Trong ngày 29/8, sau nhiều ngày chờ đợi, thương vụ IPO được kỳ vọng là đình đám nhất từ đầu năm đến nay: đấu giá hơn 167 triệu cổ phần, tương đương 12,57% vốn điều lệ Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cũng đã diễn ra.
Tuy nhiên, trái với những dự báo trước được cho rằng đây là một trong những mặt hàng “hot”, có khả năng “cháy hàng” thì phiên IPO sáng nay đã khiến không ít người quan sát phải bất ngờ khi có tới trên 10% cổ phần bán ra của VEAM bị “ế”.
Toyota, Ford và Honda đang là 3 nhãn hiệu đang chiếm thị phần chi phối 35% thị trường xe hơi Việt Nam.
Cụ thể, với mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần, song kết quả chỉ có 149,5 triệu cổ phần được đấu thành công so với số lượng cổ phần mà VEAM muốn bán ra ngoài là 167 triệu đơn vị, tương đương tỉ lệ đấu thành công chỉ đạt 89%.
Ngoài ra, theo giới chuyên môn, với mức giá trúng thầu nói thầu 14.291 đồng/cp, chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (P/E) của VEAM chỉ đạt 5,4 lần là quá thấp so với thị trường.
Được biết, tại phiên đấu giá, hầu hết các lệnh mua đều được đặt ở mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phiếu, có những lệnh có đặt mua cao hơn 15.500 - 16.520 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên khối lượng cổ phiếu mua khá thấp, từ 1.000 - 2.000 cổ phiếu.
Mặc dù vậy, theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thì đây vẫn là phiên có khối lượng cổ phần đấu giá lớn nhất từ đầu năm đến nay và số lượng nhà đầu tư tham gia đông nhất trong quý III.
Một chi tiết đáng chú ý là trong phiên đấu giá vừa rồi, khối lượng đặt mua cao nhất lên tới 79,7 triệu cổ phần. Giả sử, giá đặt mua là mức giá đấu thành công thấp nhất 14.290 đồng/cp thì lượng tiền mà nhà đầu tư này phải chi trả cũng phải lên tới 1.139 tỷ đồng.
Do tổng khối lượng cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 30 triệu đơn vị, nên có thể suy ra lượng đặt mua lớn nhất thuộc về một nhà đầu tư trong nước.
Đợt IPO này mang về cho Nhà nước 2.136 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa dự kiến là 13.288 tỷ đồng. Bên cạnh việc chào bán cổ phần ra bên ngoài công chúng thông qua hình thức bán đấu giá công khai, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 677,6 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ. Người lao động trong tổng Công ty và nhà đầu tư chiến lược lần lượt được mua 5,6 triệu cổ phần và 478,3 triệu cổ phần.
VEAM được đánh giá là doanh nghiệp sản xuất lớn, đi đầu trong lĩnh vực sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam với 5 công ty chuyên sản xuất động cơ như động cơ xăng, động cơ diezel; máy nông nghiệp... Trên thị trường nước ngoài, các sản phẩm xuất khẩu chính của VEAM là các loại động cơ, máy nông nghiệp với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 30 triệu USD.
VEAM cũng đang nắm 30% vốn tại Honda Việt Nam và 20% vốn tại Toyota Việt Nam. Khoản đầu tư của VEAM vào Honda Việt Nam có giá trị 5.121 tỷ đồng và tại Toyota Việt Nam là 1.160 tỷ đồng. Ngoài ra, VEAM cũng đang sở hữu 25% cổ phần tại Ford Việt Nam, tương đương 971 tỷ đồng, thông qua công ty con là Diesel Sông Công.
Hiện tại, Toyota, Ford và Honda đang là 3 nhãn hiệu đang chiếm thị phần chi phối 35% thị trường xe hơi Việt Nam. Trong đó, riêng Toyota đã soán tới 20,5% thị phần. Honda chỉ chiếm 3,5% thị phần xe hơi nhưng lại chiếm tới 20% thị phần xe máy.
Hàng năm, các khoản đầu tư này mang về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận cho VEAM. Năm vừa rồi, công ty nhận được 2.676,9 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Hoda Việt Nam (tăng gần 4 lần so với năm 2014), đồng thời nhận được 678,2 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Toyota Việt Nam (tăng hơn 68% so với 2014). Qua đó góp phần đưa tổng cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2015 lên mức 3.391 tỷ đồng vào năm 2015 (gấp 3 lần so với 2014).
Sau cổ phần hóa, dự kiến VEAM vẫn tập trung vào 3 ngành kinh doanh chính mà VEAM có tiềm năng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh cao là sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp; sản xuất ô tô tải và phụ tùng ô tô xe máy; sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn