Lên mức cao nhất từ đầu năm
Đây là lần điều chỉnh giá xăng cuối cùng của năm 2016 và là lần có mức tăng lớn nhất, đẩy giá xăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Không chỉ xăng, các mặt hàng dầu cũng tăng giá bán 672-761 đồng một lít/kg tùy loại. Cụ thể, sau khi điều chỉnh giá dầu hỏa lên mức không cao quá 11.943 đồng/lít, dầu diesel ở mức 13.433 đồng/lít và dầu mazut là 10.634 đồng/kg.
Lý giải về việc tăng giá xăng , dầu khá mạnh vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương cho biết giá xăng, dầu thế giới bắt đầu tăng mạnh kể từ ngày 30-11 khi các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) quyết định cắt giảm sản lượng đã tác động đến việc điều hành giá xăng, dầu trong nước. Cụ thể, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới trong nửa tháng qua đều ở mức cao - trên 63 USD/thùng.
Trong vòng hơn một tháng qua, giá xăng, dầu trong nước đã có ba lần tăng giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có chín lần giảm với tổng cộng gần 5.000 đồng/lít và hai lần giữ nguyên giá.
Đặc biệt, việc tăng giá xăng, dầu lần này dự báo sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 và cả năm 2016.
Từ nay đến cuối năm có nhiều áp lực lên giá hàng hóa. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua rau xanh tại chợ D9, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lo giá hàng hóa tăng theo
Nhiều doanh nghiệp cho biết gần đây một số mặt hàng rau, quả tăng đột biến do mưa bão nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung. Đơn cử như xà lách tuần trước 15.000-20.000 đồng/kg nay tăng lên 35.000 đồng/kg. Với mức tăng giá xăng tới gần 1.000 đồng/lít thì có thể sẽ xảy ra tình trạng giá hàng hóa té nước theo mưa, nhất là vào thời điểm cận tết.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng tăng giá xăng thời điểm này là không hợp lý, khiến nhiều công ty sản xuất hàng tết gặp khó khăn. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, nói giá hàng thực phẩm của đơn vị thời gian qua không tăng dù giá xăng tăng nhiều đợt. Dự kiến mùa tết này công ty tiếp tục giữ mức giá bán như ngày thường.
Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng với giá xăng tăng đến gần 1.000 đồng/lít có thể sẽ khiến người kinh doanh “tức nước vỡ bờ”. Nghĩa là họ sẽ tăng giá bán hàng và điều này có thể khiến thị trường biến động theo. Đó là chưa kể có hiện tượng lợi dụng xăng tăng giá để đẩy giá nhiều mặt hàng tăng.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đánh giá hiện nay giá xăng tăng song việc điều chỉnh giá cước cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Ông Bình nói: “Doanh nghiệp phải cộng các đợt tăng giá trong năm rồi trừ đi các đợt giảm giá. Từ đó đưa ra con số chính xác giá xăng đã tăng, giảm bao nhiêu phần trăm. Sau đó doanh nghiệp mới đưa ra quyết định điều chỉnh giá cước được. Không phải xăng tăng là doanh nghiệp lập tức tăng giá cước vận tải ngay” - ông Bình khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng giá cước vận tải ô tô được hình thành trên cơ sở cung-cầu của thị trường.
“Việc tăng, giảm giá cước vận tải do doanh nghiệp quyết định theo quy định của pháp luật, tức giá xăng tăng giảm 5% theo biên độ thì điều chỉnh giá cước” - ông Thanh nói và cho biết tăng giá xăng như hiện nay thì trước mắt giá cước có thể chưa được điều chỉnh ngay.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2016 tăng 0,48% so với tháng trước. Như vậy, CPI 11 tháng tăng 4,5% so với tháng 12-2015 (dư địa theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2016 còn khoảng 0,5%). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định việc tăng giá xăng, dầu ngày 20-12 sẽ không tác động nhiều đến CPI tháng 12 và mục tiêu cả năm 2016. Nhiều áp lực Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính mới đây cho biết từ nay đến cuối năm, giá cả chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; giá xăng, dầu có xu hướng hồi phục. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn