Khan hiếm do cầu hay do hãng đẩy giá?
Trong khi thị trường xe nhập đóng băng, giá của nhiều loại xe du lịch dưới 9 chỗ trong nước từ đầu năm 2018 đến nay vẫn "bình chân như vại" - không hề giảm giá, nhiều hãng xe còn tăng giá một số dòng xe với lý do sản xuất không kịp doanh số hoặc do tỷ giá đang biến động, USD tăng giá, chi phí vận chuyển cao...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 01/1 cho đến hết ngày 15/3/2018, trong 2 tháng 15 ngày, Việt Nam mới chỉ nhập trên 2.300 chiếc xe con, số xe nhập về chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng số xe nhập trong 15 ngày đầu của tháng 3/2018.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 2/2018, doanh số bán hàng toàn thị trường của xe du lịch đã giảm 53% cùng kỳ năm trước, lượng bán ra của hầu hết các doanh nghiệp lớn đều giảm mạnh do nhu cầu thị trường suy giảm, một số doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm lượng xe lắp ráp trong nước xuống trong bối cảnh nguồn cầu thị trường sau Tết chững lại, tâm lý người dân chờ mua xe nhập không thuế tăng cao.
Báo cáo trước Chính phủ, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký VAMA cho biết: "Cuối năm 2017, đầu năm 2018, mặc dù nhiều doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp xe hơi hoạt động hết công suất nhưng hàng ra đời vẫn không đủ xe để phục vụ thị trường. Nguyên nhân chính là lượng lớn xe nhập khẩu từ nước ngoài bị ngưng hoặc hủy hợp đồng do Nghị định 116/2017 (ban hành và có hiệu lực ngay ngày 17/10/2017)".
Lập luận của VAMA cho rằng giá xe tăng là do nhu cầu cao, các doanh nghiệp không sản xuất đủ sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, trong quý I (thời điểm sau Tết nguyên đán) doanh số thị trường đều giảm mạnh, năm nay thị trường lại càng giảm hơn khi từ đầu năm Việt Nam chính thức bỏ thuế nhập xe hơi nguyên chiếc từ Thái, Indonesia về nước.
Thị trường chững lặng, người mua chờ đợi do đó không thể có chuyện cầu tăng, cung tăng, khiến giá xe tăng như các báo cáo của giới chủ xe và hiệp hội chuyên ngành về ô tô được.
Tăng giá, khó nhập... luôn là lỗi của quy định, chính sách?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nhập khẩu xe ô tô về nước đang rất khó khăn, do yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu, kiểm định theo lô. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn nhập được xe, dù cho chủng loại xe đó xuất xứ từ Đức, Mỹ hay Nhật.
Theo một doanh nghiệp tư nhân lớn (đề nghị dấu tên), việc nhập xe sau Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 chỉ chậm hơn song không phải là không thể nhập được xe. Với yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại xe, hầu hết thị trường như Nhật Bản, Hàn hay các nước EU đều yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp, điều này là hợp lý bởi với mỗi xe sẽ có một yêu cầu về kiểu loại thiết kế riêng cho phù hợp khí hậu, địa hình, vóc người và đặc biệt là tay lái thuận hay nghịch để đảm bảo đứng chất lượng.
Còn về kiểm định theo lô thay vì chấp nhận theo chủng loại xe, đời xe như trước đây. Thực tế, trên thế giới một số nước đã làm điều này, đơn cử như Singapore, Nhật Bản... họ áp dụng khi thị trường xuất hiện lô xe nhập sau có phẩm cấp thấp hơn lô xe nhập trước, điều này Việt Nam đã từng xảy ra nhiều năm trước đây.
Nhiều chuyên gia cho hay, thời gian trước doanh nghiệp tư nhân thành lập được vài năm đã nhập nhiều lô xe về sau đó phá sản, để lại nhiều loại xe có phẩm cấp thấp kém, bán ra thị trường và người tiêu dùng lĩnh đủ.
Tuy nhiên, hiện hầu như việc DN tư nhân nhập xe, tự đứng ra nhập xe đã không còn. Mối nhập xe hơi về Việt Nam duy nhất và chủ yếu là nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân lớn, liên doanh chính hãng mới có thể nhập được xe.
Điều này cũng khiến thị trường xe nhập đã và đang bị các hãng, doanh nghiệp lớn chi phối toàn bộ. Nhập hay không nhập đều do các hãng, liên doanh quyết định. Vì thế mới phát sinh chuyện không nhập xe về để đổ lỗi cho chính sách, Nghị định, Thông tư, trong khi mục đích chính của các DN, hãng là hạn chế nhập, chờ giá xe ổn định trên thị trường mới nhập xe về.
Chính vì thực tiễn trên, khá nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ nên nới lỏng quy định kiểm định xe theo lô, thay vào đó là tăng cường hậu kiểm và xử phạt bằng các cơ chế: "buộc tái xuất, hoặc tạm dừng quyền nhập khẩu" xe hơi đối với doanh nghiệp khi phát hiện làm ăn gian dối.
Trên thực tế, Chính phủ cũng đang xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp để vừa đảm bảo tôn trọng tính thị trường nhưng bảo vệ người tiêu dùng, khuyến khích sản xuất trong nước, các quyết định sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhất hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe hơi cần giúp cho người tiêu dùng an tâm với chính sách giá của mình, không nên đưa người tiêu dùng vào thế buộc phải chấp nhận giá, hoặc câu kết với nhau tăng giá, khiến cho niềm tin vào thị trường, doanh nghiệp xe hơi ngày càng suy giảm, vụn vỡ.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn