“Đây là thời điểm khó khăn cho Việt Nam” – nhận xét này được HSBC đưa ra tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa phát hành trưa nay (9/8).
Cụ thể, theo HSBC, mặc dù nền kinh tế Việt Nam thể hiện khá tốt so với các nước trong khu vực, nhưng những ảnh hưởng của đợt hạn hán này đối với nền kinh tế vẫn cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% do Chính phủ đề ra khó có thể đạt được.
Đợt hạn này đã ảnh hưởng nặng đến sản lượng nông nghiệp, và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP nói chung vì nông nghiệp chiếm 13% trên toàn nền kinh tế - một tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Nhưng điều đó cũng có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu tiêu dùng vì thu nhập nhà nông giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của 24 triệu nông dân vốn chiếm gần nửa lực lượng lao động cả nước.
Những khó khăn này cùng với những bất ổn tồn tại xung quanh nền kinh tế toàn cầu đã buộc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thừa nhận rằng “Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,6%” trong nửa sau của năm 2016.
“Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng sẽ nằm xung quanh mức 6% trong năm nay (dự báo tăng trưởng GDP của chúng tôi là 6,3% trong năm 2016 và 6,6% trong năm 2017) tương ứng với mức dự báo của Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này vừa mới đây cũng đã giảm mức dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 từ 6,2% xuống còn 6%. Một khi điều kiện thời tiết quay trở lại bình thường thì sản lượng nông nghiệp cũng như thu nhập nhà nông mới bắt đầu phục hồi”, bản báo cáo nêu.
Mặc dù vậy, báo cáo của HSBC cũng đưa ra nhận định, triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn còn nhiều lạc quan mặc dù hiện tại có rất nhiều khó khăn.
“Các chuyên gia đều thừa nhận khả năng không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Đây không hẳn là điều xấu, khi có một sự thúc đẩy mù quáng cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn có thể dẫn đến tình trạng lạm phát cao không mấy dễ chịu, tiền đồng bị suy yếu và các nguồn lực được phân bổ thiếu hiệu quả - đặc biệt là nguồn lực tín dụng trong trung hạn”, theo HSBC.
HSBC cũng cho biết, tổ chức này “nuôi dưỡng nhiều tia hy vọng” rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng sẽ được phê chuẩn.
Đây là một thỏa thuận thương mại ưu đãi do Mỹ dẫn đầu được ký kết giữa 12 quốc gia trong khu vực vành đai Thái Bình Dương đang nắm giữ gần 40% GDP của cả thế giới. Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều đã bày tỏ sự phản đối đối với thỏa thuận này trong chiến dịch tranh cử căng thẳng vào ngày 8/11/2016 sắp tới, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi khi mọi việc đã lắng lại hậu bầu cử.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn