Ông Vũ Huy Hoàng và thất bại của mục tiêu công nghiệp hoá

Thứ bảy - 13/08/2016 23:50

Ông Vũ Huy Hoàng và thất bại của mục tiêu công nghiệp hoá

Trong báo cáo đánh giá cuối nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XIII đã thừa nhận, nhiều mục tiêu của Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH HĐH) đất nước vào năm 2020 cơ bản là không đạt được. Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương có trách nhiệm gì không trong thất bại có tính chiến lược này?

Những bê bối cuối nhiệm kỳ khiến người ta phải nhìn lại vai trò điều hành ngành Công Thương của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Có thành tích nhất định nhưng ...

Trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp của mình, có thể cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng không phải là không có những thành tích nhất định. Việc Việt Nam ký được hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng, giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như FTA với Hàn Quốc, EU...và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vai trò khá lớn của Bộ Công Thương và là người đứng đầu ngành, công bằng mà nói, ông Vũ Huy Hoàng cũng vai trò nhất định trong việc chỉ đạo.

Cũng trong 2 nhiệm kỳ qua, một số chuyển biến của ngành Công Thương cũng đáng được ghi nhận như xuất khẩu tăng trưởng mạnh về kim ngạch, có sự chuyển dịch nhất định về cơ cấu xuất khẩu, tỷ lệ mặt hàng xuất khẩu qua chế biến có tăng lên.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả, chuyển biến trên, nhìn lại ngành Công Thương gần 10 năm, thời kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, sự kém cỏi, lạc hậu ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở các ngành công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo...cho thấy, sự yếu kém công tác quản lý của ngành mà ông Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm nhất định.

Mặc dù PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch bị thua lỗ nghiêm trọng nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã ký đề xuất phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới"

Sự thất bại của các ngành công nghiệp "mũi nhọn"

Sự thất bại của việc đạt được các mục tiêu chiến lược của quá trình CNH HĐH đất nước dược xác định vào năm 2020, cho dù có nhiều lý do ngay từ cách đặt ra mục tiêu, rồi đến qúa trình tổ chức thực hiện, nhưng cũng có vai trò nhất định ở ngành Công Thương với vị trí là ngành nắm giữ, quản lý các ngành công nghiệp then chốt: Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Cơ khí...khi các ngành này cũng không đạt các mục tiêu CNH và HĐH.

Trong 10 năm qua, Tổ công tác Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam, trong đó có các thành viên chủ chốt là lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn luôn loay hoay với danh sách các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Ban đầu, Tổ này đưa ra tới 12 ngành mũi nhọn: Điện tử, ôtô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp. Đi kèm là danh sách các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, động cơ, khung xe, thân máy, bo mạch in...

Nhưng sau này, vào tháng 3/2012, danh sách trên còn có 5 ngành để đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải.

Tuy nhiên từ 2004 đến nay tranh cãi hình như vẫn đang tiếp diễn. Năm 2007 (ngày 23/4/2007) Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển.

Theo đó, cả nước chỉ có 3 ngành công nghiệp mũi nhọn là cơ khí chế tạo (ôtô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số). Các ngành công nghiệp nói trên được ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất khi đầu tư, được hỗ trợ xúc tiến thương mại...

Nhưng từ đó đến nay 3 ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển rất chậm và chưa có biểu hiện sẽ trở thành động lực để dẫn dắt các ngành kinh tế khác. Thậm chí những ngành như cơ khí, điện tử còn thiếu nền tảng cơ bản với công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.

Sau gần 5 năm kể từ khi Quyết định trên được ban hành, cơ bản Việt Nam vẫn đang loay hoay với công việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn. Cho đến nay, có thể nói ngoài một số ngành như dệt may, sản xuất xe máy, phần lớn các ngành công nghiệp đều èo uột. Hầu hết các ngành công nghiệp đều không có thiết kế riêng, không nhận được chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ thiếu và yếu, trình độ người lao động yếu và thiếu...

Có lúc người ta muốn đưa công nghiệp ôtô là ngành mũi nhọn bởi ngành này nếu phát triển được sẽ thúc đẩy các ngành khác: điện tử (chiếm khoảng 30% giá trị/sản phẩm ô tô), công nghệ vật liệu, chế tạo máy...Nhưng cho đến nay, cơ bản ngành này cũng thất bại. Ngành công nghiệp điện tử cũng tương tự, các DN vẫn chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp, chỉ sử dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai hạ tầng và thuế, không có sản phẩm riêng, định hướng phát triển đến nay vẫn chưa thấy.

Công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp cũng vậy có rất ít các cơ sở sản xuất đúng nghĩa, chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc... về lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ nghèo nàn và giản đơn.

Tất cả những điều này dẫn đến hiện trạng một ngành công nghiệp lạc hậu, trì trệ, kém sức cạnh tranh, khiến tỷ lệ nhập siêu rất cao và không thể đảm bảo đạt các mục tiêu về công nghiệp hoá.

Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng liên lục phải trả lời chất vấn trên Quốc hội về nhiều yếu kém trong quản lý ngành

Vai trò của Cựu Bộ trưởng Công Thương

Một chuyên gia Nhật Bản- Giáo sư Kennichi ONO, chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển công nghiệp ở Việt Nam cũng đã nhận xét rằng, từ khi ông đến Việt Nam làm việc đến nay hơn 10 năm, người ta vẫn cứ loay hoay tìm kiếm các ngành công nghiệp mũi nhọn. "Và như vậy, làm sao có thể thực hiện được một chiến lược công nghiệp hoá?", ông nói ở một hội thảo.

Là một Bộ nắm giữ hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng nhất, không thể không nói đến vai trò của Bộ Công Thương trong việc tư vấn, đề xuất với Chính phủ, trong việc triển khai các chính sách thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp để thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá. Sự yếu kém của nhiều ngành công nghiệp lớn như vậy, là có trách nhiệm của Bộ Công Thương nói chung và cựu Bộ trưởng Bộ này, ông Vũ Huy Hoàng, với vai trò người đứng đầu ngành nói riêng. Tại nhiều phiên họp chất vấn của các đại biểu Quốc hội khoá XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã liên tục chất vấn ông Vũ Huy Hoàng về những yếu kém trong quản lý ngành, trong đó, có sự kém cỏi trong điều hành, chỉ đạo phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Trao đổi với Dân trí, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trong 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Công Thương của mình, ông Vũ Huy Hoàng không thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tốt trong thực hiện các chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp. "Về cơ bản, nhìn đâu cũng thấy những yếu kém, nhiều lĩnh vực lạc hậu, tụt hậu thì làm sao đạt được mục tiêu CNH?", ông nói.

Trong nhiệm kỳ cuối của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, dễ nhận thấy, có hàng loạt dự án công nghiệp qui mô lớn, có vốn đầu tư từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí nhiều dự án trong tình trạng thua lỗ, đắp chiếu, phá sản...: Dự án đầu tư mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên-Giai đoạn II, Nhà máy Đạm Binh Bình, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, một loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol...

Những dự án, công trình này đều là những dự án công nghiệp rất quan trọng, vốn đầu tư rất lớn nhưng thua lỗ, trì trệ làm mất đi một nguồn lực to lớn cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp nói chung và của cả nền kinh tế.

Một chuyến công tác Châu Âu, tranh thủ ra sân golf của ông Vũ Huy Hoàng với nhiều cán bộ thân tín của ông

Nhưng điều tệ hại hơn, là người đứng đầu ngành Công Thương, trong thời gian làm Bộ trưởng, nhất là ở nhiệm kỳ cuối, cựu Bộ trưởng Công Thương đã có những dấu hiệu bất minh khi để con cái, người thân tín của mình, người năng lực yếu kém...được sắp xếp, bổ nhiệm vào các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ hoặc vào một số vị trí quan trọng trong một số bộ phận quản lý của Bộ này về chính sách phát triển công nghiệp. Ví dụ như việc để con trai là Vũ Quang Hải về làm việc tại Sabeco (vị trí thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc), ông Đào Thanh Hoài, thư ký về làm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương, ông Võ Thanh Hà, thư ký về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco...

Một số người là lãnh đạo những doanh nghiệp có qui mô lớn như Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí) gây thua lỗ lớn thì được sắp xếp về bộ, liên tục được bổ nhiệm, thăng tiến qua nhiều chức vụ khác nhau. Gần đây báo chí lại nêu thêm việc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí PVTex- một doanh nghiệp cũng thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, được sắp xếp về làm lãnh đạo Cục An toàn kỹ thuật công nghiệp rồi lại điều đi Tập đoàn Hoá chất, một đơn vị lớn trực thuộc Bộ Công Thương....

Mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp với giá trị công nghiệp chiếm khoảng 40-41% tỷ trọng trong GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cho đến nay, được nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không thể đạt được.

Nhìn vào cung cách quản lý, điều hành, nhất là công tác quản lý nhân sự của một nhà lãnh đạo như vậy, ngành Công Thương làm sao có thể đảm nhiệm tốt vai trò là một trong những cơ quan đầu mối, có trách nhiệm cao nhất thực hiện các nhiệm vụ cho chiến lược CNH, HĐH đất nước. Sự thất bại thấy rõ của chiến lược này, có thể nói, có phần trách nhiệm không nhỏ của Bộ Công Thương và đặc biệt là của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Mạnh Quân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây