“Không còn không khí để thở”
Sáng 7/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần 8 về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II, những tháng cuối năm 2017. Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, nên “nới” quy định về chiều cao các tòa nhà tái định cư chung cư cũ trên địa bàn phố cổ. Ông Khôi cũng đề nghị nên nghiên cứu giải pháp làm ngầm tại các vườn hoa để làm điểm giao thông tĩnh hoặc trung tâm thương mại.
“Nếu có cơ chế phù hợp thì các nhà đầu tư đều sẵn sàng. Cũng cần sửa đổi quy chế xây dựng khu phố cổ. Cấm làm tầng hầm ở khu phố cổ là không hợp lý”, ông Khôi nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trường Phong.
Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng cũng cho rằng, nếu trong 4 quận nội thành mà cứ quy định 9 tầng thì rất khó và không có điều kiện để xây dựng Thủ đô hiện đại. “Tôi nghĩ rằng, 10 chung cư cũ thì xây 2 cái cao tầng để tái định cư toàn bộ tại chỗ. Những địa điểm còn lại thì làm hạ tầng thương mại, vườn hoa, công viên, trường học, công trình công cộng”, ông Nam nói. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt nêu thực tế, di chuyển nhiều nhà máy ra ngoại thành nhưng quỹ đất lại dùng để xây nhà cao tầng.
“Cho nên dân số tăng rất nhiều, mà có lần tôi nghe một chuyên gia nói là cứ xây cao tầng thế này, đến không khí thở còn khó chứ chưa nói gì đến giao thông”, ông Việt nói. Theo ông Việt, phải đặt dấu hỏi là tại sao không dành đất đó cho trường học, cho cơ sở văn hóa mà cứ xây nhà. Bài toán đặt ra là phải xã hội hóa để có tiền đền bù, mà thế thì phải xây chung cư mới cân đối được.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho rằng, để Thủ đô phát triển xứng tầm, thành phố cần làm tốt hơn nữa vấn đề quy hoạch và quản lý sau quy hoạch. Bởi theo ông Khương việc quản lý sau quy hoạch ở Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập. Ông Khương đưa ra ví dụ như Quốc lộ 1A đang được mở rộng hiện nay có cốt còn cao ngang tầng 1 của Bệnh viện Nông nghiệp 1. Theo ông Khương, điều này phản ánh bất cập trong quy hoạch không có cốt chuẩn.
Ông Khương cũng cho rằng, những vi phạm về quy hoạch, vi phạm về chiều cao ở khu chung cư Đại Thanh cũng là do những bất cập trong công tác quản lý. “Việc cho doanh nghiệp vào xây dựng khu chung cư hỗn hợp Đại Thanh, chúng tôi cho rằng sự bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo huyện không thấu đáo. Do vậy dẫn đến vi phạm quy hoạch, vi phạm tầng cao…, đến bây giờ ban thường vụ chúng tôi đang bị kiểm điểm”, ông Trần Văn Khương giãi bày.
Sợ nhờn luật
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý xây dựng và trật tự đô thị, tài nguyên môi trường. “Đề nghị tất cả các đồng chí bí thư và chủ tịch rà soát lại các trường hợp vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn mình để giảm dần số tồn đọng. Phải quyết liệt hơn và không để phát sinh những trường hợp mới. Cứ phát sinh khoảng 2.000 vụ/năm thì không cách gì chúng ta xử lý được”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, về việc này, thành phố đã xử lý rất nghiêm, chuyển nhiều vụ sang công an điều tra và xử lý hình sự. “Nếu chúng ta không quyết liệt xử lý người ta sẽ nhờn pháp luật. Đây là việc phải quan tâm trong thời gian tới”, ông Hải yêu cầu. Liên quan đến chiến dịch đòi lại vỉa hè, theo ông Hải, người dân hợp tác rất tốt với chính quyền, tuy nhiên, “một số quận huyện làm hơi bị quá”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu tất cả các sở ngành, quận huyện phải rà soát lại những vấn đề còn gây khó khăn cho doanh nghiệp để tháo gỡ. “Coi Hà Nội là điểm đến của đầu tư, tuy vậy vẫn còn tình trạng ở sở ngành, quận huyện gây khó dễ, vẫn không coi việc đó là sự thành công của mình, không coi doanh nghiệp đến đầu tư là giúp mình”, ông Hải nói. Theo ông Hải, vẫn còn lời ong tiếng ve về vấn đề này. “Chúng tôi rất mong muốn là lúc nào cũng phải tự phê mình. Mình còn có thể làm tốt hơn thì cố gắng làm để tháo gỡ cơ chế”, ông Hải nói.
Dẹp vỉa hè còn cứng nhắc Báo cáo của UBND thành phố nêu: Việc triển khai ra quân, quản lý vỉa hè, lòng đường một số nơi còn cứng nhắc, nóng vội như phá bục, chặt hạ cây xanh, vạch ranh giới không đủ chỗ để xe máy, cần rút kinh nghiệm. Việc quản lý vỉa hè lòng đường cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, địa phương, các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của nhân dân (phải thông báo với nhân dân trước khi tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ). |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn