Lập nghiệp trên quê mới
Đi bằng xe gắn máy từ thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông, vượt hơn 20km đến ngã năm kênh Hồng Kỳ, xã Phú Cường, chúng tôi đã tìm tới cơ ngơi của ông Đỗ Văn Được (Út Được). Tận mắt chứng kiến hệ thống máy cấy lúa, máy gieo hạt giống, xe tàu vận chuyển… của ông Út Được mới thấy thật quy mô.
Ông Đỗ Văn Được (trái) bên hệ thống máy cấy lúa hiện đại đem lại thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm của mình. Ảnh: T.T.T
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng cơ sở, ông Út Được không ngần ngại kể về quãng đời lập thân, lập nghiệp đầy ngoạn mục của mình.
Anh Đỗ Văn Được hiện đang sở hữu trên 87ha lúa cùng 3 chiếc máy cấy lúa và hệ thống máy xay trộn xơ dừa, đất, máy gieo lúa giống, xe tải, phà vận chuyển… mỗi năm có khoản lợi nhuận trên dưới 3 tỷ đồng. Với hiệu quả khả quan trên, ông Đỗ Văn Được đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp… |
Út Được là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em ở xã Giang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1991, do cuộc sống quá khó khăn, Được cùng người anh rời quê nhà lên huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp dựng cái chòi lá trên bờ kênh Đồng Tiến ở ấp B, xã Phú Cường để tìm kế mưu sinh. Út Được nhớ lại: “Làm thuê một thời gian, thấy ở đây dễ sống, anh em quyết định lập nghiệp ở đây luôn. Năm 1996 anh lấy vợ, được ba mẹ vợ cho 30 công đất, lúc đó chỉ làm một vụ trong năm nên kinh tế rất khó khăn, phải đi làm thuê, buôn bán bươn chải…”.
Thời gian cực khổ nhất là lúc vợ chồng Út Được bắt tay cải tạo 3ha đất ruộng bị nhiễm phèn nặng mà ba mẹ vợ chia cho. Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuối cùng ông cũng cải tạo được mảnh ruộng của mình, từ canh tác 1 vụ lúa năng suất thấp lên canh tác 2 vụ lúa/năm cho năng suất và chất lượng cao.
Không dừng lại ở đó, nhờ biết tính toán trong làm ăn và tiết kiệm, đến nay gia đình Út Được đã sở hữu 87ha đất ruộng cùng nhiều tiện nghi, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống… Nói chuyện với chúng tôi, ông Được chia sẻ: “Năm 2011, tôi có tham quan trình diễn máy cấy hiệu Kobuta ở HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường. Lúc ấy đã thấy khoái rồi, nhưng máy cấy lúa lúc đó chưa thích hợp với nông dân. Tập quán nông dân bây giờ là sạ dày, mình mua máy cấy lúa thưa 3 tấc về thì không làm được. Hơn nữa, lúc đó chưa có chính sách hỗ trợ nông dân nên chưa mạnh dạn mua”.
Phải tới đầu năm 2015, khi có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp, vợ chồng ông bàn bạc và quyết định mua máy cấy lúa hiệu Yanmar. Mới đầu chỉ mua một chiếc, khoảng 1 tháng sau ông mua thêm 1 chiếc nữa. Đến nay ông có 3 chiếc máy cấy lúa. “Thời điểm đó, 1 chiếc máy cấy lúa trị giá 460 triệu đồng. Máy cấy lúa đem về phục vụ cho bà con mang lại hiệu quả cao, cấy hàng cách hàng 25cm, cây cách cây 1,4 - 1,6cm. Máy cấy làm hiệu quả, ngày càng có nhiều nông dân ưng…”- ông Được nói.
Thành tỷ phú cấy thuê
Hơn 2 năm nay, với 3 chiếc máy cấy lúa cùng máy gieo sạ… mỗi vụ lúa ông Được làm dịch vụ cấy thuê khoảng 300ha đất ruộng lúa cho bà con trong và ngoài huyện Tam Nông. Lợi ích của máy cấy lúa vừa tiết kiệm được thời gian gieo cấy bằng tay truyền thống, vừa giảm lượng giống lúa, giảm giá thành trong sản xuất, giúp lúa cứng cây, ít nhiễm sâu bệnh và nâng cao chất lượng hạt lúa, giá bán lúa cao và tăng lợi nhuận.
Không chỉ cấy thuê, ông Được còn làm luôn công đoạn mạ khay. Trước khi có mạ để đưa lên máy cấy, ông Được đưa 300kg xơ dừa khô và 100kg đất vào máy xay nhuyễn và trộn lẫn vào nhau. Lúa giống đem ngâm ủ 2 ngày đêm cho nứt nanh. Sau đó, đưa lúa giống đã nứt nanh cùng hỗn hợp xơ dừa khô và đất vào hệ thống dây chuyền máy gieo hạt trên khay ủ thêm 2 ngày đêm nữa. Tiếp đó, đem trải ra sân rộng tưới nước thường xuyên mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Mười ngày sau, đưa mạ lên máy và đem cấy xuống ruộng.
Trung bình, mỗi ha ruộng thuê 1 máy cấy trong 2 giờ có giá 4,5 triệu đồng. Nếu thuê cấy bằng tay hay sạ lan truyền thống sẽ tốn chi phí trên 5 triệu đồng/ha và phải thuê tới 50 nhân công cấy liên tục từ 2 giờ trở lên...
Ông Lê Văn Hùng ở ấp 3, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thuê máy của ông Được cấy lúa cho 50ha đất ruộng của mình. Ông Hùng rất hài lòng với hiệu quả máy cấy lúa của ông Được. Ông Hùng cho biết: “Vụ lúa nào tôi cũng kêu anh Được đưa máy đến cấy lúa trên 50ha đất ruộng của tôi. Tôi thấy máy cấy nó quá tiện lợi trong việc thay thế rất nhiều nhân công và tiết kiệm được thời gian, giá thuê mướn cũng giảm nhiều. Lúa cấy máy đồng đều và dễ chăm sóc hơn cấy bằng tay truyền thống, ai cũng thích hết trơn…”.
“Công nhân” cấy thuê có lương 9 triệu đồng/tháng
Hơn 2 năm nay, cơ sở dịch vụ máy cấy lúa thuê của ông Út Được đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương có mức thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ông Phan Thanh Cường Em ở ấp Gò Cát, xã Phú Cường – công nhân của anh Được hơn 2 năm nay chia sẻ: “Từ khi theo anh Út Được tới giờ cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước. Lúc trước mần mướn thu nhập không cao, đi cấy lúa bằng tay mỗi ngày cấy tới 11 giờ về mỗi người cũng chỉ được 15.000 đồng; còn làm cho anh Út ở đây một ngày được 300.000 đồng. Công việc ổn định hơn. Lúc trước, vào thời vụ, công việc cấy lúa chỉ 5 - 7 ngày là hết, còn làm cho anh Út thì liên vụ, hết đồng này chuyển qua đồng kia, có khi cấy tới ranh giới Campuchia. Hai vợ chồng tôi nếu làm tới chiều thu được 500.000 đồng, còn trước đây đi cấy giặm bằng tay hai vợ chồng chỉ được 200.000 đồng”.
Từ nguồn lợi nhuận đáng kể trên, nhiều nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông đã thuê máy cấy lúa của ông Đỗ Văn Được, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng một phần diện tích ruộng lúa của nông dân ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Ông Út Được bày tỏ: “Sắp tới tôi sẽ rủ anh em mua thêm máy cấy lúa để thành lập Tổ hợp tác cấy lúa bằng máy phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân, để hạt gạo của mình đạt chuẩn, chứ cứ gieo sạ truyền thống thì hạt gạo nhỏ lắm…”.
Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông đánh giá: “Tôi thấy anh Được là nông dân hiện đại, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào đồng ruộng. Anh Được đã tiên phong đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, có áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác để giảm giá thành…”.
Ông Đỗ Văn Được hiện đang sở hữu trên 87ha lúa cùng 3 chiếc máy cấy lúa và hệ thống máy xay trộn xơ dừa, đất, máy gieo lúa giống, xe tải, phà vận chuyển… Mỗi năm có khoản doanh thu trên dưới 3 tỷ đồng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn