Trách nhiệm, không phải “mặc cả”
Cuối tháng 6 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu năm 2018 gồm: 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017.
Trong khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện NLĐ đề xuất mức tăng thêm 370.000 - 450.000 đồng/tháng thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện giới chủ sử dụng lao động lại đề xuất không tăng hoặc quá lắm chỉ tăng dưới 5% (dưới 130.000 - 180.000 đồng/tháng).
Theo khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức lương trung bình NLĐ nhận được và tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng (tăng 6,9% so với năm 2016) và cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu cộng thêm các loại phụ cấp, tăng ca… mức thu nhập thực nhận của NLĐ trung bình gần 5,5 triệu đồng/tháng. Do vậy, thu nhập NLĐ phụ thuộc khá lớn vào tiền tăng ca (chiếm 20-30% thu nhập).
Phản hồi đề xuất mức dưới 5% của VCCI, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, mức tăng đó chỉ đủ bù trượt giá, tức lương thực nhận không tăng. Trong khi lương tối thiểu vùng dù được điều chỉnh tăng hằng năm vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
Về phần mình, VCCI cho rằng, năm nay kinh tế còn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa mấy khởi sắc. “Tăng lương cao sẽ gây áp lực cho DN, ảnh hưởng tới sản xuất, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam”, đơn vị này nhấn mạnh. Cùng đó, nhiều hiệp hội đã đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng 2018. Do 10 năm qua (2007 - 2017), mức tăng lương tối thiểu đều từ 7 đến 12% mỗi năm, trong khi đó GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, năng suất lao động chỉ tăng 2%/năm. Từ đó, VCCI kiến nghị, không tăng lương năm 2018, hoặc mức tăng chỉ 2-4%.
Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Mức tăng 13,3% là mức NLĐ “đòi hỏi” DN thực hiện, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ chứ không phải là cuộc “mặc cả” giữa các bên trong Hội đồng Tiền lương”.
Đồ họa: Việt Tuấn
Ít nhất phải đủ bù lạm phát
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), năm nay lạm phát và tăng trưởng đều được xác định ở mức thấp, năng suất lao động tăng cũng chỉ như các năm trước. Cùng đó, lương hiện tại đang đáp ứng được 90% nhu cầu sống tối thiểu, nên mức tăng lương nên tương đương mức tăng năm 2017 (tăng trung bình 7,3% - PV).
Bà Hương cũng lưu ý, mức tăng lương hiện nay chủ yếu bù trượt giá, chưa thể đảm bảo cho NLĐ có cuộc sống dư dả, chưa nói tới tích lũy. “Mục tiêu tăng lương tối thiểu để cải thiện thu nhập của nhóm đối tượng có lương thấp nhất tại DN, nhóm này được tăng lương sẽ kéo theo các nhóm khác cùng tăng. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bao giờ cũng đề nghị mức lương tốt cho NLĐ”, bà Hương nói.
Về phía các DN, theo vị chuyên gia này, tăng lương họ sẽ cắt giảm lao động, làm gia tăng số người mất việc làm. Chưa kể, đi kèm là các khoản phí về bảo hiểm xã hội, công đoàn… được tính trên cơ sở lương cũng tăng. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, tăng lương sẽ thúc đẩy các DN đầu tư nhiều hơn cho công nghệ để nâng cao năng suất lao động. “Các DN phải tính phương án từ bỏ các công nghệ lạc hậu chủ yếu sử dụng lao động, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường”, bà Hương nói.
Chia sẻ tại hội thảo mới đây do VCCI tổ chức, TS Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiếm có quốc gia nào lại tăng lương tối thiểu vùng hằng năm và tăng ở mức cao như ở Việt Nam. Trong 10 năm qua (2007 – 2017), bình quân hằng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với DN trong nước và tăng khoảng 15% với DN nước ngoài. Điều này khiến DN gặp nhiều khó khăn và tìm giải pháp ứng phó, như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế NLĐ… Ngoài ra, theo ông Cẩm, hiện chỉ 9,4 triệu lao động có hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu, phần lớn NLĐ ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, gây mất công bằng trên thị trường lao động.
Từ các phân tích trên, ông Cẩm đề nghị chưa tăng lương tối thiểu năm 2018, hoặc có kế hoạch hoãn 1, 2 năm mới tăng lương 1 lần, để DN có tích lũy, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây cũng là quan điểm của đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản.
Dự kiến vài ngày tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 để các bên đàm phán, thương lượng thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Doanh nghiệp Nhật đề nghị không tăng lương Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nói: “Cơ quan quản lý nên hạn chế tăng lương tối thiểu để duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu và mời gọi đầu tư nước ngoài”.Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, năm 2017, lương tối thiểu tăng bình quân 7,3% so với năm trước đó, nhưng CPI chỉ tăng 2,6%. Việc tăng lương khiến những ngành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam (như may mặc, giày da, các ngành gia công xuất khẩu) chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ông Hiroshi Karashima kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018. Cùng đó, việc đều tra về mức lương, đời sống người lao động cũng cần được công bố để doanh nghiệp nắm bắt. Quỳnh Nga |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn