Tăng 15%
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA, TP.HCM đang có hơn 500 dự án ngừng triển khai. Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho. Thế nhưng ngay cả các doanh nghiệp đang kinh doanh tốt thì hàng tồn kho cũng tăng nhanh.
Báo cáo tài chính quý IV năm 2016 của 52 doanh nghiệp bất động sản cho thấy, 25 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng so với năm 2015, 19 doanh nghiệp giảm lãi và 6 doanh nghiệp báo lỗ.
Điều đáng nói, tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp đã tăng 15% trong năm 2016, ở mức hơn 105.000 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vingroup dẫn đầu với hơn 32.133 tỉ đồng.
Theo đại diện Vingroup, trong số 32.133 tỉ đồng, 28.700 tỉ đồng thuộc những sản phẩm đã được người mua ứng trước tiền, không phải hàng tồn kho.
Tập đoàn Novaland gia nhập thị trường chứng khoán vào cuối năm 2016 cũng mang theo hơn 15.636 tỉ đồng hàng tồn kho. Trong khi, vào cuối năm 2015 thì hàng tồn kho của Novaland chỉ hơn 7.158 tỉ đồng.
Vingroup đang là doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho nhiều nhất
Đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách những công ty có lượng hàng tồn kho lớn nhất của ngành bất động sản là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc với 8.243 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô có mức tăng trưởng hàng tồn kho nhiều nhất. Cuối năm 2015, Hà Đô chỉ có 985 tỉ đồng hàng tồn kho. Nhưng đến cuối năm 2016, lượng hàng tồn kho của công ty này đã là 2.442 tỉ đồng, tăng 248%.
Trong 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn nhất cả nước còn có Sacomreal với 3.606 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền 4.762 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long 3.698 tỉ đồng, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 2.855 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh 1.619 tỉ đồng…
Nợ nhiều
Một điểm đáng lưu ý nữa là tổng dư nợ phải trả của các doanh nghiệp bất động sản có niêm yết trên sàn chứng khoán khoảng 238.000 tỉ đồng. Con số này tăng 24% so với cuối năm 2015 và chiếm đến 64% tổng tài sản ngành bất động sản. Trong đó, việc vay và nợ thuê tài chính ở mức hơn 82.00 tỉ đồng.
Sacomreal là công ty có mức nợ tăng nhanh nhất. Kết thúc quý IV năm 2016, tổng tài sản của Sacomreal là hơn 7.498 tỉ đồng. Thế nhưng nợ phải trả của công ty này lên tới 4.236 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 3.533 tỉ đồng, còn nợ dài hạn chỉ 702,7 tỉ đồng. Số nợ của Sacomreal đã vượt quá vốn chủ sở hữu, với 3.262 tỉ đồng.
So với năm 2015, nợ phải trả của Sacomreal đã tăng hơn 2.273 tỉ đồng. Riêng nợ ngắn hạn tăng 2.009 tỉ đồng, còn nợ dài hạn tăng 264 tỉ đồng so với năm 2015.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô có tổng tài sản hơn 6.518 tỉ đồng thì nợ phải trả lên tới 4.820 tỉ đồng. Ở năm 2015, nợ phải trả của Hà Đô chỉ 1.694 tỉ đồng. Như vậy, số tiền nợ của công ty này tăng gần ba lần trong năm 2016.
Không chỉ hàng tồn kho nhiều, nợ phải trả của Tập đoàn Novaland cũng chiếm tới 72,5% tổng tài sản. Từ quý III đến quý IV của năm 2016, dư nợ của Novaland tăng gần 2.000 tỉ đồng.
Theo HoREA, dư nợ tín dụng ở TP.HCM trong năm 2016 đạt hơn 1.374.000 tỉ đồng, tăng 19,3% so với năm 2015. Trong đó, tín dụng vào thị trường bất động sản đạt khoảng 150.000 tỉ đồng, chiếm 10,6% dư nợ tín dụng của TP.HCM và chiếm tới 35,2% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước. Con số này tăng 14,2% so với năm 2015 và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bất động sản của cả nước, chỉ tăng 8,5%.
Tỉ lệ nợ xấu cho vay trong hệ thống ngân hàng tại TP.HCM năm 2016 là 3,79%. Riêng nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 2,6%. HoREA cho rằng thị trường bất động sản 2017 vẫn trong chu kỳ tăng trưởng nhưng sẽ chững lại so với năm 2016.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn