Mặc dù phương thức “mua bán nhà ở được hình thành trong tương lai” mà thị trường hay gọi là “mua bán nhà trên giấy” đã từng để lại trái đắng cho biết bao người mua nhà, đến tận bây giờ sau bao năm dự án vẫn “đắp chiếu” còn người mua nhà “tiền mất tật mang”.
Bằng chứng là, một loạt các tên dự án như chung cư Binh đoàn 12 ở Ngũ Hiệp (Thanh Trì); chuỗi dự án của Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower và còn nhiều dự án khác không thể kế hết…. đã thu hàng nghìn tỷ của khách mua nhà nhưng sau hàng chục năm dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống chưa biết khi nào xong nhà!
Chuyên gia cho rằng, “bán nhà trên giấy” là hình thức mua bán không bền vững và Nhà nước nên cấm hình thức này. Ảnh: Minh Thư
Dẫu vậy, việc “mua nhà trên giấy” đến nay vẫn tiếp tục được sử dụng và có tính hấp dẫn cao với cả người mua và chủ đầu tư dự án. Một trong yếu tố hấp dẫn của “nhà trên giấy” với người mua là được trả góp dần tiền trong thời gian vài năm và giá nhà thấp hơn so với giá nhà đã hình thành. Còn đối với chủ đầu tư, phương thức này huy động được tiền nhàn rỗi, tiền tiết kiệm trong dân, giải quyết được một phần bài toán khó khăn về vốn.
Gần đây, việc công bố công khai các dự án đủ điều kiện được bán nhà hình thành trong tương lai được các Sở Xây dựng Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh thực hiện đồng loạt.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc công khai các dự án đủ điều kiện bán “nhà trên giấy” là tốt, giúp người dân có thể tìm hiểu được dự án nào đủ điều kiện, dự án nào chưa. Trước đây, chưa có việc công khai dự án được bán nhà hình thành trong tương lai đã xảy ra nhiều trường hợp có những dự án chưa được phép bán thì nhiều người đã đổ tiền đầu tư vào khi bị chủ đầu tư đưa ra thông tin lừa.
Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá, phương thức cho phép “bán nhà trên giấy” chắc chắn vẫn có những rủi ro cho người mua nên cần xem xét lại việc cho phép chủ đầu tư huy động vốn của người dân để phát triển bất động sản .
“Nhiều lần tôi đã có khuyến cáo là việc huy động vốn từ người dân nên chấm dứt ở Việt Nam vì đã tạo ra nhiều hệ lụy từ việc các nhà kinh doanh bất động sản huy động tiền của người dân. Rất nhiều trường hợp người kinh doanh bất động sản bắt cá hai tay, một tay huy động tiền của dân chúng để hoàn thành dự án, tay kia đến ngân hàng để vay với tài sản hình thành trong tương lai, đến cuối cùng người dân không được cấp sổ đỏ vì ngân hàng chưa được trả tiền hết thì không giải chấp cho tài sản đó, thành ra người dân dù có đóng đủ 100% giá trị tiền mua nhà thì cũng không có quyền sở hữu trên căn nhà đó được. Từ đó, đưa ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản và thiệt hại cho người dân”, ông Hiếu phân tích.
Còn TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, “bán nhà trên giấy” là hình thức mua bán không bền vững và Nhà nước nên cấm hình thức này. “Bán nhà trên giấy” là một hình thức bán hàng vì lợi ích của bên cung chứ không phải bên cầu, trong khi đó đã gọi là thị trường thì bắt buộc phải cân bằng lợi ích của bên cung và bên cầu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà lại cho rằng, việc công bố dự án đủ điều kiện “bán nhà trên giấy” là tốt cho người mua, giúp người mua tránh được những rủi ro trong việc chủ đầu tư huy động vốn không đúng mục đích.
Theo ông Hà, việc công khai dự án đủ điều kiện “bán nhà trên giấy” đã tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán vốn khó khăn trong đầu tư kinh doanh bất động sản nên hiện nay người mua nhà ở đang rất an toàn.
“Cơ quan chức năng nên tiến hành công bố thông tin về dự án đủ điều kiện mua bán một cách thường xuyên hơn bởi dự án ra hàng ngày, hàng tuần, nếu công bố sớm khách hàng sẽ biết từ đó tránh được rủi ro”, ông Hà nói.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý nên theo dõi thị trường chặt chẽ hơn và các Sở Xây dựng nên đưa ra những thông tin về các chủ đầu tư, dự án gây thiệt hại cho người dân.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn