Tia sét dài nhất thế giới giáng xuống bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh minh họa: Flicker. |
Tia sét dài 321 km giáng xuống Oklahoma vào ngày 20/7/2007 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ghi nhận là dài nhất hành tinh, theo Live Science. WMO cũng xác nhận thời gian lưu lại lâu nhất 7,74 giây thuộc về một tia sét xuất hiện ở Provence-Alpes-Côte d’Azur, Pháp hôm 30/8/2012.
Công bố trên đánh dấu lần đầu tiên WMO đưa sét vào World Weather & Climate Extremes Archive, cơ sở dữ liệu ghi nhận kỷ lục nhiệt độ, độ lạnh, sức gió, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết khác. Đánh giá đầy đủ về những tia sét lập kỷ lục của WMO được công bố hôm 15/9 trên tạp chí Bảng tin của Hiệp hội Khí tượng học Mỹ.
"Sét là mối đe dọa lớn cướp đi sinh mạng của nhiều người mỗi năm. Những cải tiến trong việc phát hiện và theo dõi các kỷ lục thời tiết sẽ giúp chúng ta nâng cao an toàn cho cộng đồng", Petteri Taalas, tổng thư ký của WMO, phát biểu.
Theo WMO, công nghệ cảm biến sét tiên tiến giúp phát hiện những kỷ lục mới, cho phép tổ chức này đưa kết quả tính toán về sét vào cơ sở dữ liệu. Randall Cerveny, người chuẩn bị báo cáo các kỷ lục cho WMO, cho biết hiện nay, các chuyên gia có thể nghiên cứu sét một cách chi tiết hơn.
Khoảng 25 triệu tia sét giáng xuống nước Mỹ mỗi năm, giết chết trung bình 49 người và gây thương tích cho hàng trăm người, theo Cơ quan Khí hậu Quốc gia Mỹ. Năm nay, tổng cộng 35 người Mỹ đã thiệt mạng do sét đánh.
Xem thêm: Sét hình khủng long bạo chúa rạch ngang bầu trời Mỹ
Phương Hoa
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn