Giấy phép kinh doanh “biến tướng”?

Chủ nhật - 18/06/2017 11:19

Giấy phép kinh doanh “biến tướng”?

Tại hội thảo về điều kiện kinh doanh năm 2017 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra các kiểu “giấy phép con” khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn như đặt ra điều kiện kiểu “con gà quả trứng”.

Nhan nhản “giấy phép con”

Ông Phan Đức Hiếu, Viện trưởng CIEM cho biết hiện có danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương ứng với các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cấu trúc phức tạp khi đưa ra rất nhiều điều kiện “con”, nên tạo ra khó khăn, gánh nặng chi phí, thậm chí là rủi ro lớn cho người kinh doanh.

Ví dụ ngành kinh doanh kế toán, phải bảo đảm tỉ lệ góp vốn của kế toán viên, có ít nhất hai thành viên và có đăng ký hành nghề. Song điều kiện kinh doanh lại đặt ra yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, tính liêm khiết, có bằng tốt nghiệp đại học, có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên… là không phù hợp.

“Chúng tôi chưa thể truy ra hết tất cả các điều kiện kinh doanh dưới dạng giấy phép con. Đến nay chúng tôi mới thống kê được hơn 3400 điều kiện kinh doanh. Trong đó, ngành công thương với 700 điều kiện, y tế 327 điều kiện”, ông Hiếu nói.

Điều kiện kinh doanh gas, LPG theo kiểu "con gà, quả trứng" làm khó doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa internet

Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để nhận diện giấy phép kinh doanh không dễ dàng vì cơ quan nhà nước không dùng từ giấy phép mà nhiều loại khác nhau. Ví dụ việc thông báo giá, thông báo nhưng phải được cơ quan nhà nước xác nhận. Hay dự thảo thông tư mới của Bộ TTTT quy định Dán tem cho ấn phẩm xuất bản. Các  văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền nơi đơn vị kinh doanh nộp đơn đăng ký vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định NĐ 86; Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất ở thông tư 20.

“Thay vì cạnh tranh trực tiếp, nhiều đơn vị dùng giấy phép và điều kiện kinh doanh để loại đối thủ. Điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô, đưa ra điều kiện kinh doanh để loại các đối thủ và tạo quyền lợi cho một nhóm nhất định. Ví dụ cơ sở xét nghiệm, cấp chứng chỉ, cấp phép, xin phép...”, ông Tuấn nói. 

Muôn mặt của 'điều kiện kinh doanh'

Theo đại diện VCCI, nhiều giấy phép kinh doanh với mục tiêu đặt ra không rõ hoặc chung chung. Tiêu biểu như việc đặt giấy phép nhập khẩu thiết bị in dù trên thực tế vẫn ổn từ trước đó. Việc giấy phép in này làm việc không cần thiết như can thiệp vào quyền tự do kinh doanh, người đứng đầu phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in (chứng chỉ do Bộ cấp).

Một số điều kiện kinh doanh kiểu “con gà quả trứng” như điều kiện kinh doanh của thương nhân phân phối LPG, tổng đại lý kinh doanh LPG, đại lý kinh doanh LPG tại NĐ 19/2016. Theo đó, thương nhân phân phối LPG kinh doanh chai LPG phải có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Thương nhân phân phối LPG “chỉ ký hợp đồng đại lý với thương nhân đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG”. Có nghĩa, thương nhân phân phối LPG chỉ được ký hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG.

Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG: “có hợp đồng đại lý tối thiểu 01 năm, còn hiệu lực với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG phải có “Bản sao hợp đồng đại lý kinh doanh LPG với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”. Có nghĩa, tại thời điểm tổng đại lý chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG, đã phải có hợp đồng đại lý kinh doanh LPG với thương nhân phân phối LPG (thương nhân đầu mối).

Như vậy, có thể thấy, điều kiện kinh doanh của các chủ thể trên đang trở thành vòng tròn: muốn làm tổng đại lý phải có hợp đồng đại lý với thương nhân phân phối, thương nhân phân phối chỉ ký hợp đồng đại lý với tổng đại lý đã đủ điều kiện. Nếu chấp hành đúng quy định này thì thương nhân sẽ không thể đáp ứng được điều kiện làm tổng đại lý vì không thể có được Hợp đồng đại lý với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối?

Trường hợp khác, điều kiện kinh doanh nhưng không có cách nào đạt được. Như Nghị Định 86 năm 2014 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô thì ô tô vận tải nội bộ cũng phải có phù hiệu, muốn có phù hiệu thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% thì không được cấp phép vận tải. Nên có những doanh nghiệp nước ngoài có đội xe vận tải riêng của mình không có cách nào để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Hơn nữa, có điều kiện kinh doanh chặt nhưng không có ý nghĩa, dễ lách. Ví dụ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có quy định “xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác”, (trích từ Điều 17 NĐ 86 2014 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô).

Theo VCCI, điều kiện kinh doanh là giảm sức cạnh tranh như giấy phép kinh doanh và các điều kiện kinh doanh làm giảm sức cạnh tranh của taxi truyền thống so với Uber, Grab, quy định về phải đặt tiền ký quỹ đối với hãng lữ hành du lịch tại Dự thảo Luật Du lịch và nguy cơ mất cạnh tranh với các mô hình dịch vụ du lịch mới Agoda, Booking….

“Với những điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp và người dân thường có quy trình ban hành tắt, không lấy ý kiến công khai. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế độc lập để kiểm soát bài toán chi phí lợi ích của việc duy trì hay đặt ra giấy phép”, đại diện VCCI kiến nghị.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây