Làm nhà máy thép lãi lớn: "Ngu gì không đầu tư"

Thứ tư - 07/09/2016 11:19

Làm nhà máy thép lãi lớn: "Ngu gì không đầu tư"

Nói về siêu dự án thép Cà Ná hơn 10 tỷ USD, ông chủ Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ.
(Ảnh minh hoạ).

Tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra hôm qua (6/9), cổ đông của Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) đã thông qua dự án tổ Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, dự kiến dự án sẽ được triển khai với sự tư vấn độc lập của công ty đến từ Mỹ là Global Metal Consulting (GMC) với chi phí hàng triệu USD.

Nói chi tiết về dự án, ông Vũ cho biết, việc lựa chọn công nghệ nào để thực hiện dự án sẽ trả lời cổ đông sau. Tuy nhiên ông Vũ cũng cho biết đa số các nhà cung cấp thiết bị cho nhà máy thép hiện nay trên toàn thế giới như Ấn Độ, Úc, Đức… đều đặt xưởng sản suất tại Trung Quốc vì dung lượng thị trường lớn, chi phí nhân công rẻ.

"Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Còn nếu bắt tôi ký mua công nghệ 100% châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng không làm nổi. Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất", ông Vũ cho biết.

Lý giải về việc triệu tập đại hội cổ đông để thông qua dự án thép Cà Ná giữa tâm bão Formosa và bão dư luận, ông Vũ cho rằng, thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ.

Đồng thời khuyên nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”. Thậm chí, ông Vũ cũng cho rằng, nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát quý vừa rồi lãi đến 2.000 tỷ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.

"Các nước đã chứng minh, khi nền kinh tế phát triển thì lập tức lĩnh vực thép tăng trưởng mạnh. Cho nên chúng ta đầu tư thép là đúng quy luật và đây là cơ hội vàng. Thứ hai, hiện nay thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, đó là cơ hội của doanh nghiệp Việt", ông nhấn mạnh.

Bình luận về những phát biểu của ông Lê Phước Vũ, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: "Ông chủ của Hoa Sen nói không sai. Các nhà đầu tư nắm trong tay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, không dễ mà hành động sai".

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, cần phải lưu ý rằng: "Giá năng lượng, cụ thể là giá điện cho sản xuất, bị định giá sai. Mức giá điện đang bị định thấp đến nỗi, những nhà đầu tư thông minh, trong nước hay ngoài nước, đều hiểu rằng sẽ lời to nếu đầu tư vào các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng. Và quy mô đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng lớn (so với việc đặt nhà máy ở một nước xung quanh.) Và tất nhiên, năng lượng tiêu tốn càng lớn".

Theo ông Thành, cả nước trợ cấp cho giá điện sản xuất, tức là trợ cấp lợi nhuận cho các ông lớn nhất. Khi sản phẩm được xuất khẩu, thì là cả nước đồng lòng trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Ngoài ra, việc dễ dãi trong phát thải gây ô nhiễm môi trường, không buộc các doanh nghiệp phải tính đủ việc bảo đảm bảo vệ môi trường vào chi phí hoạt động, cũng là một loại trợ cấp không khác gì trợ cấp giá năng lượng hay ưu đãi thuế.

"Tuy nhiên, người trợ cấp cho doanh nghiệp chính là người dân ở vùng đó, chứ không phải ngân sách. Họ mang mạng sống của họ và gia đình họ trợ cấp cho lợi nhuận khổng lồ của các công ty gây ô nhiễm", ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, muốn Formosa rút khỏi Việt Nam, muốn Hoa Sen "mặt cắt không còn giọt máu" khi được hỏi về dự án thép 10 tỷ USD, chỉ cần đưa giá điện sản xuất về giá thị trường và kiểm soát chính xác quá trình phát thải của các nhà máy, thu phí gây ô nhiễm đúng quy định, đúng mức phát thải. Đồng thời, không ưu đãi đầu tư (bằng thuế hoặc giá đất) cho các dự án tiêu tốn năng lượng hoặc có phát thải gây ô nhiễm.

"Chỉ cần cho họ bình đẳng như mọi ngành nghề bình thường khác. Hãy bình thường, thì mọi thứ sẽ bình thường", ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016 hôm 25/8, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đậm chất kinh tế tiểu nông, nhỏ lẻ, đóng kín, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu.

Đáng lưu ý, ông Thiên cho rằng, ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng xung đột cung - cầu năng lượng. Giá điện ở Việt Nam hiện nay thấp, khuyến khích người tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất năng lượng, khuyến khích sản xuất lạc hậu. Sau 55 năm Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong "cơ sở công nghiệp hóa", nền tảng của nước công nghiệp phát triển hiện đại.

"Chính vì vậy, ngành năng lượng cần đặt mục tiêu bao nhiêu năm sẽ thay đổi được cơ chế giá. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy vượt lên để thay đổi đẳng cấp. Cùng với đó, cơ chế thị trường cần thay đổi cơ bản nhưng không gây xung đột xã hội bởi giá điện mang tính chính trị rất cao", vị chuyên gia khuyến nghị.

Về việc cấp phép đầu tư các dự án thép, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước”.

Theo ông Mại, hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, do đó, Việt Nam có thể đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép. Ông cũng cho rằng, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7 với giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

Theo ông Mại, Việt Nam không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, như tại Trung Quốc hiện đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường.

Phương Dung

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây