Tìm đến huyện Gia Lộc, nơi được coi là “vựa rau” của Hải Dương, trên cánh đồng thi thoảng chúng tôi lại thấy người dân cắm biển rao bán, thanh lý vườn rau với giá rẻ… như cho.
Hàng nghìn hộ dân trồng rau ở huyện Gia Lộc, Nam Sách nói riêng và người trồng rau ở Hải Dương nói chung đang rơi vào tình cảnh trắng tay, khi 1 yến rau chưa bằng nửa cốc… trà đá. Ảnh: Việt Tùng
Gặp chúng tôi, ông Phạm Xuân Chất, xã Lê Lợi cho biết, cả xã, huyện bây giờ rau mang vứt bỏ hết, có nhà thì chặt cho trâu bò ăn, vì bán không ai mua. “Nhà tôi có 5 sào bắp cải, tương đương 12 tấn rau, tôi rao bán hơn tháng nay với giá 1,5 triệu đồng nhưng không một ai hỏi mua nên đành chặt cho bò ăn, nhưng bò ăn cũng không xuể, phải vứt bỏ bớt”- ông Chất chua chát nói.
Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Gia Xuyên cho biết, gia đình bà có 3 sào bắp cải, su hào đã đến ngày thu hoạch nhưng gọi mãi vẫn không có người đến mua. “Nếu để quá ngày rau sẽ già, ra hoa và hỏng hết. Cực chẳng đã, chúng tôi đành huy động người ra đốn, chặt tại ruộng để làm phân bón” - bà Hòa nói.
Bán không có người mua, cho không có người lấy, nhiều hộ đành chặt bỏ rau vứt tại ruộng để làm phân. Ảnh: Việt Tùng
Tương tự, tại xã Ái Quốc (huyện Nam Sách), nhiều hộ dân cũng đang ngồi trên “đống lửa” khi hàng trăm ha rau màu đã đến kỳ thu hoạch, nhưng không bán được. Bà Nguyễn Thị Nhung, xã Ái Quốc nhẩm tính: “Mỗi sào rau phải chi phí hơn triệu đồng tiền giống, phân bón, chưa kể công chăm sóc. Bây giờ 5 sào rau thu hoạch bán không nổi 1 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ rau bán không ai mua, cho không ai lấy là do năm ngoái, trời rét đậm rét hại kéo dài khiến rau màu chết sạch, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá bắp cải, su hào tăng kỷ lục. Năm 2016, có thời điểm mỗi sào rau người dân thu về từ 4 – 8 triệu đồng (sau 2-3 tháng chăm sóc), vì thế, sang năm nay nhà nhà, nơi nơi đua nhau trồng rau dẫn đến cung vượt cầu.
Nông dân huyện Nam Sách (Hải Dương) thu hoạch cà rốt. Ảnh: Việt Tùng
Chỉ riêng tại Hải Dương, vụ đông xuân vừa qua nông dân toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 9.000ha su hào, bắp cải, tăng gần 2.000ha so với năm 2016, trong đó huyện Gia Lộc chiếm gần một nửa, vượt quá xa so với những năm trước.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn