3.581 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1.000 tỷ đồng. Như vậy, câu hỏi đặt ra là ngân hàng này lấy đâu ra số tiền gần đó để cho bà Phấn vay? Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dưới sự chỉ đạo của Sáu Phấn, Trust Bank đã nâng khống giá bất động sản để đảm bảo khoản vay nói trên. Mặt khác, việc ngân hàng này cho vay số tiền gấp 3 lần số vốn điều lệ cũng là vi phạm pháp luật.
Bản Kiến nghị khẩn cấp của luật sư Phan Trung Hoài và những luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh gửi Chánh án TAND Tối cao cũng chỉ rõ, Tập đoàn Thiên Thanh và ông Danh đã thanh toán cho bà Phấn 3.581 tỷ đồng, tuy nhiên bà Phấn chưa chuyển giao quyền và tài sản đối với 33 ha đất ở Nhà Bè và Q.2.
Được biết, 9 ha đất ở Q.2 được định giá 6.383 tỷ đồng và 24 ha đất ở Nhà Bè có giá hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu theo định giá này, Tập đoàn Thiên Thanh có thể thu về được khoảng 8.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đất tại hai khu đất này đã được định giá khống, cao ngất ngưởng so với thị trường. Đây cũng chính là nguồn cơ tiên quyết dẫn đến những sai phạm của ông Phạm Công Danh sau này.
Ngoài ra, theo nhóm luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 9/10/2012 từ bà Sáu Phấn sang ông Phạm Công Danh là không có căn cứ pháp luật, sai cả hình thức và nội dung.
Lý giải điều này, nhóm luật sư cho biết, chủ thể tham gia ký Hợp đồng là trái pháp luật. Bởi lẽ, danh sách các cổ đông tham gia chuyển nhượng (do bà Phấn làm đại diện) hoàn toàn để trống. Chính vì vậy, bà Phấn không đủ tư cách để đại diện cho các cổ đông tức các tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Trust Bank. Các luật sư cũng cho rằng, số cổ phần và giá chuyển nhượng hơn 2.500 tỷ đồng tương ứng với cổ phần được ghi trong Hợp đồng này là hoàn toàn không có căn cứ.
Từ những tình tiết đó cùng với chứng cứ thu thập được, nhóm luật sư này cho rằng, việc chuyển nhượng cổ phần tại Trust Bank từ nhóm bà Phấn sang cho ông Danh là trái pháp luật.
Phạm Công Danh có “vị quốc vong thân”?
Kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 10/7/2012 thì thực trạng tài chính của Trust Bank rất xấu, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.031 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của nhà băng này chỉ 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đến cuối năm 2012, trước thời điểm ông Phạm Công Danh tiếp quản thì vốn chủ sở hữu của Trust Bank đã tiếp tục âm tới 5.711 tỷ đồng, lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng.
Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, Phạm Công Danh đã bị bà Phấn lừa đảo một cách ngoạn mục khi bỏ hàng ngàn tỷ đồng để mua lại chiếc vỏ ốc mang tên Trust Bank. Hơn thế nữa, “ông trùm” này đã bị quy trách nhiệm oan ức về khoản lỗ hơn 18.000 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo luật sư Hoài, sau khi bỏ ra gần 3.600 tỷ đồng để mua lại cổ phần từ bà Phấn, ông chủ của Tập đoàn Thiên Thanh đã phải chi 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của ngân hàng nhằm thực hiện công cuộc “giải cứu” Trust Bank. Đồng thời, chủ mới của ngân hàng này còn phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng để chăm sóc khách hàng.
Qua điều tra, ông Phạm Công Danh đã bỏ ra 3.600 tỷ đồng để mua lại Trust Bank nhằm mục đích chiếm hữu những tài sản bất động sản của ngân hàng này, cụ thể là số bất động sản có giá trị rất lớn của một tập đoàn đang cầm cố tại ngân hàng này và các lô đất tại Q.2, Nhà Bè của nhóm Phú Mỹ. Tuy nhiên, khi ông Danh chuyển tiền thì bà Phấn lại không giao những lô đất tại Nhà Bè và Q.2 cho ông Danh như đã thỏa thuận.
Khai tại toà, ông Danh cho rằng "không muốn dùng chữ bị lừa nhưng đúng thật mình bị lừa". "Không ai bỏ ra 3.600 tỷ mà lại như thế cả. Đến khi tôi nộp khoản tiền này rồi thì nhận được nhiều đơn khiếu nại khiến tôi không lấy tài sản ra được. Khoản này tôi đã trả vào tài khoản tại Ngân hàng Xây dựng thì đề nghị trả lại cho tôi", ông Danh nói.
Mặt khác, ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai là những người lập đề án cơ cấu Trust Bank dựa trên những thông tin công khai. Cho nên, những người này đã biết rất rõ kết quả thanh tra Trust Bank tháng 8/2012. Đặc biệt, Phan Thành Mai chính là người ký báo cáo tài chính năm 2013 của VNCB. Như vậy, ông Danh cũng đã sớm nắm bắt được thực trạng tài chính của Trust Bank. Cũng chính bởi lẽ đó mà luật sư Phan Trung Hoài nhận định, bà Sáu Phấn không thể lừa nổi ông Phạm Công Danh mà là do “người nối ngôi” vì mong muốn tái cơ cấu Trust Bank nên cố chấp lao vào. Do “sa chân” vào cái bẫy mà “người thoái vị” đã gài sẵn nên ông Danh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận “Vị quốc vong thân”.
Từ những cơ sở đó, luật sư Hoài nhấn mạnh, ông Phạm Công Danh mua cổ phần của bà Phấn vì ngân hàng, tăng vốn điều lệ và chăm sóc khách hàng cũng vì ngân hàng... Do đó, ông Danh lập hợp đồng khống để “rút ruột”, rút tiền vay trái quy định và tự ý rút tiền trên tài khoản của khách cũng chỉ để “nuôi dưỡng” Trust Bank...
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn