Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Công Thương về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm phát luật trong hoạt động bán hàng đa cấp chiều 19/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, các quy định hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, khiến loại hình kinh doanh này vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới song lại bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Ít nhất 9 doanh nghiệp đã bị Cục Quản lý Cạnh tranh rút giấy phép hoạt động và bị xử phạt với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đến nay các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42 chưa đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định sửa đổi đang được các đơn vị chức năng Bộ Công Thương soạn thảo theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt hơn nữa các hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng bảo vệ đại đa số những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Cả nước có 500.000 người tham gia bán hàng đa cấp
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, Cục đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn nhiều tỉnh thành phố. Kết quả cho thấy, tính đến tháng 8 năm 2016, có 36 doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt, với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Có 38 khiếu nại không thuộc thẩm quyền xử lý của Cục nên đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý, trong đó có cả cơ quan cảnh sát điều tra và Tổng cục Thuế.
Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 9 năm 2016, cả nước có 50 doanh nghiệp đủ giấy phép hoạt động, đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người của cùng kỳ năm 2015.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 48 Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng.
Các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, khuyến mãi “chui”, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo, không xin... Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng kiểm tra chuyên đề và xử lý 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng chưa có giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.
Báo cáo từ 63 Chi cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan Quản lý thị trường địa phương đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có giấy chứng nhận; kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận; thực hiện khuyến mại bằng hình thức bốc thăm mang tính may rủi nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không niêm yết giá hàng hóa theo quy định; vi phạm về nhãn hàng hóa và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thiết lập website bán hàng đa cấp nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn