Ánh sáng đỏ trên hành tinh Proxima-b. Ảnh: M. Kornmesser/ESO. |
Theo Wired, các nhà thiên văn học tìm thấy vài thực thể được cho là bản sao của Trái Đất trong những năm gần đây. Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Puerto Rico, tổng cộng 15 hành tinh với kích thước tương tự Trái Đất có khả năng tồn tại sự sống. Ngoại trừ khối lượng gần với Trái Đất nhất từ trước đến nay, Proxima-b không có nhiều ưu điểm hơn so với các bản sao còn lại.
Điều khiến Proxima-b được đặc biệt quan tâm chính là vị trí của hành tinh này. Với khoảng cách 4 năm ánh sáng, Proxima-b nằm trong phạm vi có thể thăm dò được với công nghệ hiện nay, một điều làm tăng giá trị của nó trong mắt các nhà khoa học.
Tuy nhiên, bao quanh Proxima-b còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trước hết, các nhà khoa học chỉ biết khối lượng tối thiểu của hành tinh này mà chưa có thông tin về bán kính của nó. Điều này có nghĩa là chúng ta không biết chắc chắn nó có phải hành tinh đá hay không. Ngoài ra, Proxima Centauri, mặt trời của Proxima-b có thể làm bay hơi toàn bộ nước trên hành tinh cách đây nhiều năm.
Lisa Messeri, nhà nhân chủng học tại Đại học Virginia, Mỹ, tỏ ra ngạc nhiên khi các hãng thông tấn đưa tin Proxima-b là hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay. Thực tế, quỹ đạo của Proxima-b quanh mặt trời của nó chỉ kéo dài khoảng 11 ngày, tương ứng với 11 ngày trong 1 năm, và bầu trời sẽ có màu đỏ. Nói cách khác, nó hoàn toàn không giống một hành tinh mà con người có thể định cư được.
Messeri nghiên cứu về con người, cụ thể là phản ứng của các nhà du hành vũ trụ đối với những hành tinh có thể sinh sống. "Lý do chúng ta quan tâm tới những hành tinh như Proxima-b là vì chúng cho ta cơ hội để tưởng tượng về một nơi bí ẩn mà chúng ta có thể đặt chân tới", Messeri nói. "Chúng ta thường cảm thấy hào hứng trước những nơi chúng ta có thể tới được".
Xem thêm: Phát hiện 'bản sao Trái Đất' quan trọng như thế nào
Thanh Tùng
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn