Thái Lan, Indo đi trước
Chính phủ Indonesia vừa đẩy mạnh thêm bước nữa Chương trình phát triển ô tô điện bằng việc khuyến khích, thúc giục các DN nội địa hợp tác với những quốc gia có công nghệ cao, để cho ra đời sản phẩm ô tô điện vào năm 2018.
Từ năm 2012, nước này đã có Chương trình phát triển ôtô điện quốc gia, với mục tiêu sản xuất xe xanh hàng loạt. Đến 2014, ô tô điện Indonesia đã ra mắt, nhưng chưa đạt được mục tiêu đặt ra và tiếp tục được nghiên cứu.
Ô tô điện phát triển mạnh mẽ tại các nước
Việc xây dựng kế hoạch phát triển ô tô điện ở Indonesia có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan, các trung tâm khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong cả nước. Kể cả thời gian dự kiến sản xuất hàng loạt, năm 2018, cũng đã được tính toán kỹ lưỡng. Nước này không có lựa chọn nào khác trước việc nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan còn có tham vọng lớn hơn với kế hoạch trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới, tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn. Họ đã lên kế hoạch đào tạo cán bộ và chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc sản xuất ô tô điện, cùng nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là nghiên cứu, chế tạo pin nhiên liệu, công nghệ sạc.
Nhìn xa hơn, tại châu Âu, một loạt quốc gia đang xem xét việc cấm sử dụng ô tô động cơ đốt trong, sau khoảng 10 năm nữa.
Chính phủ Na Uy có kế hoạch sẽ cấm ô tô sử dụng xăng và diesel vào năm 2025. Hà Lan cũng đề xuất từ năm 2025 sẽ cấm bán xe động cơ đốt trong. Tại Đức, tới năm 2030 toàn bộ xe hơi đăng ký mới phải là xe không khí thải.
Từ 2025, rất có thể chỉ những xe chạy bằng năng lượng điện và hydro mới được phép lưuthông tại Na Uy (ảnh minh họa)
Việt Nam vẫn xe chạy xăng
Để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng tại Việt Nam, việc khuyến khích sử dụng các loại phương tiện giao thông sạch, như xe điện, là cần thiết.
Các nhà sản xuất cũng mong muốn thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam, nhưng rất cần có sự hợp tác của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các chính sách cụ thể, để khuyến khích người dân sử dụng.
Đại diện thương hiệu xe thương mại Fuso (thuộc tập đoàn Diamler - Đức) tại Việt Nam, ông Michael Behrens, cho biết, kế hoạch đến 2019 sẽ đưa ra thị trường, trong đó có Việt Nam, sản phẩm xe tải nhẹ sử dụng động cơ điện, phát thải ra môi trường là 0%. Xe có thể chở được 2-3 tấn hàng hóa và chạy được 100 km mới phải sạc điện. Thời gian sạc cũng rất nhanh, chỉ 1 giờ là có thể sạc đầy 80%. Pin này được bảo hành tới 10 năm.
Mitsubishi Việt Nam thì đã nhập mẫu xe thế hệ mới Outlander PHEV về Hà Nội, hoạt động hoàn toàn nhờ động cơ điện trong vòng 50km và động cơ xăng chỉ hỗ trợ. Xe có thể sạc điện thông qua các ổ cắm điện gia dụng trong gia đình. Sản phẩm đang được chào Bộ Công an, Bộ GTVT,... và bán đại trà đầu năm 2017.
Pin ngày càng được tích điện nhiều hơn, thời gian sạc nhanh hơn.
Giá ô tô điện ban đầu sẽ đắt hơn ô tô sử dụng động cơ xăng dầu thông thường, và ban đầu chưa đáp ứng được những đòi hỏi về mặt công nghệ. Khả năng tích điện còn thấp, hầu hết các xe chỉ chạy được quãng đường ngắn, thời gian nạp điện kéo dài, khả năng tăng tốc kém.
Tuy nhiên, về lâu dài xe điện rất có lợi thế. Các tính toán cho thấy, sử dụng xe tải điện sẽ giúp tiết kiệm 25 triệu đồng cho 10.000 km vận tải, bên cạnh đó là giảm 30% chi phí bảo hành so với xe sử dụng động cơ dầu.
Bên cạnh đó, công nghệ ô tô điện đang phát triển rất nhanh, pin ngày càng có khả năng tích điện nhiều hơn và thời gian sạc nhanh hơn. Các dự báo cho thấy, chỉ 10 năm nữa, đa số ô tô điện có thể chạy tới 400km cho mỗi lần sạc và thời gian sạc điện chỉ còn dưới 1 giờ. Ô tô điện sẽ có khả năng giao tiếp tốt với con người qua smartphone và rất được giới trẻ ưa chuộng.
Trong khi "làn sóng" phát triển ô tô điện, đang nổi lên mạnh mẽ trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng. Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào thực sự bài bản, khoa học và mang tính hệ thống về ô tô điện.
Tọa đàm mới nhất về công nghiệp ô tô do Bộ Công Thương tổ chức, vẫn chỉ tập trung vào việc "tính toán phát triển vào dòng xe nhỏ, thân thiện môi trường".
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, xe nhỏ chưa hẳn đã thân thiện với môi trường, bởi mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế không thấp như mong đợi. Nhiều mẫu xe nhỏ có dung tích xi lanh dưới 1.5L vẫn tiêu tốn xăng không kém xe 2.0L. Khi tiêu tốn nhiều nhiên liệu cũng đồng nghĩa với việc phát thải khí độc hại ra môi trường lớn.
Theo Trần Thủy
VietnamNet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn